Trả lại niềm tin cho người tiêu dùng

06:08, 02/08/2019

Đến nay, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trải qua tròn 10 năm. Nhìn lại tổng thể bức tranh thị trường cho thấy thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam đã có bước ngoặt rõ rệt. 

Theo Bộ Công thương, hiện tỷ lệ hàng hóa Việt Nam bày bán tại hệ thống các siêu thị trong nước như: Co.opmart, Satra, Vissan, Vinmart… đã lên tới trên 90%. Ngay tại các siêu thị ngoại đang hoạt động tại Việt Nam như: BigC, Aeon, Megamarket…, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng rất cao. Đến nay, khoảng 400 doanh nghiệp được công nhận là “thương hiệu quốc gia”, 196 doanh nghiệp đạt giải thưởng sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt tiêu biểu… Thực tế, đã có hàng nghìn sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp của Việt Nam hình thành được thương hiệu của riêng mình, được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Thế nhưng, để xảy ra những vụ việc hàng nước ngoài, chủ yếu là hàng Trung Quốc gắn tem nhãn “Made in Vietnam” như ngành chức năng phát hiện gần đây, đã khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nó như hắt gáo nước đá vào niềm tin của người tiêu dùng, làm phương hại đến ý nghĩa và những nỗ lực lớn lao của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Điều rất đáng lo ngại là hiện còn rất nhiều sản phẩm, hàng hóa trong tình trạng sản phẩm được hoàn thiện ở nước ngoài nhưng khi nhập về được đội lốt “Made in Vietnam”. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này không chỉ nằm ở sự lắt léo, gian dối của những doanh nghiệp bất chính, mà sâu xa hơn, còn do quy định pháp luật còn hổng, chưa bắt kịp thực tế. Chúng ta đang thiếu căn cứ pháp luật để xác định và xử lý thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam, đâu là hàng Việt Nam “xịn”, còn đâu là hàng “đội lốt”; tỷ lệ như thế nào thì được coi là hàng hóa Việt Nam?... Lãnh đạo Bộ Công thương đã nhìn nhận thực tế này. Đến nay, khái niệm “hàng Việt Nam” mới chỉ có trong tài liệu tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chứ chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, chính thức bằng các văn bản pháp luật. Nghị định 43 ban hành năm 2017 của Chính phủ có quy định về việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa, nhưng vẫn chưa rõ ràng về các chế tài xử lý khi doanh nghiệp cố tình lập lờ đánh lận hàng ngoại nhập thành hàng Việt, tỷ lệ thế nào thì được coi là hàng Việt?

Trước tình trạng nêu trên, Bộ Công thương vừa cho biết đang gấp rút soạn thảo thông tư để quy định rõ thế nào là hàng hóa của Việt Nam, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Mặc dù đây là hành động muộn màng, nhưng dù muộn còn hơn không. Thông tư mới này phải giúp được người tiêu dùng phân biệt được đâu là hàng nội địa 100%, đâu là hàng thành phẩm nhập ngoại, hoặc đưa nguyên liệu từ nước ngoài vào Việt Nam sản xuất, gia công, lắp ráp… Trong một diễn biến khác, mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã chỉ đạo 11 bộ, ngành lên kế hoạch điều tra, đánh mạnh các loại hàng hóa giả mạo nhãn mác, giả xuất xứ Việt Nam (dự kiến kéo dài trong vòng 1 năm, bắt đầu từ ngày 1-8-2019 đến ngày 1-8-2020). Trong đó, đề nghị rõ rằng trước khi có thông tư chính thức gọi tên hàng hóa Việt Nam, các cơ quan liên quan phải vào cuộc mạnh mẽ, mở rộng điều tra, xử lý thật nghiêm tất cả trường hợp doanh nghiệp sản xuất hàng giả, buôn lậu, lập lờ tem mác để lừa người tiêu dùng. Đây là việc làm cấp thiết để trả lại niềm tin cho người tiêu dùng yêu chuộng hàng Việt Nam./.

Phúc Hậu
Theo SGGP

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com