Nghề khảm trai ở La Xuyên

06:08, 02/08/2019

Từ các loại vỏ trai, ốc thô mộc, bằng niềm đam mê nghệ thuật và sự tài hoa, những người thợ ở thôn La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) đã chế tác nên những sản phẩm đồ gỗ khảm trai tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao như: Khay đựng cốc chén, đốc lịch, lọ hoa, sập gụ, tủ chè, tranh gỗ…

Anh Ninh Văn Nguyên (30 tuổi) ở thôn La Xuyên, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ chạm khảm Thái Nguyên là người dành nhiều tâm huyết với nghề khảm trai, ốc. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc, từ năm 12 tuổi, Nguyên đã được ông nội và bố truyền nghề đục chạm. Thời điểm đó, nghề khảm trai chưa phát triển ở địa phương, nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ phải vận chuyển hàng lên nhờ thợ ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Thành phố Hà Nội) khảm trai. Chứng kiến cảnh chờ đợi hàng về, vừa tốn thời gian và kinh phí, Nguyên đã theo học nghề khảm trai ở làng nghề Chuôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. Với sự kiên trì cùng năng khiếu nghề, chỉ sau 6 tháng theo học, Nguyên đã nắm được các kỹ năng khảm trai. Anh cho biết: “Học các kỹ năng nghề khá đơn giản nhưng để làm ra sản phẩm khảm trai tinh tế, bảo đảm mỹ thuật cần nhiều năm rèn luyện và đòi hỏi phải có tính kiên trì, nhẫn nại”. Năm 2009, Nguyên trở về quê mở cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ chạm khảm trai. Hiện nay, các sản phẩm khảm trai, ốc trên chất liệu gỗ ở cơ sở của anh đa dạng về chủng loại như: sập gụ, tủ chè, khay, đốc lịch, tranh… Nhờ uy tín và chất lượng sản phẩm, các mặt hàng khảm trai, ốc do anh chế tác được phân phối ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Theo anh Nguyên, để bức khảm có giá trị nghệ thuật cao, người thợ phải tìm được những loại gỗ có đường vân đẹp như: gụ, trắc để làm mặt và chọn nguyên liệu phù hợp với nội dung muốn thể hiện trong bức khảm. Đơn cử như khi khảm chân dung, người thợ sử dụng những mảnh ốc đỏ làm chủ đạo để nhân vật được nổi bật; còn bức phong cảnh nên chọn những nguyên liệu tối màu và điểm thêm mảnh ốc xanh, đỏ... để tạo điểm nhấn. Với mong muốn nghề khảm trai phát triển ở địa phương, anh Nguyên khuyến khích những người đam mê nghệ thuật khảm trai đến nhà để truyền nghề.

Sản phẩm khảm trai của anh Ninh Văn Nguyên, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ chạm khảm Thái Nguyên, ở thôn La Xuyên, xã Yên Ninh.
Sản phẩm khảm trai của anh Ninh Văn Nguyên, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ chạm khảm Thái Nguyên, ở thôn La Xuyên, xã Yên Ninh.

Cũng ở thôn La Xuyên, anh Phạm Văn Sức (43 tuổi) chủ cơ sở đồ gỗ Cường Sức là một trong những thợ khảm trai lành nghề, nắm giữ nhiều bí quyết truyền thống. Anh Sức cho biết: Quy trình khảm trai, ốc trải qua các bước cơ bản gồm: xẻ, mài và ép ốc, trai; vẽ mẫu trên vỏ ốc, trai; dùng cưa để cắt vỏ trai, ốc theo đường vẽ; lấy mẫu trai, ốc đã cưa vẽ trên mặt gỗ rồi chạm đục sâu 1mm; chít keo cốn lên các rãnh rồi gắn trai, ốc; sau cùng là công đoạn mài, tách, tỉa, đánh bóng… Kỹ thuật chạm khảm đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác tuyệt đối bởi nhiều họa tiết khảm nhỏ như sợi tóc. Ngoài ra, con mắt thẩm mỹ của thợ nghề phải tinh tường bởi màu sắc tranh phụ thuộc vào hướng gắn của chiều ốc, trai, nếu ngược chiều thì tranh kém sáng và có khi không nổi màu tự nhiên. Theo kinh nghiệm của anh Sức, khâu chọn nguyên liệu quyết định thành công của sản phẩm. Vỏ trai dùng để khảm có nhiều loại, như: Trai cánh mảnh nhỏ có màu sẫm, trai thịt trắng có vỏ dày, trai ngọc môi vàng, trai có nhiều vân... Trai ngọc môi vàng thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp màu óng ánh như sắc cầu vồng nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ngoài ra, ốc đỏ là nguyên liệu quý hiếm bởi màu sắc đẹp, thường dùng để tạo cảnh núi non, cánh phượng, cánh công, hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm của vua chúa trong các bức khảm. Trước đây, do không có máy ép, người thợ khảm phải làm thủ công, nên vỏ trai dễ bị vỡ. Ngày nay với việc sử dụng máy móc trong một số công đoạn đã giúp những người thợ có được những loại nguyên liệu tốt hơn. Những miếng trai sau khi xẻ được xếp chồng lên nhau trên 1 bàn ép, sau đó được ngâm vào trong nước nóng và cứ 5 phút người thợ lại điều chỉnh lực ép từ từ, sau 1 ngày đêm sẽ có được những miếng nguyên liệu phẳng.

Cơ sở chạm khảm đồ gỗ mỹ nghệ của anh Hoàng Văn Vân (43 tuổi) luôn tấp nập khách hàng đến đặt các bức khảm trai, ốc. Anh Vân vốn là người quê gốc ở làng Chuôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây cũ đến La Xuyên lập nghiệp đã 20 năm. Anh Vân cho biết: Trước đây, người thợ khảm ở làng La Xuyên chủ yếu làm hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè hay chế tác ra những bức tranh treo tường phỏng theo tích truyện Tam Quốc, những bộ tứ quý “tùng, trúc, cúc, mai”. Theo thời gian và xu thế hội nhập, những người nghệ nhân khảm trai nơi đây đã từng bước nâng cao tay nghề để sáng tạo ra những mẫu tranh tinh xảo, kỹ thuật hơn như phong cảnh non nước, khắc họa chân dung. Nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề La Xuyên phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường... Để xây dựng uy tín trên thị trường, mỗi lần nhập nguyên liệu trai ốc về, tự tay anh lựa từng vỏ ốc; quán xuyến công đoạn gia công làm mềm, mài nhẵn và ép phẳng rồi cuối cùng chọn lấy phần nguyên liệu tinh khiết loại một dùng để khảm. Theo anh Vân, dù công nghệ sản xuất hiện đại hơn nhưng một tác phẩm nghệ thuật với các chi tiết tinh xảo đòi hỏi bàn tay khéo léo, tài hoa, óc sáng tạo phong phú của người thợ ở từng công đoạn. Hiện nay, nhiều cơ sở bán đồ gỗ mỹ nghệ ở La Xuyên đã liên kết đặt hàng đều đặn với các cơ sở chạm, khảm trai, ốc nên đường làng đã thành “phố hàng” bày bán đa dạng sản phẩm khảm trai ốc như: tranh tứ bình, hộp phấn, khay, bình, lọ...

Nghề khảm trai, ốc ở làng nghề La Xuyên đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, số lượng và quy mô của các cơ sở khảm trai trong thôn còn nhỏ (cả thôn hiện có 15 cơ sở khảm trai). Thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Yên Ninh tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện để các cơ sở chạm, khảm tiếp cận các nguồn vốn vay, tổ chức các lớp học nghề khảm tại chỗ, giúp thợ trẻ nâng cao tay nghề, kỹ năng, tiếp cận các xu hướng mới của thị trường… cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com