Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

07:07, 30/07/2019

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta cũng như cả nước đang phải đối diện với không ít khó khăn và chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết, thiên tai và các loại dịch bệnh phức tạp, kinh tế hộ vẫn chiếm đa số, vì thế rất cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp với vai trò đầu tàu dẫn dắt kết nối chu trình, góp phần đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả; nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm. Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là yêu cầu tất yếu, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất gạo chất lượng cao tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên.
Sản xuất gạo chất lượng cao tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên).

Là một trong những huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Hải Hậu luôn xác định vai trò quan trọng đầu tàu của doanh nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư, đồng hành với nông dân các địa phương. Xã Hải Đông liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed để sản xuất giống lúa TBR225 trên quy mô 35ha. Với sự đầu tư giống, vốn và được hướng dẫn cụ thể về quy trình chăm sóc, bảo vệ lúa từ phía doanh nghiệp, các hộ nông dân tham gia mô hình đã sản xuất thành công giống lúa với sản lượng 170 tấn/vụ. Toàn bộ lượng thóc giống được Công ty bao tiêu bằng hợp đồng tiêu thụ ký kết từ đầu vụ, ổn định giá thu mua, giá trị kinh tế thu được cao gấp 3-4 lần so với sản xuất lúa truyền thống nên người dân rất phấn khởi, yên tâm hợp tác sản xuất. Xã Hải Hưng liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty Cổ phần Nông sản Tiến Vua sản xuất lúa giống Dự Hương với quy mô 15ha, sản lượng lúa giống đạt 70 tấn. Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông thủy sản an toàn Võ Chinh đã liên kết với xã Hải An, Hải Hòa và Thị trấn Thịnh Long sản xuất 37ha rau an toàn. Trung bình mỗi tháng Hợp tác xã cung cấp cho thị trường 12 tấn rau an toàn các loại, giá trị kinh tế đạt 120 triệu đồng, trong đó lợi nhuận đạt gần 40 triệu đồng... Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hải Hậu, các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi có sự tham gia của doanh nghiệp đều mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Thông qua các mô hình liên kết đã đào tạo được một bộ phận nông dân có kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thay đổi cách nghĩ, nếp làm từ sản xuất tự phát, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang thực hành sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường, môi sinh... Không chỉ huyện Hải Hậu mà ở các địa phương trong tỉnh đều xuất hiện mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, với vai trò đầu tàu của doanh nghiệp đã tạo ra những cánh đồng sản xuất nông sản lớn, quy mô và khối lượng, chất lượng nông sản đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện đại, được người tiêu dùng đánh giá và ghi nhận. Chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân với các hợp tác xã và bà con xã viên ở Hải Hậu, Trực Ninh vẫn không ngừng được mở rộng với quy mô trên 300ha, sản lượng tiêu thụ trên 1.000 tấn lúa. Lợi nhuận của mỗi hộ xã viên tham gia liên kết sản xuất với Công ty tăng 8-10% so với sản xuất đại trà. Cùng với việc duy trì chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giống lúa lai, lúa thuần với quy mô khoảng 400ha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân đã liên kết với Công ty Ajichi Farm (Nhật Bản) triển khai mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Japonica với quy mô 60ha. Quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm có chất lượng cao nên được tiêu thụ tốt... Mô hình liên kết sản xuất rau công nghệ cao của Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh (Trực Ninh) mỗi tháng cung ứng cho các cửa hàng rau củ quả sạch và siêu thị khoảng 45 tấn rau các loại, giá trị sản lượng đạt trên 600 triệu đồng/tháng. Nhờ tham gia chuỗi sản xuất, hàng trăm hộ nông dân có việc làm và thu nhập ổn định… Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, trong lĩnh vực chăn nuôi cũng xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất mang lại hiệu quả cao. Chuỗi sản xuất trứng gà theo tiêu chuẩn VietGAHP của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Phượng ở xã Hải Xuân (Hải Hậu) có quy mô 30 nghìn con gà đẻ. Trung bình mỗi năm công ty cung cấp cho thị trường hơn 8 triệu quả trứng, lợi nhuận đạt hơn 2 tỷ đồng. Được tỉnh và địa phương tạo điều kiện mặt bằng sản xuất và cơ chế, một số doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Danh đang nỗ lực đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị kỹ thuật để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thịt lợn sạch. Ở lĩnh vực thủy sản, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao xuất khẩu tại cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định), với dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín từ khâu làm sạch đến bảo quản, tổ chức liên kết sản xuất với các hộ nuôi ngao trong tỉnh, hàng năm xuất khẩu 5.000 tấn ngao sạch… Việc các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân và các tổ chức đoàn thể chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu nông sản, tham gia phát triển chuỗi giá trị đã góp phần quan trọng giải quyết bài toán khó về nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thị trường tiêu thụ và bảo vệ môi trường, tạo thêm động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Cùng với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, các doanh nghiệp còn trực tiếp hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương để làm đường giao thông, xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa...

 

Tuy nhiên, với nhiều thế mạnh nông nghiệp nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta vẫn còn ít bởi lĩnh vực kinh tế này tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp tuy đã được đầu tư nâng cấp song chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông sản hàng hóa khiến chi phí đầu tư ban đầu của doanh nghiệp tăng cao. Mặt khác, việc tiếp thụ các nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân còn gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ, quy mô đầu tư của doanh nghiệp. Theo thống kê của ngành Ngân hàng tỉnh, trong quý I năm 2019 chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch dư nợ cho vay chỉ đạt 6,98 tỷ đồng; chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp có dư nợ 53,2 tỷ đồng, con số rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp... Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn, ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã có các Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55. Về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, Chính phủ có Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Có thể nói khung chính sách về vốn khuyến khích đầu tư vào nông thôn đã rất phong phú, rộng mở; và nhu cầu thực tế là rất lớn. Vậy đâu là “nút thắt” là vấn đề cần được các nhà quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng và nông dân phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, các doanh nghiệp cần chủ động lập phương án sản xuất, kinh doanh, làm việc với các tổ chức tín dụng hoặc cơ quan chức năng địa phương để được tiếp cận các nguồn vốn theo các cơ chế, chính sách nêu trên. Bên cạnh đó, ngoài các chính sách ưu đãi của Nhà nước, Chính phủ về nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả, tỉnh cần nghiên cứu, ban hành một số chính sách đặc thù của tỉnh để tạo động lực, sức hấp dẫn thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển sản xuất nông nghiệp như: khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân thuê gom, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ổn định, lâu dài; khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết hoặc góp cổ phần với doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho các nông sản đặc trưng, chủ lực của các địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã đưa các sản phẩm nông nghiệp giới thiệu trên các sàn giao dịch nông sản tại các thành phố lớn.

Có thể nói, để đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đang rất cần đến vai trò đầu tàu của doanh nghiệp trong dẫn dắt, kết nối các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ổn định, bền vững, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com