Xuân Kiên sau dồn điền, đổi thửa

08:11, 01/11/2012

Ngay trong năm 2011, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Trên diện tích 290ha đất trồng lúa giờ chỉ còn 96 thửa. Sau khi dồn đổi, cả 3 vụ: xuân, mùa, đông trong năm 2012, xã đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn và cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp.

I - Kết quả dồn điền, đổi thửa

Đồng chí Trịnh Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban nông nghiệp xã Xuân Kiên tâm sự: “Công tác DĐĐT là phức tạp, khó khăn vì đụng chạm đến quyền lợi của mọi người. Xác định rõ điều đó, cấp uỷ, chính quyền từ xã đến thôn đã tập trung chỉ đạo, các đoàn thể quần chúng vào cuộc, đồng thời động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân dân nên ngay trong năm 2011 xã đã giao ruộng ngoài thực địa cho từng hộ dân để canh tác…”.

Xác định nhiệm vụ DĐĐT là động lực, là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất và xây dựng NTM, lường trước những khó khăn phức tạp, xã Xuân Kiên đã tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực tạo không khí sôi động trong mọi tầng lớp nhân dân nên đến cuối năm 2011, tất cả các hộ nông dân đều được giao ruộng ngoài thực địa để canh tác. Đầu năm 2011 trên 290ha đất cấy lúa của xã được chia thành 1.000 thửa, sau DĐĐT chỉ còn 96 thửa lớn, giảm 904 thửa, mỗi thửa lớn gồm nhiều thửa nhỏ nhưng không có bờ phân cách. Từ thửa lớn nhất là 2ha (đầu năm) thì cuối năm thửa lớn nhất xã đã đạt 8ha và thửa nhỏ nhất là 2ha. Sau DĐĐT, bình quân mỗi khẩu chỉ canh tác 1,15 thửa. Toàn bộ diện tích đất canh tác của xã đã được quy hoạch thành các vùng sản xuất chuyên canh: vùng lúa chất lượng cao, vùng lúa giống, vùng cấy 2 vụ lúa + vụ đông đủ rộng để tạo ra lượng hàng hoá lớn tập trung. Toàn bộ diện tích đất công xen kẹt trong dân, giờ đã được quy về gọn 2 vùng để xây dựng cánh đồng sản xuất lúa giống và vùng trồng cây vụ đông tập trung. Trong DĐĐT, xã đã huy động và nông dân đã góp 123 nghìn m2 đất để chỉnh trang lại đồng ruộng và xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; trong đó 63 nghìn m2 đất cho xây dựng giao thông, thuỷ lợi nội đồng và 60 nghìn m2 đất xây dựng bãi chôn lấp rác thải, đường giao thông nông thôn, nhà văn hoá xóm… Xã đã đầu tư 450 triệu đồng cùng với số tiền 250 triệu đồng nhân dân đóng góp để tổ chức thuê máy đào đắp trên 30 nghìn m3 đất cho cả chục nghìn bờ vùng, bờ thửa với nền đường rộng 5m, mặt đường đảm bảo 3m, tổng độ dài trên 20km, hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đồng. Đường nội đồng được đắp mới, nới rộng, tôn cao, thuận lợi cho việc cơ giới hoá sản xuất. Kênh được nạo vét, tạo cho việc tưới tiêu chủ động kể cả khi úng lụt xảy ra hay hạn hán trong vụ đông để phục vụ cho thâm canh cao đồng thời phát triển, nhân rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung.

Thu hoạch lúa mùa bằng máy gặt đập liên hợp ở Xuân Kiên.
Thu hoạch lúa mùa bằng máy gặt đập liên hợp ở Xuân Kiên.

II - Xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Sau DĐĐT, xã Xuân Kiên lại háo hức bước vào công cuộc xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Khi Bộ NN và PTNT và UBND tỉnh có chủ trương xây dựng mô hình CĐML trong vụ lúa xuân 2012 thì Xuân Kiên là một trong những xã đi đầu trong tỉnh đăng ký xây dựng mô hình. Mặc dù triển khai gấp lại đúng vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn nhưng cả 3 xóm 10a, 10b và 14, nông dân đồng lòng xây dựng CĐML với “4 cùng”: cùng giống, cùng thời vụ, cùng gieo sạ hàng thay cho cấy truyền thống trên cùng 1 cánh đồng rộng 60ha đã được củng cố và xây dựng khá hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thuỷ lợi. Anh Bùi Văn Quyên, xóm trưởng xóm 10b tâm sự: “Trước chủ trương xây dựng mô hình CĐML của xã, nông dân chúng tôi đồng tình ngay vì cùng cánh đồng, xóm 10a đã tổ chức gieo sạ hàng thay cho cấy lúa nhiều vụ. Mặc dù là trong ngày tết, nhiều hộ đã chuẩn bị giống lúa gieo cấy… nhưng các hộ đã giao cho lãnh đạo xóm chuẩn bị giống tổ chức gieo sạ hàng tập trung để xây dựng CĐML…”. Ba xóm đồng lòng đi trước xây dựng CĐML với 60ha gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp thay cho gieo mạ, cấy lúa. Chỉ riêng công cấy vụ xuân 2012 tại xã Xuân Kiên các hộ thiếu lao động đã phải thuê 200 nghìn đồng/sào nhưng cả 3 đội làm dịch vụ gieo sạ hàng tại CĐML vụ xuân 2012 khi lúa lên đạt 3 lá mới giao lại ruộng cho các hộ chăm sóc, các hộ chỉ phải nộp cho dịch vụ này 100 nghìn đồng mỗi sào… Khi được hỏi làm như vậy xóm phải “bao cấp” bao nhiêu thì xóm trưởng xóm 10a Mai Văn Thức khẳng định các anh đã tính đúng, tính đủ, không có bao cấp (!). Ngoài tiết kiệm được 1 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, gặt bằng máy chi phí thấp hơn gặt bằng tay và ít rơi rụng, nhưng năng suất tăng trên 8% so với đại trà cùng khu vực của xã. Vụ mùa năm 2012 cả 60ha CĐML của xã lại được tổ chức gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp với cùng một loại thóc giống NĐ5 do Cty CP Giống cây trồng Nam Định cung cấp. Hạch toán sau khi lúa sạ được 3 lá giao cho các hộ, vụ mùa các xóm cũng chỉ thu 150 nghìn đồng/sào, bằng “non” nửa chi phí gieo mạ, cấy tại xã ở cùng thời điểm. Khi thu hoạch, Cty CP Giống cây trồng Nam Định mua ngay thóc tại đầu bờ (thóc chưa qua phơi, sấy) với giá 6,8 nghìn đồng/kg, tương đương với giá thóc BT7 đã phơi khô, rê sạch. Năng suất vụ lúa mùa đạt bình quân trên 2 tạ/sào (56 tạ/ha), gấp trên 1,5 lần so với gieo cấy giống lúa BT7 tại cùng cánh đồng. Vụ đông năm nay cả 3 xóm tiếp tục gieo đậu tương đông trên diện tích CĐML. Đây là vùng đậu tương đông có diện tích lớn (trên 40ha) trong toàn tỉnh trên diện tích cấy 2 vụ lúa.

Sau DĐĐT, Xuân Kiên đã xây dựng CĐML để tạo ra nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, bền vững. Vai trò chỉ đạo hoạt động sản xuất nông nghiệp của chính quyền xã được nâng cao, HTX phát huy tác dụng trong việc phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất. Nông dân nhàn hơn, giảm chi phí đầu vào, tạo ra hiệu quả kinh tế cao nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật: giống, phương pháp canh tác, khâu làm đất, thu hoạch… tình làng nghĩa xóm gắn bó hơn, mở ra hướng thâm canh 3 vụ trong năm, đạt hiệu quả bền vững./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com