Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

07:10, 30/10/2012

Nhằm đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, những năm qua, Sở Công thương và các doanh nghiệp trong tỉnh đã tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực như Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam và một số tỉnh miền Trung xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn tỉnh đã được hình thành và thu được kết quả bước đầu. HTXNN Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã liên kết với Cty TNHH Bao bì kim loại CFC (TP Nam Định) thực hiện các dịch vụ thỏa thuận để hỗ trợ nông dân trồng dưa chuột, cà chua đông làm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Theo đó, HTX đảm nhận khâu dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp cho xã viên; Cty TNHH Bao bì kim loại CFC cung ứng giống, thuốc trừ sâu, phân bón, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất cho nông dân và thu mua toàn bộ nông sản sau thu hoạch theo hợp đồng. Các hộ nông dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật, được cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ HTX và tổ chức trồng, chăm bón, thu hoạch và bán toàn bộ sản phẩm dưa chuột, cà chua cho Cty. Ngoài ra, HTX còn được Sở Công thương hỗ trợ lập website để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá về hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX… Căn cứ quy hoạch phát triển nông nghiệp của xã, HTX đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh từng vụ trong năm để triển khai cụ thể đến các thôn xóm, trích kinh phí đầu tư và hỗ trợ xã viên gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Trong vụ đông xuân 2011-2012, HTXNN Nghĩa Bình đã cung ứng cho Cty TNHH bao bì kim loại CFC 240 tấn cà chua, với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng và 150 tấn dưa chuột bao tử, trung tử với giá trị 675 triệu đồng. Đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ nhiệm HTXNN Nghĩa Bình cho biết: Tham gia mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân, các hộ nông dân không chỉ được hỗ trợ vốn, giống, vật tư nông nghiệp mà còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất theo quy trình chuẩn giúp nâng cao kiến thức kỹ năng quản lý và thay đổi tập quán canh tác. Các loại nông sản được kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ, nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho xuất khẩu, tham gia đầy đủ vào chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Từ sản phẩm thô, Cty đã tổ chức chế biến trên dây chuyền hiện đại với công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm. Các sản phẩm xuất khẩu như dưa chuột bao tử, cà chua, ngô ngọt, đậu Hà Lan, dứa của Cty được quản lý, kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và tiêu chuẩn HACCP/2009 về VSATTP, chiếm lĩnh được thị trường các nước Đông Âu và Mỹ. Ngoài việc liên kết với HTXNN Nghĩa Bình, Cty TNHH bao bì kim loại CFC còn liên kết với các xã Nghĩa Tân, Nghĩa Hồng, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); Hải Lộc, Hải Tây (Hải Hậu) sản xuất, tiêu thụ nông sản phục vụ chế biến xuất khẩu. Cty CP Lương thực Nam Định liên kết với Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) trong sản xuất lúa hàng hóa.

Đóng bao bì gạo xuất khẩu tại Cty CP Lương thực Nam Định.
Đóng bao bì gạo xuất khẩu tại Cty CP Lương thực Nam Định.

Cùng với sản phẩm nông nghiệp, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm CN-TTCN của các làng nghề cũng đã đạt được một số kết quả bước đầu. Huyện Trực Ninh có 19 doanh nghiệp, HTX dệt may, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở sản xuất trong huyện có gần 2.000 khung dệt các loại, trong đó có 80 máy dệt công nghiệp, tập trung chủ yếu ở Thị trấn Cổ Lễ và các xã Trực Chính, Phương Định, Trực Thuận, Trực Mỹ, Trực Nội, Trực Đạo. Lợi thế trong phát triển công nghiệp dệt may ở Trực Ninh là có nhiều làng nghề dệt truyền thống; nguồn lao động trẻ dồi dào; được huyện tạo điều kiện về thủ tục hành chính, vay vốn ngân hàng, cho thuê đất để xây dựng nhà xưởng nên từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp, HTX dệt trong huyện đã ký được nhiều hợp đồng liên kết sản xuất thông qua các Cty dệt may lớn trong và ngoài tỉnh như Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty Trường Xuân và Cty CP Đông Phong (Thái Bình)… Các doanh nghiệp của huyện Ý Yên đã được hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua tổ chức hiệp hội làng nghề. Với 3 hiệp hội làng nghề chính là Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên, Hiệp hội đồ gỗ Yên Ninh và Hội doanh nghiệp trẻ huyện, các hiệp hội đã vận động các thành viên hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm sản xuất và chia sẻ đơn hàng khi khan hiếm cũng như khi không đủ năng lực thực hiện đối với những đơn hàng lớn và thời gian ngắn. Do đó, với hình thức các doanh nghiệp trong làng nghề phụ trách kỹ, mỹ thuật, đảm nhận vai trò đầu mối ký kết tiêu thụ sản phẩm và hướng dẫn người lao động ở các khu vực khác gia công theo từng công đoạn của sản phẩm nên các nghề truyền thống như nghề gỗ mỹ nghệ của các thôn Trịnh Xá, Lũ Phong của xã Yên Ninh nay đã được nhân rộng ra tất cả các thôn trong xã và các xã Yên Hồng, Yên Thắng, Yên Mỹ, Yên Dương; nghề mây tre đan Yên Tiến đã phát triển ra hầu hết các xã trong huyện, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động ở các địa phương. Sản phẩm từ các làng nghề truyền thống của huyện Ý Yên đã tham gia sâu rộng vào thị trường xuất khẩu.

Để tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tháng 7-2012, Sở Công thương đã tổ chức chương trình hợp tác, liên kết giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh và Thành phố Hà Nội để việc cung ứng, tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm và hàng công nghệ phẩm được thuận lợi. Theo đó, Hà Nội sẽ cung ứng cho thị trường Nam Định những sản phẩm công nghệ cao và thu mua hàng nông, thủy sản tươi sống của tỉnh như gạo, thịt lợn, trứng gia cầm, rau xanh, hải sản vào chuỗi tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội. Sở Công thương cũng đang hướng đến các tỉnh lân cận thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm để giới thiệu những mặt hàng tiềm năng của tỉnh. Tuy nhiên, để liên kết vùng trong tiêu thụ sản phẩm được hiệu quả, ngoài cơ chế phối hợp cụ thể, các ngành chức năng của tỉnh cần xác định sản phẩm chủ lực và là thế mạnh của địa phương để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com