Bình Minh phát triển đa dạng ngành nghề

07:10, 30/10/2012

Là xã có diện tích đất nông nghiệp bình quân theo đầu người thấp nên từ nhiều năm nay, xã Bình Minh (Nam Trực) đã tập trung thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về địa phương đầu tư phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động. Xã đã tạo điều kiện cho Cty CP May Sông Hồng đầu tư xây dựng Nhà máy may Bình Minh rộng hơn 10 nghìn m2 với 10 dây chuyền sản xuất. Tháng 9-2011 Cty đã hoàn thành đầu tư giai đoạn I với 4 dây chuyền may thu hút hơn 150 lao động địa phương, sản xuất quần áo jacket, áo lông vũ 5-8 lớp xuất khẩu sang thị trường các nước: Hàn Quốc, Mỹ, Canada và châu Âu. Trung bình mỗi tháng Cty xuất bán được hơn 16 nghìn sản phẩm áo jacket lông vũ theo đơn đặt hàng.

Giới thiệu sản phẩm tranh thêu thủ công mỹ nghệ của Cty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Minh.
Giới thiệu sản phẩm tranh thêu thủ công mỹ nghệ của Cty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Minh.

Để nâng cao tay nghề cho công nhân, nhà máy đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Nam Trực tổ chức 3 lớp dạy nghề may cho công nhân ngay tại nhà máy. Công nhân mới vào nghề đều được nhà máy đào tạo dạy nghề miễn phí 1 tháng và được hỗ trợ tiền thử việc, nếu đạt yêu cầu, nhà máy sẽ nhận ngay vào làm việc. Hiện tại, toàn bộ 150 lao động tại nhà máy đều có trình độ chuyên môn may từ bậc 2/7 đến bậc 4/7 với mức lương trung bình từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Trên địa bàn xã còn có Cty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Minh chuyên sản xuất các mặt hàng thêu tay thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Với uy tín và chất lượng tranh thêu tay cao, thời gian qua Cty đã thu hút được nhiều đơn đặt hàng từ Xin-ga-po, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc, Nhật Bản... Hiện tại, Cty không chỉ cung ứng ra thị trường hơn 200 mẫu sản phẩm tranh thêu tay các loại như tranh sơn thủy hữu tình, cửu ngư quần hội, mã đáo thành công, tứ bình, tứ quý… mà còn vẽ mẫu tranh thêu theo yêu cầu của khách hàng, chủ yếu là tranh các di tích lịch sử nổi tiếng như tác phẩm Đền Vua Đinh, vua Lê, tháp Rùa Hồ Gươm. Chị Nguyễn Thị Nhâm, Giám đốc Cty cho biết, hiện tại, trung bình mỗi tháng Cty ký được hơn 30 hợp đồng đặt hàng xuất khẩu các loại với giá từ 30-80 triệu đồng/hợp đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức thu nhập từ 80-150 nghìn đồng/người/ngày. Trừ chi phí, mỗi năm Cty lãi hơn 800 triệu đồng. Không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương, Cty còn thu hút hơn 100 lao động gia công tại các xã lân cận như: Nam Thái, Nam Hồng, Nam Hoa, Nam Tiến. Để mở rộng thị trường, Cty thường xuyên tham gia các hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc. Cuối tháng 9-2012, Cty đã tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm làng nghề truyền thống khu vực Nam đồng bằng sông Hồng tại Thành phố Nam Định. Tại hội chợ, Cty đã giới thiệu quảng bá hơn 40 sản phẩm tranh thêu tay thủ công mỹ nghệ đặc sắc và đã bán được một số sản phẩm với giá trị 600 triệu đồng, đồng thời ký hợp đồng được hơn 30 đơn hàng khác. Bên cạnh các nghề mới, xã Bình Minh còn nổi tiếng với nghề truyền thống sản xuất kẹo lạc, kẹo vừng với thương hiệu kẹo lạc làng Chợ ở thôn Thượng Nông. Hiện tại, nghề sản xuất kẹo lạc ở xã thu hút hơn 700 lao động nông nghiệp lúc nông nhàn. Đặc biệt vào các dịp cuối năm, giáp Tết, thôn Thượng Nông lại nhộn nhịp không khí sản xuất với trung bình mỗi hộ có thể xuất bán hơn 2 tạ kẹo lạc/ngày, tiêu biểu như hộ các ông Trần Đức Tuy, Vũ Xuân Bắc, Phạm Văn Nguyên…

Thời gian tới, xã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện xây dựng đề án công nhận làng nghề truyền thống kẹo lạc làng Chợ. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện sử dụng linh hoạt nguồn Quỹ khuyến công để mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề thêu ren, móc sợi và may mặc cho người lao động. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh tạo điều kiện cho các Cty, doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Phát triển kinh tế tổng hợp đa dạng ngành nghề, xã Bình Minh phấn đấu năm 2012 thu nhập bình quân đạt 16 triệu đồng/người/năm./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com