Những mô hình chuyển đổi hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở Hải Hậu

07:04, 21/04/2012
Gia trại theo mô hình VAC của anh Đinh Văn Hậu, ở xóm Xuân Hoá, xã Hải Xuân thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Gia trại theo mô hình VAC của anh Đinh Văn Hậu, ở xóm Xuân Hoá, xã Hải Xuân thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Đến hết năm 2011, huyện Hải Hậu đã chuyển đổi được hơn 1.862ha diện tích cấy lúa, làm muối kém hiệu quả sang các mô hình cây trồng và con nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, trong đó diện tích chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản nước ngọt là 1.064ha, nuôi thủy sản mặn lợ là 676ha, còn lại 122ha chuyển đổi sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại tổng hợp. Toàn huyện đã triển khai 155 mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Một số xã có nhiều diện tích chuyển đổi như Hải Châu (89ha), Thị trấn Thịnh Long (76ha), Hải Hòa (74ha)… Tại xã Hải Xuân, hơn 30ha đất cấy lúa kém hiệu quả thuộc xóm Xuân Hóa đã được chuyển đổi sang các mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp. Anh Đinh Văn Hậu ở xóm Xuân Hoá cho biết: Năm 2011, với diện tích ao nuôi rộng hơn 1ha, anh thu được hơn 2 tấn cá lóc bông và 1 tấn cá truyền thống các loại; diện tích vườn hơn 1 mẫu anh trồng rau màu theo mùa vụ, ngoài ra anh còn nuôi 14 con lợn thịt. Hiện tại, anh đang ương giống hơn 20 nghìn con cá diêu hồng, hơn 3.200 con cá lóc bông và cá truyền thống các loại. Dự kiến đầu tháng 5 tới, anh sẽ nuôi thử nghiệm 5.000 con cá diêu hồng trên 2 ao nuôi, còn lại duy trì 1 ao thả cá lóc bông, 1 ao nuôi cá truyền thống. Năm 2011, gia trại chăn nuôi của anh Hậu thu hơn 200 triệu đồng. Hộ các ông Đinh Văn Hòa, Bùi Hồng Cừu cũng đều thu hàng trăm triệu đồng/năm từ mô hình VAC. Để hỗ trợ các hộ chuyển đổi, xã Hải Xuân hỗ trợ 1 triệu đồng đối với 1 mẫu đất chuyển đổi, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc thủy sản nước ngọt, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng NN và PTNT. Năm 2011, xã Hải Thanh đã chuyển đổi được hơn 21ha đất cấy lúa kém hiệu quả ở xóm Trực Cường sang xây dựng mô hình kinh tế VAC. Đồng chí Nguyễn Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Hải Thanh cho biết: “Thực hiện chuyển đổi, xã vận động các hộ xây dựng mô hình VAC theo cơ cấu dành 60% diện tích làm ao, diện tích còn lại dùng để chăn nuôi lợn, gà, vịt kết hợp với trồng cây màu”. Hộ ông Lê Văn Đường ở xóm Trực Cường hiện có gần 2ha đất chuyển đổi sang đào ao thả cá truyền thống kết hợp nuôi vịt đẻ, vịt thịt. Năm 2011, ông thu được hơn 8 tấn cá, trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nuôi thả 1.000 con vịt đẻ và hơn 5.000 con vịt thịt, 3 con lợn nái và 40 con lợn thịt, tạo thêm nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm. Năm 2011, tổng thu từ gia trại chăn nuôi của gia đình ông đạt hơn 200 triệu đồng. Xã chủ động khuyến khích các hộ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình lợn + cá, vịt + cá, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa tận dụng được nguồn thức ăn thừa từ chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế như hộ các ông Phạm Văn Ứng, Lâm Văn Tuyến ở xóm Trực Cường, Phạm Văn Hữu ở xóm 12 đều thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ngoài các chính sách hỗ trợ vay vốn, xã còn hỗ trợ xây dựng hầm biogas với kinh phí từ 15-20 triệu đồng đối với mỗi hộ nuôi từ 40 con lợn thịt trở lên. Năm 2011, huyện phát triển thêm 15 trang trại, gia trại tổng hợp. Đến nay, toàn huyện đã có 365 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Để các mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả bền vững, Trạm Khuyến nông, khuyến ngư huyện đã tích cực xây dựng các mô hình trình diễn, hội thảo đầu bờ để nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào thực tiễn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển. Năm 2011 và 3 tháng đầu năm 2012, huyện đã tổ chức 58 lớp tập huấn phổ biến kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho 4.060 lượt người, góp phần đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình nuôi cá trắm đen ở xã Hải Đường đã được nhân rộng ra 3ha với 30 hộ tham gia. Các mô hình nuôi cá lóc bông ở xã Hải Hòa, nuôi chim bồ câu ở xã Hải Lộc, mô hình trình diễn nhân giống hạt cải dầu thương phẩm ở 3 xã Hải Tân, Hải Sơn, Hải Lộc đều cho hiệu quả kinh tế cao./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com