Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN và trăn trở nỗi lo thiếu lao động

07:03, 22/03/2012

Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh phát triển với tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2011, vượt lên nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh ta đạt 10,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp. Trong bước phát triển chung của tỉnh có đóng góp không nhỏ của khối doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN. Tuy nhiên, thiếu lao động và lao động qua đào tạo vẫn đang là nỗi lo và là bài toán chưa có lời giải thoả đáng của nhiều doanh nghiệp.

I - Thực trạng hoạt động của các KCN

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 là 11 KCN. Hiện nay, 4 KCN đã đi vào hoạt động gồm: Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh và KCN tàu thuỷ Vinashin. Đến đầu tháng 3-2012, đã có 155 dự án của 126 nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN, với tổng số vốn đăng ký là 11.700 tỷ đồng và 173,5 triệu USD, dự kiến tạo ra 56.000 chỗ làm việc. Trong đó, KCN Hòa Xá có 111 doanh nghiệp với 134 dự án; KCN Mỹ Trung có 10 doanh nghiệp với 12 dự án; KCN tàu thủy Vinashin (Hải Hậu) có 2 doanh nghiệp với 6 dự án và KCN Bảo Minh (Vụ Bản) có 1 doanh nghiệp với 1 dự án. Các dự án tập trung đầu tư vào các ngành: cơ khí 33,7%; dệt may 19,6%; sợi 4%; sản xuất nhựa 9,8%; công nghiệp chế biến 9,8% và các ngành sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ; sản xuất thuốc chữa bệnh; sản xuất vật liệu xây dựng... Diện tích đất cho thuê trong các KCN đạt 312ha, tỷ lệ lấp đầy 64,8%. KCN Hòa Xá đã cơ bản lấp đầy 100% diện tích đất thương phẩm; KCN Mỹ Trung cho thuê gần 30%; KCN Bảo Minh mới sử dụng 5,5% tổng diện tích. Năm 2011, các doanh nghiệp trong KCN đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức tập trung đầu tư, mở rộng sản xuất, tìm kiếm bạn hàng mới nên nhìn chung sản xuất, kinh doanh vẫn bảo đảm ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp KCN năm 2011 chiếm gần 25% toàn tỉnh; giá trị hàng xuất khẩu chiếm hơn 40% tổng giá trị toàn tỉnh. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2012 Ban quản lý các KCN tỉnh đang tập trung cao cho công tác xúc tiến đầu tư vào các KCN Bảo Minh, Mỹ Trung; phấn đấu hoàn chỉnh thủ tục đầu tư trình UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho từ 15 đến 20 dự án mới. Ngày 7-2-2012, Ban quản lý các KCN của tỉnh đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư đầu tiên trong năm nay, đó là dự án xây dựng nhà máy sợi PVTEX Nam Định. Đây là dự án nằm trong gói 6 dự án đã ký kết ghi nhớ theo chương trình thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa tỉnh Nam Định và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Mục tiêu của dự án là sản xuất các loại sợi PE chất lượng cao từ sản phẩm hóa dầu nhằm cung ứng cho các nhà máy dệt vải phục vụ may mặc xuất khẩu. Tổng mức đầu tư giai đoạn một của dự án này là 410 tỷ đồng, với nhà máy quy mô 60.000 cọc sợi, sản lượng 4.733 tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2013. Ban quản lý các KCN của tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh luôn tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để tham gia cùng doanh nghiệp hoàn thành đầu tư, xây dựng đưa một số dự án mở rộng sản xuất đi vào hoạt động như: Nhà máy dệt nhuộm giai đoạn II của Cty TNHH Youngone Nam Định; nhà máy may Cty Youngor Smart Shirts; nhà máy chế biến gỗ của Cty CP Lâm sản; nhà máy cơ khí của Cty TNHH Phú Mỹ Hải; nhà máy sản xuất sản phẩm bằng da của Cty TNHH Yamani... Hướng thu hút đầu tư mới vào địa bàn tỉnh trong những năm tới là các dự án có vốn đầu tư lớn từ 500 tỷ đồng trở lên, có công nghệ cao với nguồn vốn FDI, bảo đảm sản xuất sạch, giữ gìn môi trường và tạo việc làm cho lao động có tay nghề cao. Các lĩnh vực ngành nghề đang ưu tiên kêu gọi đầu tư trong giai đoạn hiện nay gồm điện tử, cơ khí, công nghệ chế biến, dệt, may, phân bón, sản xuất vật liệu xây dựng... Mục tiêu năm 2012, các doanh nghiệp KCN sẽ đạt giá trị sản xuất công nghiệp trên 2.900 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2011; giá trị hàng xuất khẩu đạt 150 triệu USD, tăng 7% so năm trước; thu hút thêm khoảng 5.000 nhân lực, nâng tổng số lao động
lên gần 27.000 người với thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng trở lên; thu nộp ngân sách trên 90 tỷ đồng, nộp tiền sử dụng hạ tầng KCN Hòa Xá trên 2,3 tỷ đồng. Kế hoạch đến năm 2015, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư để lấp đầy các KCN hiện có đồng thời xây dựng thêm KCN Mỹ Thuận và một số KCN khác theo yêu cầu phát triển.

Sản xuất sợi xuất khẩu tại Cty CP Thuỷ Bình (KCN Hoà Xá, TP Nam Định).
Sản xuất sợi xuất khẩu tại Cty CP Thuỷ Bình (KCN Hoà Xá, TP Nam Định).

II - Hướng đi nào để giải quyết tình trạng thiếu lao động hiện nay

Tính đến đầu năm nay, tổng số lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp KCN là 20.021 người và khoảng 10.000 lao động các loại làm dịch vụ gia công cho các doanh nghiệp KCN. Trong đó, lao động làm việc trong ngành dệt may là 13.000, chiếm 65% tổng số lao động; ngành cơ khí 1.554 người, chiếm 7,7%; chế biến gỗ 1.040 người, chiếm 5%; sản xuất nến 740 người, chiếm 3,7%; sản xuất đồ nhựa 480 người, chiếm 2,4% và các ngành nghề khác. Tính theo loại hình doanh nghiệp, lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI là 12.000 người, chiếm tỷ lệ 60%; làm việc trong Cty CP là 5.320 người, chiếm 26,5%; trong Cty TNHH và doanh nghiệp tư nhân gần 3.000 người, chiếm 13,5%. Phần lớn lao động đang làm việc trong các KCN của tỉnh có tuổi đời từ 20-30, chiếm tỷ lệ 73%; có đến 82% lao động mới chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp; hơn 74% lao động là nữ. Hầu hết lao động đều có trình độ văn hóa từ THCS trở lên, chiếm tỷ lệ 98,6%. Lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên mới chiếm gần 5%; trung cấp khoảng 13%. Có đến trên 30% lao động chưa qua đào tạo nghề nên khi tiếp nhận vào làm việc, các doanh nghiệp phải hướng dẫn, kèm cặp, dạy nghề, truyền nghề tại chỗ rồi mới giao công việc chính thức. Trong quá trình làm việc, người lao động luôn nỗ lực vươn lên, nhanh chóng tiếp thu công nghệ. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số lãnh đạo doanh nghiệp FDI thì năng suất lao động của công nhân Việt Nam thấp hơn nhiều so với công nhân Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaixia. Nhiều vị trí làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh do không thuê được đội ngũ kỹ thuật có tay nghề cao và giỏi tiếng Anh nên vẫn phải thuê người nước ngoài đảm nhận...

Về thu nhập của công nhân KCN, nhìn chung còn thấp, khó bảo đảm cuộc sống của chính người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động tại doanh nghiệp KCN năm 2010 là 2 triệu đồng/người/tháng; năm 2011 đạt khoảng 2,3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, dự kiến mức thu nhập mỗi người đạt khoảng 3 triệu đồng/tháng. Với mức tăng giá chóng mặt của các mặt hàng tiêu dùng, cộng với chi phí điện, nước, xăng dầu, thuê nhà trọ... đều cao nên nhìn chung đời sống của công nhân còn rất khó khăn. Hầu hết công nhân đều làm thêm giờ cùng với cắt giảm các khoản đầu tư cho học tập, nâng cao trình độ, cũng như chi phí cho nhu cầu hưởng thụ các hoạt động văn hóa, tinh thần... Từ cuộc sống khó khăn nên thực tế đang diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp là không ít lao động nhảy việc, bỏ việc để tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn hoặc có điều kiện đãi ngộ tốt hơn, tạo ra hiện tượng thiếu lao động cục bộ, gây lãng phí lao động, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Tuyển, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, Cty TNHH Youngone Nam Định là đơn vị có quy mô sản xuất lớn, môi trường làm việc sạch đẹp nhưng lại có số lao động dịch chuyển nhiều nhất. Lúc cao điểm Youngone có tới hơn 12.000 lao động, nhưng hiện tại đã rút xuống còn gần 7.600 người. Trong những tháng đầu năm nay, Cty đã tiếp nhận mới gần 800 công nhân vào làm việc nhưng lại có hơn 200 người bỏ việc, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn hai.

Theo thống kê sơ bộ, năm 2012 các doanh nghiệp KCN cần tuyển 9.048 lao động, tăng 57% so với đầu năm. Khối doanh nghiệp nội địa có nhu cầu tuyển dụng lao động cao như: Cty TNHH Tây Nam 300 người; Cty TNHH Việt Anh 150 người. Các doanh nghiệp FDI đang không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng lao động mới là rất cao như: Cty May TNHH Garnet Nam Định đang cần tuyển 300 công nhân; Cty CP Arksun Nam Định tuyển 566; Cty TNHH Universal Candle Việt Nam tuyển 838; Cty TNHH Youngone Nam Định tuyển 7.077 lao động.

Nhằm từng bước giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trung tuần tháng 3 vừa qua Ban quản lý các KCN phối hợp với LĐLĐ, Sở Công thương, Sở LĐ-TB và XH cùng một số doanh nghiệp, cơ sở đào tạo đã tổ chức tọa đàm tìm giải pháp tháo gỡ. Thông qua tọa đàm, các đơn vị liên quan đều thống nhất đánh giá chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn thấp và bất cập, đa số công nhân xuất thân từ sản xuất nông nghiệp, chưa có hoặc có trình độ tay nghề thấp, ý thức kỷ luật, tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp còn hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, thời gian tới đòi hỏi người lao động phải được đào tạo cơ bản, khá toàn diện để có đủ năng lực làm việc và hưởng thu nhập tương xứng. Các trường, cơ sở dạy nghề thường chú trọng đến số lượng đầu vào, ít chú ý đến chất lượng đầu ra nên doanh nghiệp phải mất một thời gian để đào tạo lại, đào tạo thêm cho người lao động khi tuyển dụng. Thực tế này đang làm cho chủ sử dụng lao động phải mất thêm chi phí đào tạo và người lao động thời gian đầu chỉ được trả lương thử việc hay lương học nghề, tập nghề. Vì vậy, chương trình đào tạo nghề cho lao động cần gắn với yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở KCN, CCN. Ban quản lý các KCN và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần thường xuyên trao đổi thông tin về công tác đào tạo, tuyển dụng, quản lý lao động với các trường, cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp KCN để có biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ, triển khai tốt chương trình giải quyết việc làm của tỉnh đã đề ra./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com