Đồng tiền và lợi ích nhóm

03:03, 22/03/2012

Ngân hàng thừa vốn trong khi doanh nghiệp lại điêu đứng vì thiếu vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh là hai hình ảnh tương phản trong bức tranh tổng thể nền kinh tế. Dù lãi suất ngân hàng đã giảm bớt nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn vay. Dấu hiệu những dòng vốn “lệch chuẩn” luẩn quẩn qua lại giữa một số tổ chức kinh doanh tiền tệ trong bối cảnh xã hội “khát” vốn khiến dư luận đặt vấn đề về sự cố kết giữa các nhóm lợi ích khi phải chịu sự điều chỉnh bởi các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Mục tiêu năm 2012 của nền kinh tế là kiềm chế lạm phát ở mức 9%, tăng trưởng GDP đạt mức 6,5%, bội chi 4,8%, nhập siêu 12%, tổng đầu tư toàn xã hội 33%. Trong khi đó, theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội cũng như Nghị quyết của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm 2012 là 15-17%, chỉ ở mức thấp so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong vòng 20 năm qua. Việc phải siết chặt chính sách tiền tệ vì mục tiêu kéo giảm lạm phát nhưng đồng thời vẫn phải tăng GDP ở mức cao đang nảy sinh sự xung đột cần phải quyết, mà trước hết là yêu cầu bảo đảm tính hợp lý, lành mạnh trong hoạt động của các ngân hàng. Các địa chỉ tín dụng có tình hình tài chính thiếu lành mạnh trở thành đối tượng của tiến trình tái cấu trúc. Thế nhưng, lợi ích nhóm của các cổ đông lớn ở các tổ chức như vậy đang va chạm với lợi ích đại chúng trong hoạt động phục vụ của ngân hàng.

Thay đổi mô hình phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu buộc phải cấu trúc lại hệ thống ngân hàng để tạo sự tương thích của cả cơ thể nền kinh tế. Ảnh: PV
Thay đổi mô hình phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu buộc phải cấu trúc lại hệ thống ngân hàng để tạo sự tương thích của cả cơ thể nền kinh tế. Ảnh: Internet

Khác biệt giữa những nhóm ngân hàng thực sự dư thừa thanh khoản và nhóm có tình hình ngược lại luôn gây nên những tác động trái chiều đến tình hình huy động vốn từ xã hội. Các tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp do không dễ vay vốn liên ngân hàng nên phải huy động từ dân cư bằng mọi cách. Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, từ những tháng cuối năm ngoái, thị trường liên ngân hàng bắt đầu xuất hiện cơ chế có bảo đảm, thế chấp trong hoạt động vay mượn giữa các thành viên. Việc các ngân hàng vay nhau phải thế chấp tài sản là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử liên ngân hàng. Những đơn vị thừa thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ hơn vay nhưng lại rơi vào tình trạng “vốn khó đòi”. Một số ngân hàng vay trên thị trường này nhưng khất trả nợ khi quá hạn đã tác động tiêu cực, gây không ít xáo trộn, hạn chế chức năng của thị trường liên ngân hàng trong vai trò điều hòa vốn cả hệ thống. Ở một phương diện khác, đã xuất hiện động thái một số ngân hàng thương mại lớn “bung vốn” để hỗ trợ một số ngân hàng thương mại nhỏ có năng lực tài chính hạn chế thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản. Thực chất đây là những dòng vốn dịch chuyển chỉ có tác dụng “che giấu” sự yếu kém của một số tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực của hệ thống. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được quyền mua bán nợ với nhau với mục đích gia tăng hiệu suất sử dụng nguồn vốn huy động của xã hội, nhằm tránh trường hợp có những ngân hàng có tình hình thanh khoản tốt nhưng lại không có khách hàng vay, không có dự án bảo đảm. Thế nhưng dư luận lại đang băn khoăn về nguy cơ chủ trương trên của Ngân hàng Nhà nước bị méo mó. Bởi việc thiếu sự kiểm tra giám sát đúng mức sẽ tạo tình trạng các ngân hàng thương mại mua bán nợ xấu nhằm làm giảm nợ xấu để đối phó với Ngân hàng Nhà nước khi tỷ lệ nợ xấu vượt quá quy định. Có ý kiến cho rằng, khi sáp nhập ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao vào ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trung bình thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mới có thay đổi nhưng quy mô nợ xấu vẫn không thay đổi, và hình thức này có thể giúp nhóm cổ đông của ngân hàng nhỏ trước đây “gối cao ngủ ngon”.

Bối cảnh sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng phức tạp do nhiều ngân hàng “mọc” lên trong những năm qua, một số cổ đông sáng lập ngân hàng này có thể đồng thời là cổ đông chính của các ngân hàng khác. Chính vì vậy, bề nổi của hoạt động hỗ trợ thanh khoản hợp pháp giữa các ngân hàng với nhau nếu thiếu vắng sự kiểm soát đúng mức của Nhà nước, ắt sẽ dễ biến tướng thành công cụ của nhóm lợi ích làm gia tăng sở hữu hạn chế của nhóm cổ đông hoặc nhóm ngân hàng gây trở lực đối với quá trình tái cấu trúc theo chủ trương của Chính phủ. Do vậy, bên cạnh tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém còn cần phải tái cấu trúc quản trị nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế đối với các tổ chức tín dụng không bị cho là yếu kém. Việc soát lại hoạt động ở các ngân hàng cũng là cơ hội để xóa tan những hoài nghi về hiện tượng “sân sau” của nó cũng như minh bạch trước câu hỏi có hay không các nhóm lợi ích đứng sau lũng đoạn hoạt động của một số ngân hàng.

Yêu cầu cấp bách về việc thay đổi mô hình phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu buộc phải cấu trúc lại hệ thống huyết mạch ngân hàng để tạo sự tương thích của cả cơ thể nền kinh tế đất nước. Việc truy tìm, rà soát và chấn chỉnh những khe hở cơ chế có tác dụng phòng tránh những đặc quyền đặc lợi được tạo ra trong hoạt động của hệ thống ngân hàng hiện nay. Đó chính là đòi hỏi chính đáng của nền kinh tế đất nước, cũng là dịp chấn chỉnh những yếu kém trong hệ thống ngân hàng tồn tại lâu nay, nhằm tránh những dòng vốn “lệch chuẩn” sai địa chỉ cũng như sự cố kết của những nhóm lợi ích thiếu chính đáng. Đòi hỏi đó càng trở nên bức thiết, trong bối cảnh thời gian qua, với lãi suất cho vay cao cùng nhiều nguyên nhân khó khăn khác khiến hơn 50.000 doanh nghiệp phải giải thể, và hiện nay hằng tháng vẫn đang có ít nhất hàng ngàn doanh nghiệp khác phải phá sản do không có vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh./.

Theo: daidoanket.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com