Sản xuất thành công phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt

08:03, 21/03/2012

Thực hiện mục tiêu tận dụng và tái chế rác thải thành những sản phẩm có ích, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định đã ứng dụng thành công quy trình sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt bằng phương pháp lên men hiếu khí tốc độ cao, sau đó sản xuất phân compost phục vụ sản xuất nông nghiệp.  

Dây chuyền sản xuất phân compost tại Nhà máy xử lý rác thải Nam Định.
Dây chuyền sản xuất phân compost tại Nhà máy xử lý rác thải Nam Định.

Theo thống kê của Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định, trong tổng số trên 56 nghìn tấn rác thải thu gom trên địa bàn thành phố mỗi năm, số lượng rác được đưa vào xử lý tại Nhà máy xử lý rác Nam Định chiếm 62,6%. Rác thải sinh hoạt khi đưa về nhà máy được phân loại và chuyển rác thải hữu cơ đến buồng ủ. Qua 2 quy trình ủ lên men và ủ chín được thực hiện khép kín trên hệ thống điều khiển tự động trong thời gian 50 ngày sẽ cho ra sản phẩm phân hữu cơ compost chất lượng cao. Ưu điểm của quá trình xử lý bằng công nghệ sinh học với các vi sinh vật hiếu khí chịu nhiệt và ưu nhiệt là chuyển hóa các chất hữu cơ thành phân vi sinh hữu cơ, khí carbonic (CO2) và nước (H2O), không sinh khí CH4 và H2S nên không gây cháy nổ, không có mùi hôi, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Toàn bộ hệ thống thiết bị kiểm soát và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ô xy... được vận hành trong quy trình khép kín và được bổ sung các vi sinh vật chịu nhiệt và ưu nhiệt đến 80oC nên các vi sinh vật gây bệnh hoàn toàn bị tiêu diệt, các hợp chất chứa Clo, các kim loại nặng được chuyển hóa không còn gây độc hại cho hệ thực vật, đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Qua thực tế sản xuất cho thấy: Cứ 100 tấn rác đưa vào xử lý thì sản xuất được 21,7 tấn phân compost có chất lượng cao, trong đó có thành phần mùn, các chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng đa lượng N, P, K; dinh dưỡng trung lượng Ca, Mg, S; dinh dưỡng vi lượng Fe, Zn, Cu, Mo, Co, Bo… đặc biệt hữu ích đối với cây trồng và góp phần cải tạo đất. Với công suất hiện tại, trung bình một ngày, nhà máy sản xuất được 45 tấn phân compost. Sản phẩm phân compost đã được sử dụng rộng rãi trong việc cải tạo đất, bón cho cây trồng tại Cty Giống cây trồng Nam Định, Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị, các hộ trồng hoa, cây cảnh ở các xã ngoại thành Nam Định và huyện Nam Trực. Qua thực tế sử dụng phân compost các loại cây trồng sinh trưởng nhanh, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với cây trồng đối chứng bón đơn thuần bằng phân hoá học. Đặc biệt trong việc cải tạo đất chua, đất bạc màu với tỷ lệ phối trộn 1/4, các chỉ số về hàm lượng chất hữu cơ có lợi cho cây trồng tăng cao như: hàm lượng P tăng 1,29 lần, K tăng 1,06 lần, độ mùn tăng 2,11 lần và độ chua trong đất giảm 2,58 lần so với khi chưa sử dụng phân compost. Ông Trần Minh Trúc, thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định) cho biết, thời gian đầu, ông dùng phân compost thay thế một phần phân hóa học bón cho hoa cúc, ngay vụ đầu tiên đã cho kết quả cao, cây hoa sinh trưởng nhanh, thân cứng, lá dầy, xanh thẫm, hoa to, màu sắc sáng đẹp. Từ hiệu quả đối với hoa cúc, ông tiếp tục sử dụng bón cho hoa ly là giống hoa “khó tính” nhưng hiệu quả cũng rất cao. Khi bón phân compost, đất tơi xốp, sạch sẽ, không có mùi hôi, giảm công lao động và các chi phí khác. Hiện nay, nhiều hộ trồng cây cảnh tại xã Điền Xá (Nam Trực) đã sử dụng phân compost. Tại vùng chuyển đổi sang nuôi thủy sản ở các xã ngoại thành Nam Định, phân compost được dùng bón cây, gây màu nước ao và rải quanh bờ ao để hạn chế sự rửa trôi của đất nhiễm phèn xuống ao mỗi khi mưa lớn. Hiện tại Nhà máy xử lý rác Nam Định đang kết hợp với Cty CP Phân bón Hà Nội lắp đặt dây chuyền sản xuất phân vi sinh cao cấp từ nguyên liệu phân compost ngay tại nhà máy nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu cải tạo đất trong sản xuất nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com