Xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an tỉnh Nam Định ngày càng chính quy, tinh nhuệ

05:05, 26/05/2022

Đại tá, PGS, TS Phạm Văn Long
Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh 

Ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) và Pháp lệnh Quy định chế độ cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan CSND. Đây là sự kiện lịch sử, mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của CSND Việt Nam kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng thời là cơ sở pháp lý để xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH) của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. 

Đại tá Phạm Văn Long, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra công tác làm căn cước công dân gắn chíp điện tử trên địa bàn huyện Giao Thủy.  Ảnh: Xuân Thu

Đại tá Phạm Văn Long, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra công tác làm căn cước công dân gắn chíp điện tử trên địa bàn huyện Giao Thủy.

Ảnh: Xuân Thu

Từ những ngày đầu thành lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể; sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân; lực lượng CSND Công an tỉnh đã vượt qua khó khăn, gian khổ, nêu cao truyền thống vẻ vang, phát huy vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm TTATXH, chủ động phòng ngừa, liên tục tấn công các loại tội phạm; triệt phá nhiều băng, ổ nhóm tội phạm nguy hiểm; điều tra khám phá hàng nghìn vụ án, góp phần quan trọng bảo vệ an toàn công cuộc cải tạo và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, lực lượng cảnh sát Nam Định đã sát cánh cùng với quân và dân trong tỉnh bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm, sơ tán, cứu chữa những người dân bị thương, bị sập hầm, cháy nhà, giải quyết hậu quả sau những trận ném bom, giữ vững mạch máu giao thông, góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các thế lực thù địch trong nước và quốc tế cấu kết, điên cuồng chống phá cách mạng, cùng với lực lượng CSND Việt Nam, CSND tỉnh đã làm tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn và trực tiếp đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, trong đó phát hiện, điều tra nhiều vụ án xâm phạm tài sản XHCN có giá trị lớn; triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm nguy hiểm bảo đảm TTATXH, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. 

Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lực lượng Công an tỉnh nói chung và lực lượng Cảnh sát nói riêng đã đổi mới toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ cơ bản… Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng Cảnh sát tỉnh đã chủ động phòng ngừa và liên tục mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm, nổi bật là thực hiện Chỉ thị số 135 ngày 14-5-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Theo đó, đã phát hiện điều tra, xử lý nhiều vụ án kinh tế lớn thu hồi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng; triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm; bắt giữ, truy tố hàng nghìn đối tượng phạm pháp hình sự, đối tượng truy nã nguy hiểm, thu hàng trăm khẩu súng, lựu đạn; bóc gỡ, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý lớn. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát đã tích cực vận động quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác ở từng thôn, xóm, đường phố; xây dựng và phát động nhiều mô hình phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc: “Vây chặt bắt gọn”, “Tiếng kẻng ba phòng”; “Chốt gác an ninh”, “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư… thu hút được đông đảo quần chúng tham gia; tăng cường kỷ cương trên các lĩnh vực, góp phần giữ vững TTATXH trên địa bàn. 

Trên lĩnh vực quản lý hành chính về TTATXH, lực lượng Cảnh sát đã tích cực, chủ động tham mưu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy; quản lý giam giữ, thi hành án hình sự tại cộng đồng; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, “xây dựng lực lượng Công an Nam Định sống trong lòng dân”. Điển hình là Công an tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân, là một trong hai đơn vị đứng đầu toàn quốc về tiến độ thực hiện chỉ tiêu 2 Dự án và được Bộ Công an đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương. Thực hiện chủ trương của Bộ Công an về bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thành bố trí Công an chính quy tại 100% Công an xã, thị trấn, trở thành một trong những tỉnh triển khai sớm nhất toàn quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh) thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phục vụ công tác điều tra, phá án.  Ảnh: Xuân Thu

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh) thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phục vụ công tác điều tra, phá án.

Ảnh: Xuân Thu

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng CSND Công an tỉnh ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân, giữ vững TTATXH, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với những chiến công oanh liệt, lực lượng CSND tỉnh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Có 6 đơn vị và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 3 cá nhân được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ; hàng trăm lượt đơn vị và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại; nhiều đơn vị và cán bộ, chiến sĩ được tặng Bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh về những chiến công xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn TTATXH... góp phần viết nên những trang sử hào hùng của Công an tỉnh Nam Định. 

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước và trên địa bàn tỉnh có những thuận lợi, thời cơ cùng khó khăn, thách thức đan xen, tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề hơn, phức tạp hơn đối với lực lượng CSND tỉnh. Lực lượng CSND tỉnh làm tốt chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 05-KL/TW, ngày 15-7-2016 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030....

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; xây dựng và phát huy thế trận lòng dân vững chắc; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH với phương châm “trọng dân, hiểu dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt công tác, nhất là công tác nghiệp vụ cơ bản, coi đây là khâu quyết định trong công tác phòng, chống tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các cấp, các ngành liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tăng cường kỷ cương xã hội trên các lĩnh vực giao thông trật tự, quản lý cư trú, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ… 

Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng; không ngừng học tập, phấn đấu nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật. Tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn TTATXH trong tình hình mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com