Giao Thuỷ nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép"

08:01, 30/01/2022

Doãn Quang Hùng
Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy

Nêu cao quyết tâm với khí thế năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân huyện Giao Thủy đã vượt qua những khó khăn của năm 2021 thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch. Đón Xuân Nhâm Dần 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thuỷ tự hào vì tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 vẫn duy trì ổn định và có bước phát triển, tạo nền tảng quan trọng để trong năm 2022 và các năm tiếp theo, huyện có bước đột phá về phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Mô hình nuôi ong tại vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Mô hình nuôi ong tại vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Năm 2021, cũng như các địa phương trong tỉnh, huyện Giao Thuỷ thực hiện kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường với các đợt và các ổ dịch phức tạp xuất hiện gây ảnh hưởng, gián đoạn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Trong bối cảnh đó Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo đúng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được triển khai quyết liệt, linh hoạt trong các giai đoạn. Nhờ vậy đảm bảo được điều kiện, không gian an toàn cho việc duy trì sản xuất kinh doanh. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành trong huyện tranh thủ mọi điều kiện triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 20-7-2021 của UBND tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra vi phạm, trục lợi chính sách và kịp thời giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định cuộc sống... Đã có 372 lượt người được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 558 triệu đồng.  

Ngư dân Giao Thủy ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Ngư dân Giao Thủy ra khơi đánh bắt hải sản.

Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, huyện đã xây dựng được cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở khai thác và phát huy những lợi thế về lao động và tiềm năng của một huyện ven biển. Trong đó, để mở cơ hội phát triển dài lâu cho địa phương, huyện đã chú trọng chỉ đạo công tác quy hoạch, thể chế hóa các định hướng chiến lược, quan điểm phát triển của tỉnh và của huyện. Huyện đã lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch đô thị thị trấn Quất Lâm đến năm 2030, Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đại Đồng; tham gia, góp ý các Quy hoạch chung của tỉnh như: Quy hoạch liên vùng Giao Thủy - Hải Hậu; Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện dự án xây dựng các khu, điểm dân cư tập trung trên địa bàn huyện. Do vậy năm 2021, kinh tế của huyện vẫn có sự khởi sắc, một số lĩnh vực duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung của tỉnh; tổng thu ngân sách ước đạt 628.294 triệu đồng, đạt gần 188% so với dự toán và bằng 172,75% so với cùng kỳ năm 2020; thu nhập bình quân thực tế đầu người ước đạt 70 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2021 ước thực hiện 6.250 tỷ đồng (giá hiện hành), đạt 100% kế hoạch, tăng 13,5% so với năm 2020. Bình quân giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 135 triệu đồng/ha; năng suất lúa bình quân cả năm tiếp tục đứng đầu tỉnh. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt gần 3.445 tỷ đồng. Toàn huyện có 5 xã là Giao An, Giao Hải, Giao Tiến, Giao Phong và Bạch Long được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020; UBND huyện công nhận 26 xóm/tổ dân phố của 18 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. 

Năm 2022 huyện Giao Thủy tập trung quyết liệt phát triển toàn diện kinh tế - xã hội phấn đấu thực hiện thắng lợi một số chỉ tiêu chủ yếu: thu nhập bình quân thực tế đầu người đạt 82 triệu đồng/năm; tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 3.875 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 17%, dịch vụ tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu đạt 135 triệu USD; phấn đấu hết năm 2022, toàn huyện có 15 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu có thêm 10 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, huyện quán triệt quan điểm thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành trong huyện ngay từ đầu năm 2022. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh sớm hoàn thành các đồ án quy hoạch trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070; Quy hoạch 2 bên tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện; Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch,… Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của huyện, đảm bảo tiến độ của năm 2022, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm; Cụm công nghiệp Giao Thiện, Cụm công nghiệp Giao Yến 1 và khu dân cư tập trung tại các xã, thị trấn... Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh đổi mới các hình thức sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến thương mại, kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có công nghệ hiện đại; giá trị gia tăng cao và có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách; xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện như Vườn quốc gia Xuân Thủy, Khu du lịch biển Quất Lâm, khai thác có hiệu quả, bền vững các loại hình và sản phẩm du lịch là thế mạnh của huyện./.

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com