Phát huy truyền thống vẻ vang, ngành Thanh tra tỉnh tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao

08:11, 21/11/2017

Vũ Minh Lượng
TUV, Chánh Thanh tra tỉnh

Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam. Qua 72 năm xây dựng và phát triển, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Cùng với sự trưởng thành và phát triển của Thanh tra Việt Nam, Thanh tra tỉnh Nam Định được thành lập trong thời kỳ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày đầu, các thế hệ cán bộ Thanh tra Nam Định đã ngày đêm lăn lộn với công việc, vừa xây dựng tổ chức, vừa phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phục vụ công cuộc khôi phục, cải tạo kinh tế - xã hội, chi viện sức người, sức của cho đồng bào miền Nam. Công tác thanh tra tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và một số cuộc vận động lớn của Đảng và Chính phủ, như: “Ba xây, ba chống”, cải tiến HTX nông nghiệp, làm nhiệm vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, công tác quản lý vật tư, quân trang, khí tài, tình hình vận chuyển lương thực, thực phẩm; việc xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống thủy nông, thực hiện chế độ phân phối sản phẩm, nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Có thể nói hoạt động thanh tra trong thời kỳ này mặc dù chưa đủ mạnh, song đã phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy, chính quyền các cấp, khôi phục và phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, một loạt các văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước về công tác thanh tra, xét giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được ban hành. Bộ máy tổ chức của ngành Thanh tra tỉnh cũng được thay đổi trong quá trình chia tách tỉnh. Từ Ban Thanh tra tỉnh Nam Định khi thành lập đến năm 1964; Ủy ban Thanh tra tỉnh Nam Hà (1965-1976) và Ủy ban Thanh tra tỉnh Hà Nam Ninh (1976-1990); Thanh tra Nhà nước tỉnh Nam Hà (1990-1997); Thanh tra Nhà nước tỉnh Nam Định (1997-2004); từ tháng 10-2004 đến nay là Thanh tra tỉnh Nam Định. Trong suốt chặng đường lịch sử ấy, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra Nam Định vừa xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, vừa triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Hằng năm, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, sự giúp đỡ ủng hộ của nhân dân; Thanh tra tỉnh đã tiến hành xây dựng chương trình kế hoạch thanh tra một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chất lượng; xác định công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong tình hình hiện nay; tăng cường công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy dân chủ, coi trọng tự phê bình và phê bình để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Thanh tra tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, các văn bản để lãnh đạo các cấp, thủ trưởng các ngành làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham mưu giúp UBND tỉnh tập trung rà soát các vụ việc tồn đọng theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp cụ thể để giải quyết; tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh còn tồn đọng theo Thông báo số 84/TB-UBND ngày 6-6-2017 của UBND tỉnh. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, Thanh tra tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước; chủ động, tích cực và bám sát chỉ đạo của cấp trên để tiến hành thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm. Trong năm 2017, toàn ngành Thanh tra đã và đang tiến hành 289 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, chuyên ngành. Nội dung tập trung trên các lĩnh vực: quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai; quản lý tài chính, ngân sách; thanh tra trách nhiệm phòng, chống tham nhũng và thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; thanh, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý của các sở, ngành… Qua thanh tra đã phát hiện các sai phạm, thu hồi cho ngân sách Nhà nước 6.689,43 triệu đồng và thu hồi 31.258,5m2 đất; Trong đó, thu hồi vào ngân sách Nhà nước là 3.479,64 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 2.714,83 triệu đồng, đề nghị cấp có thẩm quyền khi phê duyệt quyết toán công trình giảm trừ là 494,96 triệu đồng; tịch thu nhiều tang vật vi phạm hành chính khác. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã giúp các cấp, các ngành chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, hạn chế và phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, được cấp ủy Đảng, chính quyền và xã hội đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, ngành Thanh tra đã tích cực tham mưu để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và bước đầu đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực; tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc pháp luật phòng, chống tham nhũng, Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; công tác công khai, minh bạch, việc kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả; công tác thanh, kiểm tra phòng ngừa tham nhũng được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Trong công tác xây dựng ngành, Thanh tra tỉnh đẩy mạnh việc xây dựng các quy chế phối hợp với các cơ quan, địa phương, nghiên cứu các đề tài khoa học, sáng kiến, cải tiến kinh nghiệm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, quản lý Nhà nước… Đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra đã có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, đến nay toàn tỉnh có 29 tổ chức thanh tra với 220 cán bộ, công chức; cùng với lực lượng Thanh tra Nhà nước ở các cấp, các ngành còn có hàng trăm Ban thanh tra nhân dân ở các xã, phường, thị trấn và cơ quan, xí nghiệp với hàng nghìn cán bộ và lực lượng thanh tra chuyên ngành của các sở, ngành. Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.

Với những kết quả đã đạt được, ngành Thanh tra tỉnh đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba. Nhiều tập thể, cá nhân trong ngành được Nhà nước tặng thưởng Huân chương các loại và được Tổng Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen.

Phát huy truyền thống 72 năm của lực lượng Thanh tra Việt Nam, thời gian tới, ngành Thanh tra tỉnh tiếp tục đổi mới toàn diện cả về tổ chức cán bộ và phương thức hoạt động. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tập trung lực lượng tham mưu giúp thủ trưởng các cấp, các ngành làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị, phản ánh của công dân. Tham mưu cho UBND các cấp, các ngành xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực, nhằm phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, bất cập trong quản lý, xử lý các hành vi vi phạm, tiêu cực cũng như kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, bảo đảm kết luận thanh tra chính xác, khách quan, đúng pháp luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra. Thực hiện các giải pháp đồng bộ, tiến hành quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, để tạo chuyển biến rõ rệt; chủ động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa; đẩy mạnh phát hiện tham nhũng và có biện pháp kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng. Tập trung củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên, bảo đảm trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com