Thông qua Luật Lâm nghiệp; thảo luận 2 dự án Luật; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

07:11, 17/11/2017

Ngày 15-11, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp và thảo luận dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (TDTT).

Đầu giờ làm việc buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp với 431 đại biểu QH tán thành, bằng 87,78% tổng số đại biểu.

Tiếp đó, thảo luận dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), phần lớn ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn nữa thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền Nhà nước.

Các đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng), Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Trần Đăng Ninh (Hòa Bình) băn khoăn về quy định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền của doanh nghiệp chỉ bị coi là vi phạm luật khi “có thể dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh”, nghĩa là phải chứng minh được tình huống giả định về hậu quả xảy ra trong tương lai để xử phạt. Nhưng cơ quan quản lý rất khó có cơ sở định lượng để chứng minh hậu quả khi hành vi mới xảy ra. Do vậy, cần nghiên cứu sửa lại quy định để bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, cần chỉnh sửa nội dung về phạt tiền đối với hành vi vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề cho phù hợp, theo hướng chỉ nên phạt tiền trong tổng doanh thu ngành, hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp vi phạm, không phạt tiền toàn bộ các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh hình thức phạt tiền, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đác Nông) kiến nghị, quy định thêm hình phạt tù từ 1 đến 5 năm đối với cá nhân, đình chỉ có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm đối với pháp nhân vi phạm nhằm phù hợp, thống nhất theo quy định tại khoản 2, Điều 217 Bộ luật Hình sự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Nhật Bắc
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Nhật Bắc

Bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật đề xuất cơ quan duy nhất quản lý về cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương mà không phải là một cơ quan độc lập, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) và một số đại biểu đề nghị quy định rõ trong dự thảo luật những hành vi bị cấm đối với cơ quan Nhà nước, nhất là ở những lĩnh vực có doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương tham gia. Đồng thời, cũng cần quy định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này để tránh tình trạng quản lý cạnh tranh không bình đẳng.

Thảo luận việc kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định cơ bản phản ánh đúng bản chất kinh tế, pháp lý của biện pháp kiểm soát, nhưng theo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, nên bổ sung biện pháp kiểm soát về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thay vì chỉ kiểm soát về giá cả, số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường của hàng hóa, dịch vụ như quy định của dự thảo luật.

Buổi chiều, QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT; nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại các vấn đề pháp lý chung quanh việc cho phép đặt cược trong một số hoạt động TDTT, vì hình thức kinh doanh này mới chỉ được thí điểm, điều chỉnh bởi Nghị định 06 do Chính phủ ban hành năm 2017. Trong hệ thống pháp luật hiện hành, chưa có khái niệm “đặt cược bất hợp pháp”, do đó, quy định về cấm lợi dụng hoạt động TDTT để tổ chức đặt cược bất hợp pháp tại khoản 7 Điều 10 của dự án luật chưa bảo đảm tính khả thi. Có đại biểu cho rằng, cá cược, đặt cược là các hoạt động nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, cần có nghiên cứu chuyên đề, báo cáo đánh giá tác động cụ thể đi đôi với tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 06 trước khi thông qua luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) và một số đại biểu cho rằng, dự án luật chưa chú trọng các môn TDTT quần chúng, cũng như cơ chế bảo tồn các hoạt động TDTT dân gian vì đây là “cái gốc” của hoạt động TDTT, từ cấp độ quần chúng đến thể thao thành tích cao. Do đó, cần xem xét, xác định rõ lĩnh vực nào, môn thể thao nào là trọng tâm, trọng điểm quốc gia để làm “đòn bẩy” cho tất cả các hoạt động TDTT của cả nước trong thời gian tới. Về nội dung kinh doanh hoạt động TDTT mạo hiểm và hoạt động TDTT bắt buộc có người hướng dẫn luyện tập, có ý kiến đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung toàn bộ Điều 56 của dự thảo luật theo hướng nghiên cứu và luật hóa để có thể điều chỉnh một cách đầy đủ các quan hệ phát sinh từ việc kinh doanh nêu trên.

Ngày 16-11, đúng 8h00, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban Thường vụ QH và kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu về các nhóm vấn đề chất vấn, tại kỳ họp này, QH quyết định lựa chọn 4 nhóm vấn đề để tiến hành chất vấn.

Một là, về công tác quản lý thuế, hải quan, tăng cường quản lý nợ công an toàn hiệu quả.

Hai là, về việc điều hành chính sách tiền tệ; giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Ba là, việc ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và công tác quản lý Nhà nước về báo chí, truyền thông.

Bốn là, việc nâng cao chất lượng công tác xét xử, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành TAND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Gắn với 4 nhóm vấn đề chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ TT và TT, Chánh án TAND Tối cao sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu QH.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn trong quá trình diễn ra phiên họp khi cần thiết sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình báo cáo làm rõ thêm những nội dung mà đại biểu QH quan tâm.

Theo thông lệ kỳ họp cuối năm, QH sẽ dành toàn bộ buổi chiều ngày 18-11 để chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những vấn đề liên quan tới trách nhiệm của Chính phủ.

Để hoạt động chất vấn đạt kết quả, hiệu quả, tăng tính đối thoại, Chủ tịch QH đề nghị, các đại biểu QH nêu nội dung chất vấn ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào nội dung thuộc nhóm vấn đề đã được QH lựa chọn, bảo đảm đúng thời gian quy định.

Các bộ trưởng, trưởng ngành khi trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu QH chất vấn, trả lời thẳng thắn, xác định rõ trách nhiệm, lộ trình, hướng khắc phục trong thời gian tới.

Chủ tịch QH cho biết sau phiên chất vấn, QH cũng sẽ ban hành Nghị quyết để ghi nhận các giải pháp, những vấn đề đã hứa của bộ trưởng, trưởng ngành để làm cơ sở cho Chính phủ, bộ, ngành triển khai thực hiện và các cơ quan của QH và nhân dân theo dõi giám sát.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn tại QH trước nhiều câu hỏi của các đại biểu về vấn đề quản lý nợ công.

Trả lời ý kiến chất vấn về trần nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công đang tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn, nên cần tiếp tục kiểm soát. Bộ Tài chính đã có nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách và đảm bảo an toàn nợ công bền vững, trình QH ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, theo đó, giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công không quá trần 65% và nợ nước ngoài không quá 50%.

Tuy nhiên, các đại biểu vẫn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến hiệu quả của đầu tư công. Nêu ví dụ về việc vừa qua, có 12 dự án lớn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước và tập đoàn kinh tế đầu tư không hiệu quả, gây đội vốn đầu tư, thua lỗ nghiêm trọng... đại biểu Nguyễn Quang Thuấn (Hà Nội) cho rằng, nợ công không xấu, nhưng đầu tư công không hiệu quả lại gây thiệt hại kép, có thể làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và uy tín quốc gia.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, QH đang thảo luận thông qua Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Quan điểm để kiểm soát nợ công là chỉ tập trung các nguồn vốn vay cho các dự án quan trọng, siết chặt bảo lãnh Chính phủ với các các nguồn vốn vay, QH đã có kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm. Giải ngân vốn ODA kiên quyết tuân thủ theo nghị quyết QH đã thông qua là 300 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính công, đầu tư công. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, nợ gốc và lãi vay của Chính phủ phải trả tăng nhanh, năm 2017 là 250 nghìn tỷ đồng (2010 là 100 nghìn tỷ đồng), làm thế nào để kiểm soát nợ công mà vẫn đảm bảo đầu tư phát triển?

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chúng ta đang kiểm soát để nợ công chậm lại. Để tăng cường quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã trình chủ trương về tái cơ cấu ngân sách, kế hoạch tài chính 5 năm. Trong đó, có chỉ tiêu trần nợ công, hoàn chỉnh luật nợ công sửa đổi… từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi, thời gian thông quan ở các cửa khẩu kéo dài, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính có giải pháp gì trong thời gian tới?

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ đã xây dựng đề án và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án, giao cho 13 bộ, ngành, hoàn thiện, nâng cao chất lượng kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thời gian kiểm tra, chuyển sang hậu kiểm.  

Để tháo gỡ, thúc đẩy xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính sẽ phối hợp để hoàn thiện danh mục mặt hàng, áp mã HS để giảm thời gian xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông quan điện tử. 

Tuy nhiên, hiện nay còn một số mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý trước khi thông quan, các bộ, ngành cần cùng với Bộ Tài chính chỉnh sửa, tạo thuận lợi thông quan. Ví dụ, sữa chua chịu hai giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương trước khi thông quan. Do vậy, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác.

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) nêu tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn khá phổ biến, thói quen không lấy hóa đơn của người dân giúp doanh nghiệp kê khai thuế ít và đặt câu hỏi về giải pháp của Bộ Tài chính về tình trạng này.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời, theo quy định doanh nghiệp tự tính, tự khai, doanh nghiệp tự in hóa đơn… Bên cạnh đó, người mua ít dùng hóa đơn, quen trả bằng tiền mặt là điều rất khó quản lý. Do vậy, cần tập trung tuyên truyền để giải quyết vấn đề này. Người mua hàng phải lấy hóa đơn, kết nối hệ thống hóa đơn với cơ quan thuế.

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Trương Ánh Tuấn (Nam Định) về vấn đề buôn lậu, hàng giả phức tạp, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới người dân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp, vì Việt Nam có biên giới dài, đường biển đã được tăng cường kiểm soát nhưng vẫn còn phức tạp. 

Để giải quyết vấn đề này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sớm trình quy định về nguồn gốc dược phẩm, mỹ phẩm, kinh doanh phân bón, tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị. Tăng cường đấu tranh, phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng giả, đặc biệt thời gian gần Tết Nguyên đán. Tuyên truyền để người dân không dùng hàng giả, hàng kém chất lượng.

Giải trình trước QH về tình hình nợ công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, nhưng Chính phủ rất thận trọng với việc tăng thuế, ưu tiên giải quyết nợ đọng thuế để nuôi dưỡng nguồn thu hơn là tăng thuế suất.

Giải trình trước QH tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, giải quyết nợ công tăng cao, giảm áp lực trả nợ lớn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải làm giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ nói không với xin tăng trần nợ công”. Thay vào đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính lập đề án cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công và Bộ Chính trị đã có riêng một Nghị quyết về vấn đề này. Từ cơ sở đó, Chính phủ trình kế hoạch đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại các khoản thu chi ngân sách, giảm dần bội chi.

Trong số các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính sẽ thực hiện từ nay đến năm 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm: Chính phủ sẽ hoàn thiện chính sách thuế, chống thất thu, giải quyết nợ đọng thuế hơn là việc tăng thuế suất.

“Tăng thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải rất thận trọng. Thậm chí phải giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu. Đây là chủ trương xuyên suốt của Thủ tướng để có nguồn thu ổn định lâu dài”, Phó Thủ tướng nói.

Về đầu tư công, nhiều đại biểu QH đã đặt các câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nêu vấn đề, có dự án xây dựng lò mổ, vay tiền nước ngoài xây dựng xong để không, không sử dụng, gây lãng phí. Làm thế nào để hạn chế vấn đề này? Hiệu quả đầu tư công cũng là câu hỏi mà các đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đặt ra.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm, nằm trong chương trình tái cơ cấu lại đầu tư công. Trách nhiệm quản lý Nhà nước thuộc về Bộ KH và ĐT, các bộ, ngành, địa phương sử dụng vốn. 

Về phía Bộ Tài chính, Bộ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ phương thức cấp phát sang cho vay lại; làm rõ trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa bảo lãnh chính phủ. Bên cạnh đó, cùng với Bộ KH và ĐT, các địa phương kiểm soát chặt chẽ nợ công... Về vốn vay nước ngoài, hiện đã cơ cấu lại theo hướng tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài (Hiện vay nước ngoài còn hơn 39%). 

Cũng trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời thêm về hiệu quả đầu tư công. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước đây, khi chưa có Luật Đầu tư công, việc đầu tư công diễn ra tùy tiện, vượt khả năng cân đối của ngân sách Trung ương và địa phương. 

Bộ trưởng dẫn ra con số, trước đây, mỗi giai đoạn 5 năm có trên 20 nghìn dự án, không rõ nguồn vốn và khả năng giải ngân, dẫn tới thất thoát, dừng, giãn, hoãn dự án rất lớn. Khi có Luật Đầu tư công, giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 1.000 dự án, bám sát vào khả năng cân đối của ngân sách. Nợ đọng của các giai đoạn trước sẽ được xử lý dứt điểm trong giai đoạn này.

Trước việc các dự án có tổng mức đầu tư không sát thực tế, vượt rất nhiều, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tính toán định mức, có tổng mức đầu tư hợp lý. Chính phủ cũng đã trình phương án tái cơ cấu đầu tư công; đồng thời, giao Bộ KH và ĐT rà soát lại toàn bộ bất cập về đầu tư công theo hướng chặt chẽ, hiệu quả, thuận lợi và nhanh gọn. 

Về nợ công liên quan tới vay nước ngoài, QH đã phê duyệt đầu tư công trung hạn. Theo đó, vốn nước ngoài ODA là 300 nghìn tỷ đồng trong 2 triệu tỷ đồng tổng đầu tư giai đoạn 2016-2020. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mặc dù đã ký vượt lên là 1,9 tỷ USD vốn cấp phát, tương đương 42 nghìn tỷ đồng, nhưng vẫn còn 30 nghìn tỷ đồng vốn dự phòng. Nếu bổ sung vốn này cho kế hoạch trung hạn và khả năng giải ngân là 1,4 tỷ USD (tương đương 30 nghìn tỷ đồng dự phòng), các dự án này vẫn nằm trong giới hạn kiểm soát được.

Phiên chất vấn tại hội trường tiếp tục với những câu hỏi về tình trạng thất thu thuế, trốn thuế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định nợ đọng thuế là căn bệnh của tất cả các tỉnh, thành (hiện còn hơn 73 nghìn tỷ đồng nợ đọng). Ông Phương đặt câu hỏi Bộ trưởng Tài chính làm thế nào nuôi dưỡng nguồn thu, bù lại thất thu đó và có giải pháp gì khắc phục một số nguyên nhân nợ đọng thuế?

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về nợ đọng thuế, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhắc lại một loạt giải pháp. Ngoài trách nhiệm của Bộ Tài chính thì các bộ, ngành địa phương cũng phải tiếp tục cải thiện thể chế. Hiện đã có kết nối liên thông giữa cơ quan thuế và cấp phép đầu tư, nhưng thực tế chưa có giải pháp tăng cường sau cấp phép từ phía cơ quan cấp phép đầu tư. 

Bộ trưởng Tài chính khẳng định sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro để chống nợ đọng thuế. Số lượng thanh tra thuế hằng năm lớn và số kiến nghị tăng thu cũng nhiều.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cũng chất vấn về tình trạng thất thu thuế, đặc biệt là thuế xuất nhập khẩu. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ khắc phục bằng cách hoàn thiện thể chế, thanh tra, kiểm tra, phối hợp các ngành. Bộ trưởng cho biết phải thanh tra, kiểm tra mới phát hiện được chứ không nhận định chủ quan.

Cuối phiên buổi sáng, hàng loạt đại biểu đặt câu hỏi về tình trạng thất thu thuế, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu thực trạng và hỏi: “Ngành thuế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng. Có cán bộ thuế bày cách trốn thuế, đi đêm với hộ kinh doanh, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách. Thực trạng này còn nhiều không, giải pháp là gì?”.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu vấn đề: Ngành thuế mới tập trung thanh, kiểm tra doanh nghiệp mà bỏ qua các hộ kinh doanh và các hộ không đăng ký kinh doanh nhưng lại thực hiện hành vi kinh doanh như cho thuê tài sản, thuê nhà... Ông đề xuất, Bộ Tài chính tổng thanh tra toàn bộ các hộ này.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan tới nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, giải quyết nợ đọng thuế là trọng tâm Bộ triển khai quyết liệt. “Chúng tôi đã giao chỉ tiêu thu nợ theo từng doanh nghiệp, tới từng lãnh đạo từ tổng cục, cục, phòng, ban... đôn đốc cưỡng chế thuế, nhắn tin đôn đốc nộp thuế”, Bộ trưởng cho biết. 

Số thu nợ đọng thuế năm sau cao hơn năm trước. 10 tháng năm 2017 đã thu được 39.894 tỷ đồng, đạt 81%. Tổng số tiền nợ thuế hiện còn 73.930 tỷ đồng, tiền nợ thuế có khả năng thu là hơn 27.640 tỷ, giảm 10,3% so với cuối 2016. Trong cơ cấu chỉ có hơn 37% nợ có khả năng thu hồi, còn lại 62% là không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp phá sản.

Sau Bộ trưởng Tài chính, chiều ngày 16-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải đáp các vấn đề liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ và hướng xử lý hoạt động của các ngân hàng yếu kém, đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Đầu phiên chất vấn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đã nâng mức dự trữ ngoại hối lên 46 tỷ USD. Tính riêng các tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua được 7 tỷ USD. Ngay sau đó, Thống đốc nhận được 8 câu hỏi chất vấn của các đại biểu QH.

Đặt câu hỏi đầu tiên cho Thống đốc Lê Minh Hưng, đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) quan tâm tới lĩnh vực nợ xấu khi tỷ lệ nợ vẫn cao trong hệ thống: “Giải pháp của ngành khắc phục xử lý nợ xấu thời gian tới là gì”?

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đặt câu hỏi về chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước ra sao để tăng trưởng tín dụng đạt 18% như mục tiêu đề ra. Nếu đẩy vốn bằng mọi cách có thể gây hiệu ứng ngược. “Giải pháp để tăng trưởng GDP 6,7%, tín dụng tăng 18%, nhưng đảm bảo tính bền vững?”, bà Tuyết nêu.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu QH, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Nghị quyết 42 là khuôn khổ pháp lý quan trọng và hữu ích để đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Nhờ đó, cán bộ ngân hàng cũng tự tin hơn khi xử lý nợ xấu. Nghị quyết mới có hiệu lực từ ngày 15-8, nhưng ngành đã rà soát chỉ đạo quyết liệt. Vấn đề vướng mắc về tài sản kê biên, Cty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ làm việc với cơ quan chức năng.

Một số khoản nợ xấu hồ sơ pháp lý không đầy đủ, chủ yếu là tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Ông Hưng thừa nhận việc hoàn thiện các giấy tờ pháp lý cho tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Cũng theo Thống đốc, năm 2017, tín dụng tăng trưởng phấn đấu đạt mục tiêu 18% và có điều chỉnh linh hoạt theo quy mô nền kinh tế. Tới cuối tháng 10, tín dụng đã tăng 13,66%, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2016. Tốc độ này không có gì đột biến.

“Tăng tín dụng phải đi kèm với tăng chất lượng, hiệu quả tín dụng và phải đi vào sản xuất, kinh doanh. Cơ cấu tín dụng 10 tháng đã chảy vào đúng các lĩnh vực ưu tiên: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế biến chế tạo, nông nghiệp... Ngân hàng Nhà nước đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với hấp thụ vốn kinh tế, không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát”, Thống đốc khẳng định. 

Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến những giải pháp của ngành Ngân hàng để có thể huy động vàng, ngoại tệ trong dân, bởi nếu huy động được thì đây sẽ là nguồn lực lớn đưa vào sản xuất, kinh doanh./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com