Bác Hồ với Cách mạng Tháng Mười Nga

07:11, 06/11/2012

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người. Đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, thời đại giai cấp công nhân và nhân dân lao động bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết đấu tranh để giải phóng mình khỏi chủ nghĩa tư bản, thực dân, tự mình làm chủ vận mệnh của mình để xây dựng xã hội mới tốt đẹp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười soi sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người đứng lên đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc… Có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tình cảm đặc biệt với Cách mạng Tháng Mười và V.I.Lênin lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Tháng Mười và nhân dân lao động toàn thế giới. Từ lòng kính trọng và biết ơn vô cùng sâu nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm hiểu những kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Mười và cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Lênin, học tập, nghiên cứu học thuyết của Lênin để vận dụng vào cách mạng Việt Nam, đưa nhân dân ta vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và tiến vào thời đại mới.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thủ đô Mátxcơva (Liên bang Nga). Ảnh: Internet
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thủ đô Mátxcơva (Liên bang Nga). Ảnh: Internet

Nhớ lại những năm 20 của thế kỷ XX, trên hành trình tìm đường cứu nước lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với học thuyết của Lênin về vấn đề giải phóng thuộc địa và Người nhận ra rằng, đây là cái cần thiết cho dân tộc Việt Nam… Ngay từ đấy Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và viết nhiều tác phẩm về Lênin và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Người ca ngợi thiên tài và tấm gương đạo đức cách mạng cao cả của Lênin. Tin tưởng và đi theo con đường cách mạng do Lênin lãnh đạo, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và ủng hộ Quốc tế Ba do Lênin thành lập. Đồng thời lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.

Sự gặp gỡ của Nguyễn Ái Quốc với chủ nghĩa Lênin là một cuộc gặp lịch sử. Với quyết tâm tìm con đường cứu nước, sau bao năm bôn ba khắp các châu lục, vừa lao động kiếm sống, vừa hoạt động trong phong trào các dân tộc bị áp bức, phong trào công nhân, tháng 7 năm 1920, trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc được đọc tác phẩm: Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) của Đảng Xã hội Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi tưởng: Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình mà Người đã nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vui mừng như vậy đã tìm thấy con đường cứu nước, cứu dân, con đường giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản thực dân Pháp và chế độ phong kiến - đó là con đường cách mạng vô sản. Tại Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Hướng về Lênin - lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười Nga, từ cuối năm 1923, đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Liên Xô. Ngay sau khi Lênin từ trần, Hồ Chí Minh đã viết bài: Lênin và các dân tộc thuộc địa đăng trên báo Sự thật, số ra ngày 27-1-1924, với những dòng vô cùng xúc động: Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Trong những năm tháng học tập, hoạt động, nghiên cứu trên đất nước Xô viết, Hồ Chí Minh đã viết nhiều tác phẩm xuất sắc về Lênin và cuộc Cách mạng Tháng Mười. Đặc biệt vào năm 1927, Hồ Chí Minh đã cho xuất bản cuốn sách Đường cách mệnh làm tài liệu huấn luyện cán bộ để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Trong tác phẩm quan trọng này, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đảng có vững cách mạng mới thành công. Ngày nay học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng cách mạng nhất, chân chính nhất là chủ nghĩa Lênin…; trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và đã thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới. Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc. Phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo Chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin…

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết nhiều tác phẩm về Cách mạng Tháng Mười và Lênin đã giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân ta luôn ghi nhớ công ơn và học tập, vận dụng học thuyết cách mạng của Mác, Ăng-ghen, Lênin, học tập kinh nghiệm của nhân dân các dân tộc Xô-viết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vấn đề cốt tử nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục Đảng và toàn dân ta là chăm lo xây dựng Đảng thật sự là một đảng Mác - Lênin chân chính. Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phấn đấu hy sinh vì lợi ích của nhân dân, mà Lênin là tấm gương tiêu biểu để Đảng xứng đáng là “trí tuệ, lương tâm, danh dự” của dân tộc và thời đại, được nhân dân tin yêu…

Từ khi Đảng ta thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dẫn dắt nhân dân ta vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do, kháng chiến chống các cuộc chiến tranh xâm lược thắng lợi, thống nhất đất nước, hàn gắn các vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành đổi mới và hội nhập quốc tế, bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định xã hội, phát triển toàn diện, nâng cao mức sống nhân dân và vị thế dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Đảng ta, nhân dân tự hào khẳng định rằng, trong hơn 8 thập kỷ qua, đi theo con đường cách mạng của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát triển và làm phong phú lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin bằng thực tiễn lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là các vấn đề về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, đã kết hợp nhuần nhuyễn ba yếu tố là chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào yêu nước và phong trào công nhân; về con đường cách mạng Việt Nam giải phóng dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; về đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công, nông, trí; về tiến hành hai chiến lược cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam; về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân do Đảng lãnh đạo; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Trong quá trình tiến hành đổi mới đất nước, trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời cuộc và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đưa đất nước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH với những cơ hội mới và thách thức to lớn. Kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười, chúng ta cần suy ngẫm và hành động theo lời dạy của Bác Hồ, mỗi khi cách mạng gặp khó khăn hay trước những bước ngoặt cần có những quyết sách đúng đắn thì phải nghiên cứu những chỉ dẫn của Lênin - Vì đó chính là cẩm nang thần kỳ cho Đảng và cách mạng Việt Nam./.

TS Phạm Văn Khánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com