Chính phủ trình bốn dự án Luật và báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

07:10, 29/10/2012

Chính phủ trình bốn dự án Luật và báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; Quốc hội thảo luận hai dự án Luật và việc tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

 

Tiếp tục ngày thứ 5 của kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XIII, sáng 26-10, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ trình 4 dự án Luật quan trọng gồm: Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thủ đô và Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); đồng thời, Quốc hội cũng nghe Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Theo đó, Luật Khoa học và Công nghệ (KH và CN) hiện hành được ban hành cách đây 12 năm. Khi đó, Việt Nam chưa phải là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chưa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và chưa có hệ thống luật pháp đồng bộ về KH và CN. Luật KH và CN hiện hành đã bộc lộ một số bất cập về nội dung, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành; hiệu lực thực thi thấp. Vì vậy, Luật KH và CN cần được sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về KH và CN; bảo đảm tính phù hợp cả về nội dung, hình thức văn bản, đáp ứng quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH và CN của QH tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật này.

Tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ) trình bày nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động nhanh của nền kinh tế, một số quy định trong Luật Thuế TNCN đã bộc lộ tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn, cần được sửa đổi. Đó là về mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp; phạm vi, đối tượng tính thuế chưa bao quát hết hoặc đã lạc hậu do phát sinh những nội dung mới theo quy định của pháp luật liên quan; một số quy định về kỳ tính thuế, thủ tục kê khai, quyết toán thuế chưa phù hợp với thực tiễn, còn phức tạp, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế cũng như hiện đại hoá quản lý thuế.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Thị Thu Hằng phát biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: An Đăng - TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Thị Thu Hằng phát biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Ảnh: An Đăng - TTXVN

Việc sửa đổi, bổ sung Luật này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập so với thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có tính ổn định; bảo đảm đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế… Nội dung sửa đổi, bổ sung dự án Luật tập trung vào sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh phạm vi, đối tượng chịu thuế; kỳ tính thuế và quyết toán thuế.

Đa số ý kiến của Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cơ quan tiến hành thẩm tra dự án Luật, đề nghị, việc sửa đổi Luật Thuế TNCN lần này chỉ nên tập trung vào những vấn đề thực sự bức xúc, không phù hợp với thực tiễn và một số vấn đề mới nảy sinh cần phải điều chỉnh.

Liên quan đến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, qua sơ kết 5 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi theo hướng củng cố, nâng cao hiệu quả của các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhất là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với các biện pháp nâng cao trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Dự thảo Luật sửa đổi gồm 8 chương và 108 điều. Tiếp tục kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề lớn về những quy định chung; phòng ngừa tham nhũng; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm của Chính phủ và trách nhiệm quản lý công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Một trong những nguyên nhân là một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện. Uỷ ban Tư pháp thể hiện sự tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng trên cơ sở tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng, sâu sắc việc thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng trong những năm qua.

Dự kiến, ngày 2-11, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ và ngày 9-11, sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Chiều 26-10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Toà án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.
Sáng ngày 27-10, Quốc hội thảo luận dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi) vì thực tế vấn đề xuất bản hiện nay đang tồn tại những bấp cập. Luật Xuất bản (sửa đổi) sẽ khắc phục được những mặt trái của hoạt động xuất bản hiện nay.

Nhìn chung, các đại biểu đều đồng tình quan điểm mở rộng sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động xuất bản. Qua 6 năm thi hành, Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển cả về số lượng, chất lượng, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, tích cực trong quá trình thực thi đã nảy sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn. Một số quy định trong Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, đồng bộ với một số luật có liên quan, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, tuy khâu biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo. Nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản nhưng thường thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Trong khi đó, quy định trách nhiệm của đối tác liên kết hiện nay trong luật lại chưa cụ thể nên khó phân định khi xử lý vi phạm. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp xuất bản phẩm được đối tác liên kết phát hành trước khi nộp lưu chiểu, thậm chí phát hành không cần lệnh của giám đốc nhà xuất bản. Không ít trường hợp tác phẩm có nội dung sai trái không được phát hiện xử lý vẫn lọt ra thị trường.

Chiều 27-10, trong quá trình thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô và việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô chưa phân biệt được nội dung điều chỉnh trung tâm hành chính chính trị quốc gia ở điểm nào. Quy định trong dự thảo luật về các vấn đề khác như nội thành, ngoại thành, cư trú, xây dựng bệnh viện… giống như quy định đối với các đô thị lớn khác, không thấy đó là quy định đặc thù, khác biệt đối với Thủ đô. Có ý kiến cho rằng, nên tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi về việc chọn biểu tượng Thủ đô. Nếu chọn hình ảnh Khuê Văn Các làm biểu trưng cho Thủ đô thì từ trước tới nay khi nói tới Việt Nam, thế giới thường hay liên tưởng tới hình ảnh Tháp rùa Hồ Gươm hay Chùa Một Cột. Song cũng có ý kiến cho lựa chọn như ban soạn thảo lấy Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô là hợp lý…

Trong thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, một số ý kiến cho rằng, qua 2 năm thực hiện Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đem lại nhiều lợi ích đối với cơ quan thi hành tố tụng, giúp tòa án trong việc tống đạt giấy tờ tới đương sự; tạo điều kiện cho tòa giải quyết nhanh lượng án tồn đọng, tránh việc hoãn phiên tòa, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của đương sự. Nhiều ý kiến thống nhất với nội dung của Tờ trình đề nghị thời gian tới cần hoàn thiện thể chế để tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm và mở rộng quy mô thí điểm chế định này nhằm xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng, đảm bảo việc thực hiện Thừa phát lại hiệu quả, phục vụ người dân và hỗ trợ cơ quan Nhà nước được tốt hơn.

Hôm qua, chủ nhật 28-10, Quốc hội nghỉ. Hôm nay, 29-10-2012, ngày làm việc thứ bảy của kỳ họp, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày một số tờ trình, báo cáo; buổi chiều, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com