Tập trung khắc phục những hạn chế trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội

07:10, 26/10/2012

Ngày 24-10, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ ba. Buổi sáng, QH thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách TW năm 2013. Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dự trữ quốc gia.

Tạo đà phát triển ngay từ những tháng cuối năm 2012

Thảo luận tại các tổ, phần lớn ý kiến phát biểu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã nhận định đúng tình hình hiện nay, chỉ ra những thách thức, khó khăn và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần phân tích sâu sắc, toàn diện hơn nữa về những vấn đề nổi lên của nền kinh tế, từ đó có giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Sáng 24-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Sáng 24-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013.
Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, nhiều đại biểu cho rằng, năm 2013 nền kinh tế thế giới vẫn còn trì trệ và sẽ tác động đến kinh tế trong nước. Tuy nhiên, theo dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong nước sẽ có bước phát triển tốt hơn so với năm 2012. Nhiều đại biểu đồng tình, đánh giá cao các biện pháp Chính phủ đưa ra trong năm 2013, như: gắn tăng trưởng với tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện ba điểm đột phá về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng; gắn giải pháp tình thế với kế hoạch phát triển dài hạn. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, muốn thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, phù hợp tình hình thực tế ngay từ những tháng cuối năm 2012. Nếu không giải quyết cơ bản những khó khăn và tạo đà trong những tháng cuối năm 2012, thì sang năm 2013 khó có bước đột phá trong phát triển.

Liên quan đến lộ trình tăng lương trong năm 2013, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có giải pháp cân đối các nguồn lực để bảo đảm việc tăng lương theo đúng lộ trình. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện tăng lương đối với tất cả các đối tượng hưởng lương, thì ưu tiên tăng cho người về hưu, đối tượng chính sách.

Cân nhắc đưa nhiệm vụ bình ổn thị trường vào mục tiêu dự trữ quốc gia

Buổi chiều, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dự trữ quốc gia (DTQG).

Thảo luận tại hội trường, phần lớn ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật DTQG. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ một số nội dung trong dự thảo luật. Về tên gọi của luật, phần lớn ý kiến tán thành với tên gọi là Luật DTQG. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị lấy tên luật là "Luật Dự trữ nhà nước" thay cho "Luật DTQG", vì nội hàm của "nhà nước" và "quốc gia" là khác nhau.

Về mục tiêu của DTQG quy định trong dự thảo luật, các ý kiến tán thành quy định: Nhà nước hình thành, sử dụng DTQG nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ bình ổn thị trường trong mục tiêu của DTQG và đưa nhiệm vụ đột xuất, cấp bách ra khỏi mục tiêu DTQG. Về nguồn hình thành DTQG, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, nguồn hình thành DTQG phải bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hiện nay chưa có cơ chế nào để huy động nguồn ngân sách ngoài nhà nước phục vụ công tác DTQG.

Cùng với những nội dung trên, các đại biểu còn thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến phương thức DTQG, danh mục hàng DTQG, nguyên tắc quản lý, sử dụng DTQG, chính sách của Nhà nước về DTQG…

Hôm qua, 25-10-2012 ngày làm việc thứ tư của kỳ họp, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; buổi chiều, thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com