Phiếu tín nhiệm và mức độ tín nhiệm của dân

05:10, 26/10/2012
Luật sư Lê Đức Tiết
Luật sư Lê Đức Tiết

Quốc hội dự định ban hành Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các đại biểu dân cử. Đây là chủ trương hợp lòng dân. Đồng thời điều mong muốn lớn nhất của dân là Nghị quyết sẽ có những quy định làm cho việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm phản ảnh đúng mức độ tín nhiệm của dân mà không sa vào bệnh hình thức.

Dự thảo Nghị quyết nêu ra hai cách làm để đánh giá tín nhiệm. Đó là hằng năm lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh nhất định và bỏ phiếu tín nhiệm khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc 20% tổng số đại biểu yêu cầu.

Có khá nhiều phân vân khi soi xét vào nội dung của từng điều. Ví dụ: Tiêu chí để kiểm điểm là tinh thần trách nhiệm, đạo đức, lối sống. Đây là những tiêu chí khó cân, đong, đo, đếm cụ thể. Hoặc tại sao chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh, còn các đại biểu dân cử khác thì không? Đại biểu dân cử của nước ta chia thành hai hạng chăng? Hoặc làm thế nào để hội tụ đủ 20% tổng số đại biểu yêu cầu? Có cần phải đợi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mới có thể tiến hành việc bỏ phiếu tín nhiệm?…

Để đánh giá đúng mức độ tín nhiệm của dân đối với đại biểu dân cử, đề nghị nên có một số sửa đổi bổ sung vào dự thảo Nghị quyết như sau:

Trước hết là đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, nên lượng hóa báo cáo tự kiểm điểm. Trong báo cáo tự kiểm điểm phải có mục thống kê ghi rõ trong năm đã có những đề xuất gì ích nước, lợi dân với cơ quan dân cử, đã bao nhiêu lần đối thoại với dân, đã thúc đẩy giải quyết thành công bao nhiêu khiếu kiện của dân, đã bao nhiêu lần xuống cơ sở tiến hành khảo sát đời sống của dân, đã bỏ phiếu tán thành, không tán thành hoặc không có ý kiến (!) đối với các đạo luật, nghị quyết của Quốc hội… Trong báo cáo nhất thiết phải có mục kê khai tài sản lần đầu, tài sản biến đổi trong năm, nghĩa vụ đóng thuế, tiền gửi ở ngân hàng trong nước, nước ngoài. Mỗi báo cáo không dài quá 3 trang khổ A4, co chữ 14, phông chữ Time New Roman.

Nên có ba mức tín nhiệm: Tín nhiệm cao, trung bình và thấp. Người được tín nhiệm thấp nên tự nguyện từ nhiệm. Nếu không tự nguyện thì buộc phải miễn nhiệm. Ngoài việc đánh giá mức độ tín nhiệm đại biểu được tiến hành trong các cuộc họp của cơ quan dân cử, cần có thêm hình thức khảo sát độc lập để thăm dò mức độ tín nhiệm của dân do UBMTTQ các cấp hoặc cơ quan báo chí, thông tấn tổ chức khi cần thiết. Tất cả các đại biểu của cơ quan quyền lực các cấp đều phải được lấy phiếu tín nhiệm. Công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Đối với đại biểu Quốc hội, công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đối với đại biểu quyền lực địa phương, công khai trong phạm vi địa phương.

Đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm, Nghị quyết nên quy định rõ các trường hợp nhất thiết phải bỏ phiếu tín nhiệm khi xảy ra các hiện tượng gây bất bình, lo lắng trong dân như: tham nhũng, lãng phí lớn làm thất thoát nghiêm trọng tài sản quốc gia; lạm phát cao với hai con số… Đối với các bộ, sở thì có tiêu chí riêng, như, với Bộ Giao thông khi xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc, với Bộ Y tế, khi xảy ra dịch bệnh tràn lan, với ngân hàng, khi nợ công khó đòi hoặc thâm hụt ngân sách lớn, chẳng hạn. Khi xuất hiện các trường hợp được quy định trong Nghị quyết thì cơ quan thường trực của cơ quan dân cử phải có trách nhiệm tổ chức việc bỏ phiếu tín nhiệm để kịp thời loại bỏ những viên chức không xứng đáng.

Hoạt động hành pháp là hoạt động sôi động, có tác động tức thì đến mọi mặt đời sống của dân. Hoạt động hành pháp nhanh nhạy, tuân thủ đúng pháp luật có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển và giữ nghiêm kỷ cương xã hội. Ngược lại, đất nước tự trói buộc mình trong lạc hậu, trì trệ; tha hóa, biến chất của bộ máy nhà nước ngày càng trầm trọng. Tác động của hoạt động lập pháp, tư pháp chậm hơn. Với viên chức ngành lập pháp, tư pháp phạm tội thì xử lý theo thủ tục hình sự dẫu có muộn vẫn có thể chấp nhận được. Bởi vậy, việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ nên tiến hành đối với cơ quan hành pháp. Nếu phiếu tín nhiệm cao hơn số phiếu không tín nhiệm thì cơ quan hoặc quan chức hành pháp tiếp tục tại vị. Ngược lại thì phải từ chức, có thể bị truy tố ra trước pháp luật nếu phạm tội. Việc bỏ phiếu tín nhiệm có thể đối với toàn cơ quan hoặc đối với các cá nhân của cơ quan hành pháp.

Các nước Tây Âu và Mỹ phải mất hơn 100 năm mới trở thành nước công nghiệp. Hàn Quốc chỉ mất 30 năm, để biến đổi đất nước với 50 triệu dân (vào cuối tháng 1-2010) của họ trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao, có thu nhập đứng hàng thứ 8 của thế giới. Trong vòng chưa đầy 30 năm, Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ thành nước có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Với Phần Lan, họ chỉ cần 10 năm để trở thành một đất nước giàu mạnh.

Việt Nam giành được độc lập hoàn toàn từ năm 1975. Việt Nam phải trải qua thời gian khá dài để khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh.  Cho dù vậy Việt Nam không nên lấy đó làm cơ sở để biện minh cho sự tụt hậu ngày càng xa của mình. Ở Việt Nam có dự án treo đến 30 năm (!). Không có gì để biện minh cho sự lãng phí có một không hai này.

Nhân dân đặt nhiều hy vọng vào việc thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm do Quốc hội khởi xướng. Mong rằng bằng cách này, đất nước ta sẽ phát hiện được những người có tài, có tinh thần trách nhiệm cao với dân để đưa đất nước ta thoát ra khỏi sự tụt hậu, trì trệ, sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.

Luật sư Lê Đức Tiết
(Phó Chủ nhiệm HĐTV DC và PL
UBTWMTTQ Việt Nam)

Theo daidoanket.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com