Huy động các nguồn lực, tạo nền tảng cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững

08:03, 28/03/2012

(Trao đổi giữa PV Báo Nam Định với đồng chí Nguyễn Xuân Nghinh, Bí thư Huyện ủy Giao Thủy về thành tựu sau 15 năm tái lập huyện và một số định hướng, mục tiêu và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới của huyện Giao Thủy).

PV: Xin đồng chí Bí thư Huyện ủy đánh giá khái quát những thành tựu chủ yếu đạt được của huyện Giao Thủy sau 15 năm tái lập?

Đồng chí Nguyễn Xuân Nghinh: Sau gần 30 năm hợp nhất với huyện Xuân Trường, huyện Giao Thủy được tái lập từ 1-4-1997 theo Nghị định số 19/1997/NĐ-CP ngày 26-2-1997 của Chính phủ. Qua 15 năm tái lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định; sự giúp đỡ của Trung ương, các sở, ban, ngành của tỉnh; phát huy truyền thống quê hương anh hùng; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được của những năm hợp nhất huyện Xuân Thủy, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện đoàn kết, không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, nhất là khó khăn của những năm đầu tái lập, từng bước vươn lên, xây dựng Giao Thủy phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng nhanh; tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản giảm dần. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 10,71%/năm (riêng năm 2011 đạt 13,06%). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt bình quân 18,91%/năm. Kết cấu hạ tầng ngày càng được củng cố theo hướng hiện đại: 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ từ huyện đến cơ sở, trên địa bàn huyện hiện có 46,4km tỉnh lộ, 19km huyện lộ, 761km đường trục xã, liên xã, đường thôn xóm được nhựa hoá hoặc bê tông hoá. Chỉ tính riêng giai đoạn 2005-2010, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản bình quân đạt hơn 313 tỷ đồng/năm. Trong sản xuất nông nghiệp, năm 2011, giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 89,5 triệu đồng; sản lượng thủy hải sản 29.850 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 306 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 61,9 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 3,8 triệu USD; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 14,8 triệu đồng.

Sự nghiệp GD và ĐT được quan tâm, giữ vững thành tích đơn vị tiên tiến xuất sắc 15 năm liên tục của ngành GD và ĐT tỉnh. Phổ cập tiểu học, THCS được duy trì và phát triển. Học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT các loại hình đạt gần 80%; 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (trong đó 7/28 trường đạt chuẩn mức độ 2); 11/22 trường THCS; 2/5 trường THPT; 6/22 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực. Toàn huyện có 169/332 xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá đạt tỷ lệ 50,9%; 76/332 khu dân cư đã được công nhận và công nhận lại danh hiệu “Làng văn hoá”, đạt tỷ lệ 22,9%; 56,7% cơ quan, 67,1% trường học, 65,2% bệnh viện, trạm y tế đạt tiêu chuẩn có nếp sống văn hóa; 67,61% hộ gia đình trong toàn huyện đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, y tế được tăng cường về số lượng và chất lượng; có 20/22 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Bình quân có 4,2 bác sỹ/1 vạn dân; 100% số xóm, tổ dân phố có cán bộ y tế thôn. Tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, tạo việc làm mới bình quân 4.500 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 còn 9,69%. Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân được tiếp tục cải thiện và nâng cao. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương được triển khai thực hiện tốt.

Thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy đạt được trong 15 năm qua là to lớn và tương đối toàn diện, tạo cho Giao Thủy một diện mạo mới trên con đường hội nhập và phát triển. Để đạt được những thành tựu trên, có nhiều nguyên nhân và cũng có những bài học kinh nghiệm sâu sắc và quý giá, đó là: Nhân dân Giao Thủy cần cù, sáng tạo, đoàn kết xây dựng quê hương. Đồng thời, huyện thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh và của Trung ương. Một trong những nguyên nhân cơ bản hết sức quan trọng nữa là do có sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là trong cấp ủy từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận, chung sức, chung lòng trong các tầng lớp nhân dân quyết tâm xây dựng quê hương Giao Thủy giàu đẹp. Các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã thực hiện tốt quy chế hoạt động; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ đặt ra, tập trung cho những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mang tính đột phá từng thời kỳ.

Bên cạnh những kết quả quan trọng, trong quá trình xây dựng, phát triển, Đảng bộ và nhân dân trong huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do những yếu tố khách quan và chủ quan, nhiều tiềm năng, thế mạnh của huyện vẫn chưa được khai thác tốt, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, quy mô kinh tế còn nhỏ; một số vấn đề về văn hóa - xã hội, an ninh, trật tự còn phải quan tâm nhiều hơn nữa. Từ những kinh nghiệm và bài học rút ra từ 15 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Giao Thủy nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ, thời cơ và những khó khăn, thách thức trong giai đoạn mới. Qua đó, đòi hỏi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện phải chung sức, chung lòng phát huy truyền thống đoàn kết, vươn lên, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Giao Thủy lần thứ XXIV.

PV: Xin đồng chí cho biết mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện trong thời gian tới?

Đồng chí Nguyễn Xuân Nghinh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu cho giai đoạn 2010-2015 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 25 triệu đồng/người; Cơ cấu kinh tế đến 2015 (nông - lâm - thuỷ sản: 40%; công nghiệp - xây dựng: 18%; dịch vụ: 42%). Sản lượng lương thực bình quân đạt 101.000 tấn/năm. Sản lượng nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản đến năm 2015: 39.000 tấn. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 10%/năm trở  lên (so với chỉ tiêu tỉnh giao). Giá trị xuất khẩu tăng bình quân 7%/năm trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo đến 2015 giảm còn 3%. Số lao động có việc làm mới bình quân 4.500 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 55-60%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, bổ túc THPT, TCCN, trung cấp nghề đến năm 2015 đạt 95%. Phấn đấu bình quân hằng năm 85% TCCS Đảng đạt trong sạch vững mạnh, không còn TCCS Đảng yếu kém; 80% trở lên đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; kết nạp 150-200 đảng viên mới/năm; 85% trở lên chính quyền cơ sở đạt trong sạch vững mạnh.

Các mục tiêu trên được cụ thể hóa với 5 nghị quyết chuyên đề của ban chấp hành Đảng bộ huyện, 11 đề án và các kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện.

Thị trấn du lịch biển Quất Lâm. Ảnh: Khánh Ngọc
Thị trấn du lịch biển Quất Lâm. Ảnh: Khánh Ngọc

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, Giao Thủy sẽ tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là: Phát huy lợi thế, tiềm năng đất đai, lao động, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Trước mắt hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa trong năm 2012, rút kinh nghiệm xây dựng cánh đồng mẫu lớn, để nhân rộng mô hình này, tạo tiền đề tích tụ đất, phát triển kinh tế trang trại, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hai là: Tranh thủ mọi thời cơ, phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để đẩy mạnh phát triển CN-TTCN và ngành nghề nông thôn. Tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, dệt may, cơ khí, vật liệu xây dựng, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống và sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ. Quy hoạch các điểm, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch và vận dụng đầy đủ các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ba là: Đẩy mạnh phát triển du lịch, trước hết là nâng cấp cơ sở hạ tầng khu du lịch nghỉ mát tắm biển Quất Lâm; hoàn thành quy hoạch và xúc tiến đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong, khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy, du lịch cộng đồng ở Giao Xuân và một số điểm du lịch khác. Tạo nhiều sản phẩm du lịch đa dạng; gắn kết các điểm du lịch trong huyện với các điểm du lịch trong tỉnh và khu vực.

Bốn là: Khai thác mọi nguồn lực, đầu tư mở rộng, nâng cấp, làm mới các hạng mục kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; trước hết tập trung vào lĩnh vực giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, nước sạch, môi trường, kiên cố hóa trường, lớp học, cơ sở y tế và các công trình phúc lợi khác. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực và đóng góp tự nguyện của nhân dân, của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... để xây dựng NTM. Ưu tiên làm trước các công trình phục vụ sản xuất, các công trình giáo dục, y tế; phải kế thừa tối đa các công trình đã có, kết hợp bổ sung nâng cấp, xây dựng mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Năm là: Tập trung cho sự nghiệp GD và ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác DS-KHHGĐ, đào tạo nghề; thực hiện tốt chính sách đối với người có công và các chính sách an sinh xã hội, chính sách tôn giáo. Gắn kết và thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” hướng vào thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Sáu là: Thường xuyên tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Gắn nhiệm vụ quốc phòng - an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc; giữ vững môi trường chính trị - xã hội ổn định để phát triển.

Bảy là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS Đảng; nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức cơ quan, đơn vị. Xây dựng chính quyền từ huyện đến cơ sở trong sạch vững mạnh, điều hành năng động, nhanh nhạy, có hiệu lực, hiệu quả cao. Xây dựng đội ngũ công chức gần dân, hiểu dân, công tâm, thạo việc. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phát huy tốt vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

Một công việc hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng là tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy nhằm củng cố, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên, gắn chặt với thực hiện tốt việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết, những nội dung cốt lõi của nghị quyết; tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Với phương châm: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh. Các giải pháp phải bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp "chống và xây", "xây và chống", nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ. Mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ đảng viên trước hết là người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị phải tự liên hệ kiểm điểm, tự soi mình với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc để có biện pháp sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm. Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các TCCS Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức là nhiệm vụ quan trọng có tính chất đột phá về công tác xây dựng Đảng của Giao Thủy trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Huyện ủy!

Lê Việt Thắng (thực hiện)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com