Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với phát triển sự nghiệp TDTT

08:03, 24/03/2012

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các hoạt động TDTT phong trào của tỉnh đã từng bước phát triển; hoạt động TDTT đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Việc xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động TDTT được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư. Công tác giáo dục thể chất học đường; phong trào tập luyện TDTT trong lực lượng vũ trang, trong cán bộ, CNVC, các cơ quan, doanh nghiệp phát triển mạnh. Các giải đấu TDTT phong trào ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 300 cuộc thi đấu thể thao, trong đó 80 cuộc thi đấu thể thao cấp huyện, thành phố, 25 cuộc thi đấu thể thao cấp tỉnh. Phong trào TDTT quần chúng thu hút 1.500 hướng dẫn viên, cộng tác viên thể thao cơ sở; 1.370 CLB thể thao được thành lập với hàng chục nghìn hội viên. Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tạo điều kiện khôi phục và phát triển trở lại. Toàn tỉnh hiện có 28,5% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên và 18% gia đình thể thao. Thể thao thành tích cao cũng giành nhiều thành tích trên đấu trường trong nước và khu vực. Năm 2011, thể thao Nam Định giành 14 huy chương tại các giải thể thao quốc tế và khu vực, 69 huy chương tại các giải thể thao toàn quốc.

Giải cầu lông tỉnh hằng năm luôn thu hút sự tham gia của các ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Giải cầu lông tỉnh hằng năm luôn thu hút sự tham gia của các ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Tuy nhiên, phong trào TDTT ở các địa phương trong tỉnh phát triển không đồng đều và chưa tương xứng tiềm năng. Nguyên nhân do các cấp uỷ Đảng, chính quyền một số địa phương chưa nhận thức được vai trò, tác dụng của sự nghiệp TDTT đối với kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, kinh phí sự nghiệp dành cho hoạt động văn hóa, thông tin, TDTT cấp xã quá thấp, mỗi năm chỉ khoảng 15 triệu đồng, nhiều nơi không đủ chi cho các hoạt động thể thao, đầu tư hệ thống sân bãi, dụng cụ tập luyện. Ở cấp huyện, kinh phí dành cho thể thao mỗi năm mỗi địa phương chỉ khoảng 100 triệu đồng, rất khó để tổ chức nhiều giải đấu. Việc huy động các nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, nhân dân cho hoạt động TDTT cũng chỉ được một số ít địa phương quan tâm, vào cuộc. Mặt khác, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động TDTT còn nhiều bất cập. Có địa phương CLB khiêu vũ thể thao, CLB Thái cực trường sinh đạo hoạt động đã 3 năm nhưng chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy phép nên hoạt động tự do (!). Cùng với thể thao phong trào, thể thao thành tích cao đang có xu thế tụt hậu so với cả nước do cơ chế, chính sách đầu tư, thu hút nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác đào tạo VĐV chưa tạo được bước đột phá mới. Từng là địa phương có phong trào TDTT mạnh hàng đầu cả nước, thể thao Nam Định mất dần các môn mũi nhọn. Bóng đá từng đem lại nhiều tự hào của người dân Thành Nam với cái nôi đào tạo VĐV hàng đầu cả nước, đến nay đã xuống chơi giải hạng Nhì. Các môn thể thao khác đang hoạt động cầm chừng vì thiếu kinh phí cho HLV, VĐV. Tháng 2-2012, Trường Nghiệp vụ TDTT Nam Định đã dừng hoạt động đào tạo VĐV các môn: cờ vua, bóng bàn, vật, canoeing do đầu tư tốn kém, hiệu quả không cao. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII vào năm 2014 được tổ chức tại tỉnh ta sắp diễn ra, việc giải tán nhiều môn cũ, trong khi chưa mở thêm nhiều bộ môn mới thì hy vọng giành thứ hạng cao của thể thao Nam Định rất khó thực hiện.     

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 1-12-2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”, Sở VH, TT và DL đang triển khai thực hiện các Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020”, Quyết định 641/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”. Để đẩy nhanh tốc độ phát triển thể thao phong trào, ngành sẽ mở các lớp đào tạo cho giáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT, tăng cường công tác xã hội hóa, công tác giáo dục thể chất trong nhà trường, trong lực lượng vũ trang, CNVC. Tiếp tục triển khai các kế hoạch liên ngành với LĐLĐ tỉnh, Công an tỉnh, GD và ĐT, Hội Nông dân nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng. Trên lĩnh vực thể thao thành tích cao, ngành sẽ tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác đào tạo VĐV, trình UBND tỉnh nâng kinh phí dành cho sự nghiệp TDTT, tập trung phát triển các môn thể thao mũi nhọn; coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ HLV, VĐV, trọng tài. Trước mắt, xây dựng kế hoạch tổ chức tốt các hoạt động TDTT chào mừng kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014… Cùng với ngành VH, TT và DL, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TDTT, thực hiện tốt 6 nhiệm vụ và giải pháp chính trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia gắn với thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện sức khoẻ theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Phấn đấu đến năm 2020 có 30-35% dân số tập luyện TDTT thường xuyên; 20-25% số hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình thể thao”; 100% các trường học trong tỉnh đều thực hiện tốt công tác giáo dục thể chất, 100% cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn về thể lực; có 10 liên đoàn, hiệp hội thể thao cấp tỉnh... Trên lĩnh vực thể thao thành tích cao, năm 2012 phấn đấu giành 100-115 huy chương các loại, cung cấp cho đội tuyển quốc gia từ 10-13 VĐV, đưa thể thao Nam Định phát triển tương xứng với tiềm năng./.

Bài và ảnh: Đức Thiện
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com