Xuân tới, mới mùa xuân

08:01, 13/01/2012

Xuân Nhâm Thìn 2012 đã tới. “Mỗi lần xuân tới lại mới mùa xuân”. Một nhà thơ lớn của ta từng nói như vậy. Và điều đó là đúng, đặc biệt đúng cho mọi mùa xuân của Cách mạng và Đổi mới.

Một năm trước đón Xuân Tân Mão, cả nước phấn chấn đón mừng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Hai niềm vui lớn cùng đến một lúc. Một là, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010, đã được thực hiện thắng lợi, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào hàng ngũ các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Hai là, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 được hoạch định nhằm thẳng vào mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thế là cuộc hành trình dài công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước lại bước vào một chặng đường mới cao hơn. Năm 2011 có vinh dự là năm mở đầu thập niên thứ hai thế kỷ XXI, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, cũng là năm đầu tiên phấn đấu đưa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm mới vào cuộc sống, trực tiếp là kế hoạch 5 năm 2011-2015.

Tượng đài Bác Hồ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet
Tượng đài Bác Hồ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Ông cha ta thường nói: “Đầu xuôi thì đuôi lọt”. Bước khởi đầu tốt sẽ tạo điều kiện cho bước tiếp theo tốt hơn. Bởi thế, ta đặt nhiều hy vọng vào năm 2011.

Nay ta thử nhìn lại xem Tân Mão đã làm được những gì? Có đáp ứng được kỳ vọng đó không?

Trước hết xin hãy nhìn bối cảnh. Từ kinh nghiệm cuộc sống mấy chục năm qua, ta thấy mỗi bước đi lên của Đổi mới đều đan xen giữa thời cơ và thuận lợi với thách thức và khó khăn. Ta đã đưa ra những dự báo được cân nhắc thận trọng về cả thời cơ và thách thức. Nhưng với năm 2011, những thách thức và khó khăn trên thực tế còn nhiều hơn, gay gắt hơn những gì dự báo, cả trong nước và thế giới tác động vào. Tình hình đó buộc chúng ta ngay từ quý II, đã phải điều chỉnh một số mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch năm. Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội được chọn làm mục tiêu ưu tiên.

Lùi một bước về tăng trưởng kinh tế để bước tăng trưởng sau chắc chắn hơn, bền vững hơn. Cả nước gồng mình lên trong cuộc chiến đấu mới.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, Hội nghị Trung ương 3 mới đây (tháng 10-2011) đã đưa ra những nhận định theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật. Theo đó, từ đầu năm 2011, tình hình trong nước và thế giới đã xuất hiện nhiều khó khăn và thách thức mới, song nhờ những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về điều chỉnh kinh tế trong tình hình mới nên đã “đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng”. Tăng trưởng GDP đạt xấp xỉ 6%. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, đạt mức kỷ lục về sản lượng lương thực và xuất khẩu gạo. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Thu ngân sách và xuất khẩu tăng cao, bội chi ngân sách, nhập siêu giảm dần… Cùng với đó, an ninh chính trị tiếp tục giữ vững, quốc phòng được tăng cường, quan hệ đối ngoại mở rộng.

Tuy nhiên, những mặt yếu kém và khuyết điểm vẫn còn nhiều. Đáng nói nhất là một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 chưa hoàn thành, nhất là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, lạm phát còn ở mức cao. Việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đại hội XI về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa còn nhiều bất cập…

Nguyên nhân là do đâu? Khách quan là do tác động của khủng hoảng tài chính - suy thoái kinh tế toàn cầu. Chủ quan là do yếu kém của nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, kéo dài từ lâu, chậm được khắc phục; và do những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, đặc biệt là trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, quản lý quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài nguyên, quản lý thị trường.

Ngắm bức tranh kinh tế - xã hội của năm 2011, ta thấy được cổ vũ bởi những kết quả ban đầu quan trọng, đồng thời cũng thấy bị hối thúc bởi những gì chưa làm được còn ngổn ngang. Mèo Tân Mão ắt phải bàn giao lại cho Rồng Nhâm Thìn một phần gánh nặng. Gánh nặng ấy được cộng thêm trọng lượng không nhỏ của những nhiệm vụ mới với yêu cầu cao hơn.

Xuất phát từ mục tiêu tổng quát của 5 năm 2011-2015, mục tiêu tổng quát của năm 2012 đã được xác định. Về kinh tế - xã hội, đó là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Về các mặt khác, đó là tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội của năm 2012 cũng đã được đề ra: Tăng trưởng GDP tăng khoảng 6-6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%, bội chi ngân sách Nhà nước bằng 4,8% GDP, nhập siêu 11,5-12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Và trong mọi trường hợp, phải cố gắng bảo đảm những mục tiêu xã hội như tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, trên phạm vi cả nước và trong từng địa phương. Ba lĩnh vực quan trọng nhất cần tập trung vào là: cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và các Tổng Cty Nhà nước.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là công việc của 5 năm 2011-2015, nhưng năm 2012 cần tạo được một bước đột phá.

Một câu hỏi đặt ra: Nhiệm vụ nặng nề nhưng tình hình quá nhiều thách thức, liệu Nhâm Thìn 2012 có kham nổi không?

Không phải không có lý. Dẫu sao lời đáp cũng được tìm thấy trong Kết luận của Hội nghị Trung ương 3.

Năm 2012 và một số năm tiếp theo, tình hình khủng hoảng nợ công và lạm phát tăng cao ở nhiều nước không chỉ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế thế giới trong năm 2011 mà còn tiếp tục gây khó khăn, thậm chí có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái mới. Do vậy, năm 2012 vẫn là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nước ta, nhất là trước yêu cầu khắc phục những yếu kém của nền kinh tế và đổi mới, phát triển ở tầm cao mới, chiến lược mới.

Nhận rõ khó khăn và thách thức nhưng không bi quan, đó là cái nhìn cách mạng. Trong bối cảnh chung của thế giới hiện nay, nước ta vẫn có thể nắm bắt, phát huy những tiềm năng, lợi thế của một nước đi sau đang trong quá trình công nghiệp hóa với nền nông nghiệp giàu tiềm năng sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản; có điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài và thị trường tiêu thụ nội địa phát triển nhanh…

Năm Nhâm Thìn này không cho phép bất cứ ai kê cao gối ngủ yên với giấc mơ công nghiệp hóa. Một nước Việt Nam công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 chỉ có thể trở thành hiện thực thông qua hành động hết mình của toàn dân tộc trong từng tháng, từng quý, từng năm, từng 5 năm và suốt cả 10 năm chiến lược.

Xuân tới có mới mùa xuân không tùy thuộc trước hết không ở cảnh vật mà ở lòng người và sức người./.

Xuân Nhâm Thìn 2012
 Hà Đăng

Theo: Báo Thời Nay



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com