Nam Định nâng cao chất lượng công tác dân vận

07:01, 10/01/2012

PHẠM VĂN BẰNG
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Để huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, năm 2008, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn”.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động quần chúng. Các chủ trương, nghị quyết được ban hành sát thực tế, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Quy chế công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng, triển khai thực hiện, hằng tháng, hằng quý, thường trực cấp ủy các cấp duy trì giao ban công tác dân vận, công tác tôn giáo, trực tiếp nắm tình hình hoạt động trong tháng, trên cơ sở đó định hướng chỉ đạo cho thời gian tới.

Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và khối Dân vận các xã, phường, thị trấn được củng cố, kiện toàn, chất lượng được nâng lên. Ban Dân vận Tỉnh ủy có đủ ba phòng chức năng; Ban Dân vận các huyện ủy, thành ủy có từ 3 đến 6 cán bộ. Số cán bộ MTTQ và đoàn thể cấp cơ sở và xóm (thôn), tổ dân phố năng lực yếu, tín nhiệm thấp được xem xét, thay thế. Khối Dân vận xã, phường, thị trấn bố trí đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy làm trưởng khối; bí thư chi bộ xóm (thôn), tổ dân phố kiêm trưởng ban công tác Mặt trận. Hằng năm Ban Dân vận Tỉnh ủy đều chỉ đạo việc tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực công tác, kỹ năng vận động nhân dân cho đội ngũ cán bộ dân vận các cấp. Đồng thời tổ chức học tập, nghiên cứu nắm chắc các chủ trương nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ công tác của địa phương nhất là nội dung về xây dựng nông thôn mới, từ đó xác định rõ nội dung, phương thức tiến hành công tác dân vận.

Đường giao thông nội đồng ở xã Hải Lộc (Hải Hậu) được mở rộng từ nguồn đóng góp của nhân dân.
Đường giao thông nội đồng ở xã Hải Lộc (Hải Hậu) được mở rộng
từ nguồn đóng góp của nhân dân.

Công tác dân vận chính quyền có chuyển biến tiến bộ. Các cấp chính quyền tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, sửa đổi 221 thủ tục hành chính, loại bỏ 41 thủ tục hành chính của 10 sở, ban, ngành không còn phù hợp. Tổ chức 17 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên và kiến thức Nhà nước về xây dựng nông thôn mới cho 2.768 học viên (chủ yếu là công chức xã, phường, thị trấn). Nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm giao dịch hành chính “một cửa”; công khai, minh bạch quy trình, thủ tục giải quyết công việc hành chính; các khoản thu chi ngân sách và các khoản thu khác để nhân dân biết, giám sát và thực hiện. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án xây dựng nông thôn mới được nhân dân thảo luận dân chủ trước khi ban hành. Phân công đồng chí chủ tịch UBND trực tiếp phụ trách công tác dân vận của chính quyền và chịu trách nhiệm trước cấp ủy và UBND cấp trên về công tác dân vận của chính quyền. HĐND, UBND tỉnh đã điều chỉnh, ban hành chế độ kinh phí đối với hệ thống công tác dân vận cơ sở. Kinh phí hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở từ 5 triệu đồng trở lên/năm. Ủy viên ban thường vụ các đoàn thể cấp xã, phường, trưởng ban công tác Mặt trận, bí thư chi Đoàn, chi hội trưởng các đoàn thể ở xóm (thôn), tổ dân phố, phụ cấp hệ số 0,1 mức lương tối thiểu/người/tháng.

MTTQ và đoàn thể các cấp tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tuyên truyền, đa dạng hóa các đối tượng tập hợp, phù hợp với thực tế địa phương. Tăng cường đi cơ sở, bám sát địa bàn dân cư để gần dân, sát dân, hiểu dân hơn, nắm bắt và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân với cấp ủy, chính quyền kịp thời có biện pháp giải quyết. Đối với Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đã tuyên truyền làm cho người dân hiểu đó là nhiệm vụ của nhân dân, do nhân dân thực hiện và nhân dân cũng chính là người hưởng thụ. Do vậy các dự án xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình, tích cực thực hiện, có hàng trăm hộ đã hiến hàng trăm nghìn m2 đất mở đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia. Từ năm 2008 đến nay, đã xây dựng 654 nhà đại đoàn kết tặng cho người nghèo, hỗ trợ nâng cấp 645 nhà cho hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh có 2.176 khu dân cư tiên tiến; có 1.456 (39,54%) làng văn hóa. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” có sức lan tỏa mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiêu biểu là mô hình hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn của Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); mô hình vận động nhân dân vùng giáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông trên đất hai lúa, nâng cao thu nhập cho người lao động của chi bộ 8 thôn Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); mô hình “Vận động nhân dân thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy nguồn lực của nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn” của xã Trực Nội (Trực Ninh)…

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giới thiệu để tổ chức Đảng bồi dưỡng kết nạp hơn 5.000 đoàn viên ưu tú vào Đảng. Thu hút 250.316 lượt đoàn viên tham gia 3.697 công trình thanh niên với tổng trị giá 83.344 triệu đồng. Tỷ lệ nữ tham gia cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp ngày một tăng (cấp huyện 12,38%, tăng 1,12%, cấp cơ sở 13,86%, tăng 2,36% so với nhiệm kỳ trước). Tỷ lệ tập hợp CCB đạt 91,5%; có 76,9% số xóm (thôn), tổ dân phố có câu lạc bộ cựu quân nhân, tập hợp 78,6% số cựu quân nhân ở địa phương, phát huy tốt vai trò quản lý, giáo dục, động viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống và sinh hoạt. Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng của Hội Nông dân phát động thu hút hàng chục vạn hộ nông dân tham gia, giúp các hộ nghèo nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. Bình quân hằng năm có 42% số hộ nông nghiệp đạt danh hiệu hộ sản xuất giỏi các cấp…

Kết quả trên đã tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Năm 2011, tất cả 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm (GDP) ước đạt 11.725 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2010. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.700 tỷ đồng, bằng 125% dự toán, tăng 26% so với năm 2010. Số hộ giàu tăng, hộ nghèo giảm còn 8,5% (theo chuẩn mới). Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận, vừa qua Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo hoàn thành sơ kết (ở cả ba cấp) ba năm thực hiện Nghị quyết số 10, đề ra phương hướng nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn trong thời gian tới. Xây dựng quy chế cấp ủy các cấp định kỳ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với các tầng lớp nhân dân để lắng nghe và giải quyết kịp thời những vấn đề kiến nghị của nhân dân. Đánh giá, rà soát điều chỉnh việc cấp sinh hoạt phí cho đội ngũ cán bộ dân vận ở cơ sở, trong đó đã chỉ đạo thực hiện ngay việc điều chỉnh mức phụ cấp cho ủy viên ban thường vụ các đoàn thể cấp xã, phường, trưởng ban công tác Mặt trận, bí thư chi Đoàn, chi hội trưởng các đoàn thể ở xóm (thôn), tổ dân phố từ hệ số 0,1 lên 0,13 mức lương tối thiểu/người/tháng và đảm bảo kinh phí, các điều kiện, phương tiện làm việc để MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở hoạt động có hiệu quả./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com