Thảo luận hai dự thảo Luật và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và Kế hoạch năm 2012

08:10, 24/10/2011

 Ngày 21-10, Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ hai. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự thảo: Luật Lưu trữ, Luật Ðo lường.

Vẫn còn nhiều ý kiến về hai dự án: Luật Lưu trữ và Luật Ðo lường

Báo cáo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ, Ủy ban Pháp luật của QH cho biết, tính đến ngày 10-10-2011, Ủy ban Thường vụ QH đã nhận được văn bản tổng hợp ý kiến đóng góp của 43 Ðoàn đại biểu Quốc hội, một đại biểu Quốc hội và Cục Lưu trữ (Văn phòng T.Ư Ðảng). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của các đại biểu QH, dự thảo Luật Lưu trữ gồm bảy chương, 45 Ðiều. 

Các đại biểu thảo luận tại hội trường.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường.

Việc quản lý tài liệu thuộc Phông lưu trữ là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến. Các đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) và một số đại biểu khác nhất trí với Dự thảo Luật về Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là toàn bộ lưu trữ của nước Việt Nam, không phụ thuộc vào thời gian hình thành, nơi bảo quản, chế độ chính trị-xã hội, kỹ thuật ghi tin và vật mang tin. Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm: Phông lưu trữ Ðảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, dự thảo luật cần có những quy định chặt chẽ để  bảo đảm tính bảo mật của Phông lưu trữ Ðảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, về vấn đề này, các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Ðác Nông), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lại cho rằng, cần xem xét lại khái niệm về Phông lưu trữ như dự thảo Luật đưa ra và không nên quy định Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm: Phông lưu trữ Ðảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, vì sẽ rất khó thực hiện tốt việc lưu trữ tài liệu trong thực tế công tác. Có ý kiến đề nghị, thống nhất một cơ quan quản lý tất cả các phông lưu trữ nhằm thống nhất quản lý nhà nước; đồng thời tạo thuận lợi cho việc hoàn thiện cơ sở vật chất, phòng ngừa thất thoát tài liệu, mà bộ máy quản lý tài liệu lại tinh gọn.

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về Tổ chức lưu trữ. Dự thảo luật quy định, Lưu trữ lịch sử được tổ chức ở cấp T.Ư và cấp tỉnh. Các đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và một số đại biểu khác tán thành với dự thảo Luật, đồng thời đề nghị cần chú trọng công tác bàn giao tài liệu lưu trữ để tránh bị hư hỏng, thất thoát trong quá trình chuyển giao, lưu trữ. Tuy nhiên, về vấn đề này, các đại biểu Tôn Thị Ngọc  Hạnh (Ðác Nông), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và một số đại biểu khác cho rằng, cần tiếp tục tổ chức lưu trữ lịch sử ở ba cấp: Trung ương, tỉnh và huyện; không nên bỏ lưu trữ cấp huyện, bởi trên thực tế đây là nơi lưu trữ nhiều tài liệu quan trọng, có giá trị và đang phục vụ tốt nhu cầu tra cứu, nghiên cứu của người dân. Việc bỏ lưu trữ lịch sử cấp huyện có thể gây ra tình trạng "quá tải" cho lưu trữ cấp tỉnh.

Ðại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) cho rằng, dự thảo Luật chưa đề cập quyền khai thác lưu trữ lịch sử của người nước ngoài khi nghiên cứu về Việt Nam và đề nghị Ban Soạn thảo cần xây dựng quy định về vấn đề này để mở rộng thông tin cần thiết, chính thống về Việt Nam.

Về dự thảo Luật Ðo lường, tính đến ngày 14-10-2011, Ủy ban Thường vụ QH đã nhận được ý kiến đóng góp của tám đại biểu Quốc hội, báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của 56 Ðoàn đại biểu QH và một số cơ quan có liên quan.

Qua thảo luận cho thấy, Chương VII của dự thảo Luật quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường được nhiều đại biểu QH quan tâm, góp ý kiến. Ðại biểu Trần Thị Dung (Ðiện Biên) và một số đại biểu khác cho rằng, mức phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này trong dự thảo là chưa đủ sức răn đe. Luật cần quy định cụ thể hơn về quy trình, thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi, mức độ vi phạm, đặc biệt là trường hợp mức phạt vượt quá mức phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Ðồng tình với quan điểm này, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) và một số đại biểu khác nêu rõ, hiện nay, trong thực tế cuộc sống, có nhiều hình thức vi phạm pháp luật về đo lường với những thủ đoạn tinh vi (thí dụ như trong kinh doanh xăng, dầu) đang gây thiệt hại và bức xúc cho nhân dân. Vì vậy, các hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cần nghiêm minh; một số hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ  có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Về việc xã hội hóa hoạt động đo lường (Ðiều 5), đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu rõ, đây là vấn đề cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo đề cập vấn đề này còn chung chung, chưa cụ thể; vì vậy, Ban Soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng tiến bộ KHKT... trong hoạt động đo lường. Ðồng thời, cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế trong và ngoài nước có thể tham gia hoạt động này.

Nhiều đại biểu QH phát biểu ý kiến mong muốn dự thảo Luật Lưu trữ và Luật Ðo lường cần sớm được thông qua và khẩn trương triển khai trong cuộc sống để đáp ứng những nhu cầu và vấn đề đang đặt ra trong thực tế.

Tăng trưởng hợp lý, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.

Thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2011-2015, đa số ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về giữ nguyên các mục tiêu và định hướng đã được Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI thông qua, đồng thời đề nghị, để phù hợp với diễn biến mới của tình hình, việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch năm năm cần tập trung quyết liệt và có bước đi phù hợp. Căn cứ vào kết quả đạt được về phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, trong các năm sau cần có phương án cụ thể để phấn đấu bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm năm.  Một số đại biểu đề nghị, trong hai, ba năm đầu của kế hoạch năm năm cần tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành các bước khởi động mạnh mẽ tái cơ cấu gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều đại biểu cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm 2011- 2015 khoảng 6,5% đến 7% như phương án Chính phủ đưa ra là hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến kinh tế trong nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nói trên phải có giải pháp hữu hiệu và mang tính đột phá. Thực tế mức tăng trưởng khoảng 6,5% đến 7%/năm là con số thấp, do vậy nếu thấp hơn sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.

Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng như kế hoạch Chính phủ đưa ra được nhiều đại biểu đồng tình ủng hộ. Nhiều đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, có chính sách tạo điều kiện tiếp tục xã hội hóa đầu tư. Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính an toàn hệ thống, giảm tỷ trọng dư nợ tín dụng so với GDP.

Liên quan đến các giải pháp kiềm chế lạm phát, nhiều ý kiến cho rằng, trong kế hoạch năm năm 2011-2015 dự kiến sẽ áp dụng các giải pháp quyết liệt để phát triển sản xuất, giữ ổn định mức phát hành trái phiếu Chính phủ, sử dụng hiệu quả hơn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Do vậy, đề nghị năm 2013 và 2014 kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 6% và tăng từ 5% đến dưới 7% vào năm 2015, làm cơ sở kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong kế hoạch năm năm tiếp theo tăng dưới 5% như các nước có nền kinh tế phát triển ổn định khác.

Nhiều đại biểu đề nghị, Chiến lược phát triển trong năm năm tới cần bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ðặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang bất ổn, nợ công châu Âu đang ở mức đáng lo ngại, do vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm năm tới có thể giữ ở mức vừa phải nhưng bền vững và chú trọng các chỉ tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều đại biểu tán thành với các giải pháp trọng tâm Chính phủ đề ra nhằm bảo đảm an sinh xã hội trong kế hoạch năm năm 2011-2015, trong đó tập trung củng cố mạng lưới an sinh xã hội với ba nội dung: An sinh về việc làm; chính sách bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Nhà nước cần có chính sách  hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo bị tác động do giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, dầu sẽ tăng theo lộ trình. Bên cạnh đó, trong năm năm tới, cần chú trọng đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới, vì đây là Chương trình tổng thể, trong đó có tất cả các chỉ tiêu liên quan đến nâng cao đời sống người dân.

Cùng với các nội dung nói trên, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm từng bước giảm nợ công, giảm bội chi ngân sách, tăng đầu tư cho phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân...

Cân đối giữa phát triển kinh tế và văn hóa, giáo dục

Thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, nhiều đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của tập thể Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Trước những khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 ở mức từ 5,8% đến 6% là cố gắng rất lớn. Cùng với đó, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng giảm dần, cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu tích cực và những giải pháp Chính phủ thực hiện là đúng hướng. An sinh xã hội về cơ bản được bảo đảm, nhất là ở khu vực nông thôn. Sản phẩm nông nghiệp được mùa, được giá, đặc biệt đạt mức cao về sản lượng, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và có khả năng xuất khẩu khoảng bảy triệu tấn gạo đã góp phần quan trọng vào ổn định xã hội và đời sống nông dân. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong năm 2011 mới chỉ là bước đầu, chưa bảo đảm tính ổn định và bền vững. Nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra những tồn tại mang tính cơ cấu, tích tụ từ nhiều năm và những hạn chế trong điều hành của Chính phủ thời gian qua. Trong số 6/22 chỉ tiêu dự báo không đạt theo Nghị quyết của QH, trong đó có hai chỉ tiêu rất quan trọng là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2010 và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với Nghị quyết của QH và mục tiêu điều hành của Chính phủ. Nhiều đại biểu cho rằng, lạm phát tăng cao ngoài nguyên nhân tác động do thị trường thế giới còn  nguyên nhân do việc tăng giá nhiều mặt hàng trong nước cùng một lúc như điều chỉnh giá điện, xăng dầu, than và điều chỉnh tỷ giá. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực hiện một cách đồng bộ, nhất là cắt giảm đầu tư công chưa nhiều.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, nhiều đại biểu cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 phấn đấu đạt khoảng 6% đến 6,5% như kế hoạch đề ra là có cơ sở, nhưng để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần chú trọng vào việc phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước. Ðối với các biện pháp kiềm chế lạm phát, nhiều đại biểu cho rằng, năm 2012 dự báo sẽ có ít khả năng biến động lớn về giá hàng hóa thế giới, do vậy đề nghị phải kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức một con số và có giải pháp nhằm giảm chỉ số giá tiêu dùng theo hướng bền vững.

Một số đại biểu đề nghị, việc đầu tư cho phát triển trong năm tới cần có sự điều chỉnh nhằm cân đối giữa đầu tư cho phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục. Cùng với đó, Chính phủ cần đánh giá chính xác và có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những hộ nghèo; tăng cường củng cố mạng lưới an sinh xã hội. Rà soát đánh giá lại toàn bộ chính sách an sinh xã hội nhằm giải quyết những bất cập hiện nay. Một số đại biểu đề nghị, cần có giải pháp nhằm bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh; cân đối ngân sách cho công tác quốc phòng và an ninh giữa các địa phương, vùng miền, trong đó chú trọng đầu tư cho các tỉnh trọng điểm về quốc phòng, an ninh.

Theo: nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com