Hội nghị biểu dương các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tiêu biểu toàn quốc năm 2011: “Gương sáng” soi chung

02:10, 20/10/2011

Ngày 16-10-2011, tại Thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) đã diễn ra Hội nghị biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tiêu biểu toàn quốc năm 2011, do Bộ LĐ-TB và XH, Bộ Quốc phòng, Báo Nhân Dân và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức. Tỉnh ta có 3 đại biểu vinh dự được biểu dương tại Hội nghị, Báo Nam Định trân trọng giới thiệu về hai tấm gương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày: Vũ Minh Tằng, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản); Vũ Đức Chính, phường Bà Triệu (TP Nam Định). Họ là những cựu chiến binh từng có mặt tại các chiến trường “túi bom, vựa đạn” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trở về cuộc sống đời thường, họ là thương binh, gặp nhiều khó khăn và thường xuyên đối mặt với những đau đớn về thể xác, bệnh tật do chiến tranh để lại. Song, bằng nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của gia đình và toàn xã hội, họ đã vượt khó vươn lên, trở thành những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước, xứng danh với phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ.

“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh…!”

Tại Hội nghị biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tiêu biểu toàn quốc 2011, ai cũng trân trọng và kính phục khi nhắc tới ông - một tấm gương sáng về tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là ông Vũ Minh Tằng, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản). Năm 1962, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường tòng quân đánh Mỹ, với mong ước được cầm súng chiến đấu tiêu diệt quân thù, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Tại chiến trường Quảng Ngãi, trong một trận đánh ông bị thương nặng với nhiều mảnh đạn M79 găm khắp người (hiện còn mảnh đạn ở đỉnh đầu, góc mắt phải, cổ tay). Do có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ông đã hai lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Tháng 10-1966, ông được chuyển về Sư đoàn 320, đảm nhiệm công tác chăm sóc thương, bệnh binh. Tháng 9-1967, khi đang làm nhiệm vụ, đơn vị của ông bị địch phát hiện; ông bị bắt và địch đưa ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, ông bị giặc nhiều lần tra tấn dã man “chết đi sống lại” nhưng giữ vững lời thề của người quân nhân cách mạng: Khi bị địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào đi nữa, quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, không bao giờ phản bội, cung khai, ông không hề khai báo nửa lời; bí mật bắt liên lạc với cơ sở Đảng nhà tù Phú Quốc. Do có trình độ văn hoá và nghiệp vụ y sĩ nên tại nhà tù, ông Tằng vừa tham gia tích cực vào các hoạt động do chi bộ Đảng lãnh đạo vừa cứu thương cho anh em tù nhân. Năm 1971, ông được bầu là bí thư chi bộ nhà lao B2. Trong những ngày lãnh đạo anh em đấu tranh, bọn địch dùng nhiều hình phạt khốc liệt. Ông và các chiến sĩ cách mạng nhà lao B2 đã kiên trung, một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ. Ông kể: "Địch bắt anh em phải hô khẩu hiệu "Đả đảo Bác Hồ". "Xin thua"... mới cho ăn cơm nhưng các chiến sỹ cách mạng quyết không hô. Dưới sự chỉ đạo của tên cai ngục Trần Văn Bảy (tức Bảy Nhu), địch điên cuồng đánh đập các chiến sỹ cách mạng, bắt anh em phải nhịn đói. Có những lần đấu tranh, hơn một tuần địch không cho anh em ăn cơm, nhiều người chết đói, chết khát nhưng không một ai nhụt ý chí. "Chúng tôi có thể chết, nhưng dù chỉ còn một hơi thở chúng tôi luôn hướng niềm tin sắt son về Đảng, về Bác, với mong muốn đất nước được độc lập. Trong tù, vào những ngày Quốc khánh 2-9, Ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5…, anh em đều làm những lá cờ Tổ quốc và hát vang Quốc ca". Với mong muốn nhanh chóng thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở về với đồng đội, tiếp tục cầm súng chiến đấu, ông cùng với anh em lập kế hoạch đào hầm, vượt ngục; song cuộc vượt ngục bị bại lộ, ông bị địch mang ra “xử làm gương” nhằm uy hiếp tinh thần đấu tranh của các chiến sỹ trong nhà tù Phú Quốc. 

Các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ - TB và XH chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu tỉnh Nam Định.  Ảnh: PV
Các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ - TB và XH chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu tỉnh Nam Định.
Ảnh: PV

Tên cai ngục ác ôn Trần Văn Bảy (tức Bảy Nhu) khét tiếng với trò dùng gậy đục gãy từng chiếc răng của người tù, rồi bắt họ tự uống máu, tự nuốt răng mình, trực tiếp tra tấn ông. Bảy Nhu dùng một cái ống tuýp sắt dài, gọi là “gậy biệt ly” và một cái vồ gỗ lớn, gọi là “vồ sầu đời” (ý rằng, đã bị dùng “dụng cụ đặc biệt” đó thì ít có cơ hội sống sót) để tra tấn ông Tằng. Bảy Nhu bắt ông há miệng, dùng tuýp sắt ghè thẳng vào miệng ông, một cái răng gãy, máu tuôn xối xả, nó bắt ông uống hết máu của mình, hắn đe giọt nào chảy ra ngoài miệng là hắn giết. Ông Tằng không nuốt được cái răng dài gồm cả chân răng nhọn hoắt của mình, Bảy Nhu cho quân cảnh xả nước vào miệng ào ào. Lần lượt, 9 cái răng chui xuống ruột ông trong một buổi tối tra tấn. Khi ông Tằng tỉnh lại, tên Bảy Nhu chỉ đạo bọn quân cảnh còng chân ông vào cùm rồi dùng vồ đập mỗi đầu gối 70 cái khiến hai đầu gối của ông nát bét. Sau đó, chúng đóng 3 chiếc đinh vào mỗi đầu gối. Sau màn tra tấn “thời trung cổ”, chúng đưa ông về giam tại “chuồng cọp” trại B2.

Ở "địa ngục trần gian" Phú Quốc, cùng với những nhà tù giam giữ phạm nhân chính trị thì "chuồng cọp" được anh em tù nhân gọi là "nhà mồ”. "Chuồng cọp" là một căn phòng làm bằng sắt có chiều cao 1,8m được chia thành 3 tầng. Với diện tích chỉ khoảng 24m2, “chuồng cọp” lúc nào cũng đầy ắp 300 người. Do diện tích chật hẹp nên các tù nhân không thể đi, đứng được. Cứ khoảng 5 phút, mọi người trong các tầng luân phiên nhau nhoi ra ngoài hít thở không khí qua khe sắt, lúc nào nơi đây cũng nóng như thiêu như đốt. Bên cạnh đó, địch đối xử hết sức dã man, tàn nhẫn. Không chỉ cho ăn đói, nhiều khi chúng bắt ăn cơm trộn với máu, phân của tù nhân. Còn về nước uống, mỗi ngày chúng cho mỗi người chỉ được 10cc. Nhiều khi không nước uống, anh em phải uống cả nước tiểu của chính mình. Tất cả những gì địch làm đều nhằm làm suy giảm ý chí của các chiến sỹ cách mạng bị tù đày. Chính sự khắc nghiệt của "chuồng cọp" mà nhiều chiến sỹ cách mạng đã không còn sống sót đến ngày đất nước độc lập. Có ngày, 170 chiến sỹ đã ra đi. Người chết vừa được khuân đi xong, bọn địch lại đưa vào cho đủ 300 phạm nhân. Tại đây, mặc dù diện tích chật hẹp, anh em tù nhân đã dành cho ông Vũ Minh Tằng được một khoảng trống để nằm. Được sự chăm sóc của các bạn tù, đặc biệt là 2 người bạn tù cùng quê là Trương Mỹ Lâm (Xuân Trường) và Vũ Trung Huấn (Vụ Bản), ông Tằng đã vượt qua cơn "thập tử nhất sinh". Ông Tằng đã cố gắng giữ lại những chiếc răng mà kẻ địch nhổ để kỷ niệm về một thời anh dũng chiến đấu trước kẻ thù, đổ máu hy sinh của các thế hệ cha anh vì nền độc lập dân tộc. 

Sau Hiệp định Paris, ông Tằng được trao trả. Ngày ra tù, ông Tằng chỉ còn thân hình tiều tuỵ với 23kg. Tuy vậy, ông thấy mình được sống là hạnh phúc, bởi theo tài liệu lịch sử, mặc dù chỉ tồn tại có 7 năm (từ năm 1966 đến khi kết thúc Hiệp định Paris), nhà tù Phú Quốc đã giam giữ 40 nghìn tù nhân cộng sản và người dân yêu nước, trong đó hơn 4.000 người đã hy sinh ở nơi đây bởi những đòn tra tấn tàn độc của kẻ thù. Cũng như các cựu tù nhân quê hương Nam Định bị giam giữ tại nhà tù Phú Quốc, sau khi được về quê hương, ông Vũ Minh Tằng tiếp tục cống hiến cho quê hương, cho đất nước. Sau nhiều năm công tác tại Bộ CHQS tỉnh, ông trở về quê xã Vĩnh Hào (Vụ Bản). Dù sức khoẻ yếu, thường xuyên bị những vết thương hành hạ nhưng ông vẫn tích cực tham gia xây dựng quê hương, động viên các con học hành, xây dựng cuộc sống ấm no.

“Còn sống còn chiến đấu…!”

Ngày 29-4-2011, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho các chiến sỹ cách mạng bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ông Vũ Đức Chính, phường Bà Triệu (TP Nam Định) - là một trong 16 người tổ chức cuộc vượt ngục Hoả Lò đêm ngày 24-12-1951, gây chấn động dư luận trong nước và nước Pháp lúc bấy giờ, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ông chính là người chiến sỹ tử tù bị tòa án quân sự Pháp kết án tử hình vì thực hiện kế hoạch đánh bom tàu An-tin-đúp-phê (ngày 31-5-1950). Ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn tinh anh, minh mẫn khi kể cho chúng tôi những kỷ niệm về năm tháng đấu tranh chống thực dân và bè lũ tay sai, gian khổ, hiểm nguy nhưng rất hào hùng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ông Vũ Đức Chính (tức Hùng Phong) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, quê ở xã Đại An (Vụ Bản). Vào tuổi thanh niên, ông thoát ly lên Thành phố Nam Định làm thợ cơ khí. Trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia đội tự vệ Lê Văn Phúc. Tháng 12-1946, ông chuyển sang tiểu đoàn 75, trung đoàn 34, chiến đấu trên mặt trận Cửa Đông (TP Nam Định). Trong khi đơn vị của ông đang làm nhiệm vụ bí mật khống chế các con đường, bao vây địch ở nhà băng thì bất ngờ bị giặc đánh úp. Ông và một số đồng đội rơi vào tay địch. Suốt 3 tháng giam cầm tra tấn, địch không khai thác được gì, nên chúng chuyển ông về nhà tù Máy Chai. Trong thời gian ở tù, ông tìm cách liên hệ với tổ chức bên ngoài. Ngày 27-5-1950, qua đường dây bí mật, Vũ Đức Chính nhận được Chỉ thị của Thành uỷ Nam Định: “Đồng chí tìm mọi cách xuống tàu địch tìm thời cơ phá huỷ phương tiện chiến tranh và sinh lực của chúng”. Đó là con tàu An-tin-đúp-phê chuyên trở quân trang, lương thực từ cảng Hải Phòng về chi viện cho đội quân xâm lược thực dân Pháp đóng ở Thái Bình và mặt trận ba tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Được sự giúp đỡ của tổ chức, ông Vũ Đức Chính có điều kiện tiếp cận, hoạt động trên tàu chiến địch, tìm hiểu quy luật hoạt động của chúng rồi báo cáo cho tổ chức lên kế hoạch đánh tàu. Qua bọn lính, ông biết sáng 31-5-1950, tàu An-tin-đúp-phê sẽ nhổ neo. Thời cơ đã đến, Vũ Đức Chính liên hệ, xin ý kiến của tổ chức. Để hỗ trợ cho ông, Thành uỷ đã phân công đồng chí Hoàng Năng Thưởng dẫn đầu một nhóm chiến sỹ bí mật chuyển 5 quả bom tự chế từ pháo 105 ly vào vị trí đánh phá. Trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, đồng đội ôm ông, tay siết chặt tay: “Nếu bị lộ, đồng chí cho đánh ngay tại bến rồi nhanh chóng rút về khu an toàn. Nhưng đây là trận cảm tử… rất có thể phải hy sinh”. Không một phút chần chừ, ông nói: “Tôi sẽ gắng sức để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Nếu tôi không trở về… xin anh em thay tôi chăm sóc gia đình…!”.

Rạng sáng ngày 31-5-1950, tàu An-tin-đúp-phê nhổ neo đi về hướng Nam. Đứng trước mũi tàu, ông ngắm nhìn quê hương trong niềm xúc động. Giữa ranh giới sự sống và cái chết, nhưng ông thấy lòng thanh thản, tự tin đến lạ thường. Chỉ vài tiếng nữa, một tiếng nổ xé trời sẽ “khai tử” con tàu và những tên xâm lược. Nhưng kế hoạch đã bị lộ. Đang mải mê suy nghĩ, đột nhiên bọn lính trên tàu nhốn nháo lùng sục. Tên quan ba Pháp khuôn mặt hằm hằm, tay lăm lăm khẩu súng tiến về ông Chính. Phía sau, một tên lính dùng báng súng bổ xuống đầu ông, khiến ông ngất lịm. Khi tỉnh dậy, ông biết mình đang ở Sở Mật thám Nam Định, máu đỏ khắp người, chân tay bị trói chặt, tím bầm. Tên trưởng ban chống cộng của địch là Dương Quốc Chính khét tiếng gian ác, tàn bạo trực tiếp hỏi cung ông: “Vũ khí mày lấy ở đâu?”. “Tôi tự làm!”. “Chỉ huy mày là ai?”. “Không ai cả!”. “Cơ sở mày liên lạc?”. “Ở vùng tự do!”.

Trước những câu trả lời đanh thép đó, khi thì chúng nhấn ông xuống thùng phi đầy nước ớt và phân, dùng búa gõ nắp thùng; khi chúng dùng giầy đinh đá vào mặt, vào bụng, máu hộc ra từng vũng, rồi cột ông lên sàn nhà, dùng dao nhọn tróc da đầu, da mặt, lột hết móng tay. Tiếp đó, độc ác tàn bạo hơn là chúng xua chó béc-giê cắn nát hai bắp chân, cắt gân chân khiến ông chết đi sống lại nhiều phen. Không thể khai thác gì thêm, bất lực, bọn giặc xích hai tay, hai chân ông vào thành máy bay đưa lên nhà tù Hỏa Lò Hà Nội.

Tại nhà tù Hoả Lò, chúng giam ông vào xà lim số 2 cùng với gần 30 tù chính trị mà bọn chúng xếp vào diện “nguy hiểm”. Trước các đòn tra tấn dã man của kẻ thù, không nản chí, ông vẫn tiếp tục hoà mình trong các cuộc đấu tranh của anh chị em bạn tù chống khủng bố, đòi cải thiện đời sống, quyền được học văn hoá, sinh hoạt. Tinh thần kiên trung của đồng chí Vũ Đức Chính -  người nguyện cảm tử đánh tàu An-tin-đúp-phê khiến bọn cai ngục Hoả Lò lo sợ. Chúng tống ông vào ngục tối, cùm hai chân, cho ăn cơm mốc trộn muối, nước uống không có. Vết thương tái phát, ông nôn ra máu. Với thân thể mềm nhũn, hôi hám của ông, chúng quẳng ông xuống nhà xác của Nhà thương Phủ Doãn. Nhưng có lẽ tinh thần kiên cường chiến đấu chống kẻ thù đã giúp ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Khi địch đưa ông trở lại nhà tù Hoả Lò cũng là lúc các đồng chí ở trại O, trại J đang làm lễ truy điệu ông. Ngày 31-5-1951, toà án binh quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương (TFIN) tuyên án tử hình Vũ Đức Chính về tội danh “Âm mưu đánh tàu An-tin-đúp-phê, ngoan cố không chịu khai báo”. Khi toà cho nói lời cuối cùng, ông đanh thép: “Chúng tôi không có tội! Chúng tôi chiến đấu vì Tổ quốc, vì đồng bào và nhân dân mình. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm…!”.

Kể từ phút nghiệt ngã này, đồng chí Vũ Đức Chính mang số áo tử tù 1891. Ngày 2-6-1951, tức là sau 2 ngày bị thực dân Pháp kết án tử hình, ông nhận được thư chị gái từ Nam Định gửi lên “Chính ơi… bọn lính ở bốt An Duyên đã đốt nhà ta. Hầm bí mật ở góc vườn cũng bị chúng nó phát hiện…”. Ông lặng người đau đớn. Anh em trong khám tù động viên nhau giữ vững tinh thần, đấu tranh với kẻ địch.

 - Chính ơi, ngày mai nó đưa mình lên máy chém, hãy cố mà vượt thoát để thay mình chiến đấu, trả thù cho chúng mình…!

- Các đồng chí…! Hãy chiến đấu đến hơi thở cuối cùng! Vĩnh biệt anh em, tôi đi…!

Tâm nguyện cuối cùng của các anh Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Báu, Đặng Văn Bát càng làm cho ông Chính nung nấu ý chí vượt ngục, thoát khỏi nanh vuốt nhà tù thực dân. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thành uỷ Hà Nội, qua đường dây bí mật đến chi bộ nhà tù Hoả Lò, kế hoạch vượt ngục được giao cho đồng chí Đặng Đình Kỳ, tổ trưởng tổ Đảng, Nguyễn Văn Thế, chi uỷ viên chi bộ nhà tù, Trần Minh Việt, Vũ Đức Chính thực hiện. Gần 6 tháng mưu trí gan dạ, ngâm mình trong đường ống đầy bùn và phân, ông và đồng đội đã hoàn thành việc cưa song cửa, làm khóa giả… mà bọn địch không hề hay biết. Cuộc vượt ngục Hoả Lò đêm ngày 24-12-1951 đã làm chấn động dư luận trong nước và chính giới nước Pháp khi đó. Đồng chí Vũ Đức Chính là một trong mười lăm tử tù trốn thoát trở về tiếp tục sát cánh cùng đồng đội chiến đấu giải phóng quê hương.

Câu chuyện về các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày: Vũ Đức Chính, Vũ Minh Tằng là một trong những tấm gương tiêu biểu về cựu chiến binh, những thương binh anh dũng đấu tranh trong lao tù của đế quốc năm xưa, luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vượt khó, vươn lên trong nhịp sống mới hôm nay, xứng đáng là gương sáng để các thế hệ noi theo./.

Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com