Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 08

08:10, 19/10/2011

[links()]

(Tiếp theo và hết)

II - Đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ theo hướng thực chất hơn

Tại hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 10 (khóa XVIII) sơ kết công tác 9 tháng năm 2011 và đánh giá kết quả sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 08, hầu hết các ý kiến đều khẳng định: Nghị quyết 08 đã mang lại nguồn sinh lực mới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của tỉnh, trình độ mọi mặt của cán bộ được nâng lên rõ rệt, hiệu lực, hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được thể hiện ngày càng rõ nét. Tuy nhiên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục như công tác triển khai thực hiện nghị quyết ở một số đơn vị, địa phương chưa tốt dẫn đến một số khâu của công tác cán bộ chưa được thực hiện thường xuyên, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ còn thấp, chưa đảm bảo tính kế thừa, năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị của một số cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ đó dẫn đến một số chỉ tiêu của nghị quyết đề ra chưa đạt như mục tiêu đến năm 2011, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân nhưng hiện nay mới đạt 95,5%; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã đạt trình độ trung cấp về chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị song đến nay, cán bộ có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên mới đạt 40% nghĩa là sau 4 năm mới tăng có 10%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra, trình độ trung cấp lý luận chính trị mới đạt 70%. Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ở cả 3 cấp vẫn còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu so với nghị quyết và quy định của Đảng, Nhà nước, đơn cử như trong tổng số 56 cán bộ chủ chốt cấp huyện như bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND mới có 1 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi, đạt tỷ lệ 1,8% trong khi quy định là 15%; hoặc mới có 9/220 cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, phó các sở, ngành của tỉnh ở độ tuổi dưới 40. Trong thực hiện quy trình về luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, một số đơn vị chưa đảm bảo đúng nguyên tắc, bổ nhiệm cán bộ không trong quy hoạch hoặc không thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm. Vẫn còn tư tưởng cục bộ, khép kín về công tác cán bộ, một số trường hợp đào tạo tại chức vẫn được tuyển dụng vào các cơ quan, đơn vị, chủ trương tuyển dụng cán bộ tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn chưa tạo ra chuyển biến mới cho cơ sở, cá biệt có địa phương thiếu cán bộ nhưng không thực hiện tuyển dụng theo quy định do còn có tư tưởng cục bộ địa phương. Nguyên nhân của những hạn chế được xác định là do một số cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ, xem nhẹ các khâu trong quy trình công tác cán bộ như quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Bên cạnh đó cũng phải khẳng định một nguyên nhân quan trọng là do công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện chưa được kịp thời, chưa kiên quyết uốn nắn cơ sở thực hiện nghiêm túc quy định của cấp trên.

Cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy rà soát quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp giai đoạn 2010-2015.
Cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy rà soát quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp
giai đoạn 2010-2015.
Trước những vướng mắc đó, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đã quán triệt rõ: Các cấp ủy Đảng cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 08 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII. Công tác cán bộ phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và có tính đại diện, không phải vì vướng mắc một vài trường hợp mà điều chỉnh cả nghị quyết. Đồng chí lưu ý đối tượng chính của Nghị quyết 08 là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý song để có được đội ngũ cán bộ này có chất lượng, phải bắt đầu từ việc tuyển dụng đầu vào, vì vậy cần tiếp tục thực hiện chủ trương: Chỉ tuyển dụng mới những người đã tốt nghiệp đại học hệ đào tạo chính quy vào làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể. Khi đề bạt, bổ nhiệm lần đầu cán bộ vào các chức vụ trưởng, phó phòng và tương đương ở cấp huyện và các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh, ngoài các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành, phải có trình độ chuyên môn đại học chính quy. Đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, cần kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết số 08 với Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015 và những năm tiếp theo, ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy, đúng chuyên ngành về công tác tại cơ sở.

Căn cứ kết quả sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU và yêu cầu thực tiễn, tại Kết luận số 15 của BCH Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08 đã điều chỉnh, bổ sung một số mục tiêu cụ thể đến năm 2015 như 30% cán bộ lãnh đạo, quản lý (cấp trưởng, phó) các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh đạt trình độ chuyên môn thạc sỹ, tiến sỹ. Chuẩn bị nhân sự để Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) có tỷ lệ cấp ủy viên nữ đạt từ 15% trở lên (hiện nay là 7,3%), tỷ lệ trẻ dưới 40 tuổi từ 10% trở lên (hiện nay là 5,4%). Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện đến 2015 có 15% cán bộ chủ chốt có trình độ thạc sỹ, tỷ lệ cấp ủy viên nữ đạt 20% trở lên, tỷ lệ cấp ủy viên trẻ dưới 35 tuổi từ 10% trở lên. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết 08 của BCH Đảng bộ tỉnh, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ, giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan làm công tác cán bộ trong hệ thống chính trị. Đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ theo hướng thực chất hơn, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan, công tâm, lấy chất lượng hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ, khả năng quy tụ, đoàn kết phát huy sức mạnh tập thể là tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá năng lực cán bộ. Thực hiện nghiêm túc việc nhận xét, đánh giá cán bộ gắn với kiểm điểm, tự phê bình hằng năm. Lấy kết quả đánh giá cán bộ làm một trong những căn cứ để xem xét đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bầu cử, luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ. Cấp ủy cần thông báo công khai kết quả đánh giá cán bộ để cán bộ được đánh giá biết nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Những cán bộ vi phạm khuyết điểm, năng lực hạn chế, không hoàn thành nhiệm vụ phải kiên quyết có phương án thay thế kịp thời hoặc bố trí nhiệm vụ phù hợp. Bên cạnh đó tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch. Cần xây dựng cụ thể quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quy chế cử cán bộ đi đào tạo trên đại học, xác định đối tượng được đi đào tạo, tỷ lệ cán bộ đi đào tạo chuyên môn ở các lĩnh vực như KH và CN, NN và PTNT, y tế, giáo dục và các chuyên ngành khác theo yêu cầu của tỉnh, kiến thức quản lý Nhà nước cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý như chương trình tiền công vụ, chuyên viên, chuyên viên chính… Làm tốt hơn nữa công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ nữ, trẻ, có triển vọng; đảm bảo yêu cầu bố trí đội ngũ cán bộ hợp lý, thay thế cán bộ không đủ năng lực lãnh đạo, đưa công tác này trở thành nề nếp. Xây dựng quy chế thi tuyển, xét tuyển cán bộ công chức vào các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở một số sở, ban, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ hằng năm, các cấp ủy, cơ quan đơn vị  thực hiện nghiêm quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và sử dụng cán bộ, cụ thể hóa cơ chế đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ theo quy định của Trung ương./.

Bài và ảnh: Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com