Nguyên tắc cho hòa bình trên Biển Đông

01:10, 22/10/2011

Một nội dung làm việc quan trọng giữa Việt Nam - Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam mới đây được dư luận hết sức quan tâm là việc ký kết văn kiện Thỏa thuận Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Các nhà quan sát cho rằng, các nội dung Thỏa thuận ấy nếu được thực hiện tốt sẽ có ý nghĩa tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Việc giải quyết tranh chấp tiến triển tốt sẽ góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa hai nước và trong cả khu vực.

Nguyên tắc quan trọng trong Thỏa thuận được đưa lên hàng đầu là việc khẳng định lập trường kiên trì thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn của nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc cũng như với cả loài người văn minh tiến bộ trên thế giới luôn khát khao được sống bình yên, hạnh phúc trong hòa bình và thịnh vượng. Bạo lực và chiến tranh cần phải được loại trừ ra khỏi đời sống của nhân loại văn minh. Vì thế các nguyên tắc đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong giải quyết các bất đồng, mọi tranh chấp là hết sức quan trọng trong thế giới ngày nay, cộng đồng quốc tế đồng thời đòi hỏi các bên liên quan cũng phải hết sức tôn trọng các cam kết trên tinh thần duy trì ổn định và gìn giữ hòa bình này.

Thỏa thuận cũng xác định các cơ sở pháp lý quốc tế cũng như các định hướng cho cách thức giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông giữa hai nước. Đó là "Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ các chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử... đồng thời chiếu cố đến những quan ngại của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán”. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cam kết nghiêm chỉnh tuân thủ Thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong quá trình đàm phán vấn đề trên biển, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN năm 2002. Trong mục tiêu hướng tới mong muốn đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển không chỉ cho hai nước mà còn cho cả khu vực và các quốc gia liên quan, Thỏa thuận xác lập nguyên tắc đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác thì sẽ hiệp thương, đàm phán với các bên tranh chấp khác.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định: "Dựa trên tinh thần của Thỏa thuận, tôi hiểu là hai bên chấp nhận cả hai phương thức song phương và đa phương trong giải quyết tranh chấp trên biển. Tức những vấn đề mang tính song phương thì giải quyết theo đàm phán song phương, còn yếu tố nào liên quan đến đa phương thì phải giải quyết bằng đàm phán đa phương”. Điều này cũng hoàn toàn thích hợp với thực trạng khai thác Biển Đông trong thế giới ngày nay mà đặc biệt có liên quan tới việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải quốc tế. Biển Đông hiện là một trong những vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới, và là con đường hàng hải quan trọng nhất nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Do đó, hoà bình, ổn định trên Biển Đông sẽ góp phần quan trọng cho việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực và thế giới.

Thỏa thuận đồng thời cũng tính đến các hướng giải quyết tạm thời, hợp lý trong quá trình tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài mà không ảnh hưởng tới lập trường và chủ trương của hai bên. Và tất nhiên, dù có là giải pháp quá độ, tạm thời thì cũng phải đảm bảo các nguyên tắc "trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi”. Thỏa thuận này cũng bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác, cùng phát triển... Theo các chuyên gia, việc hợp tác này có thể bắt đầu ngay từ việc nghiên cứu cơ chế phối hợp để hỗ trợ ngư dân được bình đẳng và an toàn khi hành nghề hợp pháp trên biển cũng như các nghiên cứu khoa học khác phục vụ cho việc đảm bảo an toàn hàng hải, cứu hộ và cứu nạn trên biển... Tinh thần này cũng cho thấy có thể kỳ vọng vào việc thúc đẩy xây dựng và tiến tới việc ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà các nước ASEAN và Trung Quốc đang hết sức nỗ lực. Việc ký kết Bản Quy tắc Hướng dẫn thực thi DOC mới đây giữa ASEAN và Trung Quốc càng cho thấy khả năng và triển vọng tốt đẹp về nguyên tắc cho việc tìm kiếm, thiết lập các quy tắc ứng xử, phương thức giải quyết các bất đồng trên biển trong khu vực này.

Để có thể đóng góp tích cực và có hiệu quả sự hợp tác và nghiên cứu chung về Biển Đông, tìm kiếm các giải pháp cơ bản, thích hợp và lâu dài cho các bên, việc đầu tư cho công tác nghiên cứu và đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực này là rất quan trọng và cấp bách. Thế nhưng, theo LS. Trương Trọng Nghĩa: "Công tác nghiên cứu các chứng lý có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông hiện nay chưa được đầu tư đúng mức. Chúng ta cần phải đầu tư hơn nữa cho các chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm về tranh chấp quốc tế, đặc biệt là giải quyết tranh chấp về biển, đảo. Hiện nay, ta không chỉ thiếu người mà còn thiếu cả những hình thức huy động, tập hợp đối tượng chất xám này”. Một trong những ý nghĩa tích cực mà Thỏa thuận mang lại cho hai nước đó là lãnh đạo cấp cao nhất của hai bên nay đã thống nhất được định hướng và các nguyên tắc giải quyết chung. Điều này được cho rằng sẽ tạo ra sự thống nhất trong chỉ đạo và hành xử của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương và cũng là cơ sở để giải quyết vấn đề nếu có sự cố xảy ra. Chẳng hạn như trường hợp học giả Trung Quốc Trần Sỹ Cầu, ngay sau khi Thỏa thuận nguyên tắc được ký kết chỉ mấy ngày đã phát biểu tại một hội thảo về Biển Đông ở Singapore rằng Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) "không thể nào là nền tảng cho đòi hỏi lãnh thổ của một nước”, UNCLOS "cũng không thể thay đổi vị thế pháp lý không tranh cãi của Trung Quốc trong việc có chủ quyền ở Nam Sa” (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Quan điểm của học giả Trung Quốc này hoàn toàn xa lạ với những nguyên tắc mà lãnh đạo hai nước vừa ký kết ngay lập tức đã bị một học giả Việt Nam phản bác tại diễn đàn. Sẽ còn nhiều ví dụ về hành xử bất nhất trong thực tế liên quan tới các tranh chấp trên biển cũng như trong tranh luận khoa học. Thế nhưng, với các nguyên tắc đã được lãnh đạo cấp cao hai nước ký kết, từ bây giờ, hai bên đã có cơ sở để có thể xử lý vấn đề một cách nhất quán hơn, đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi và nhất là đảm bảo cùng hướng tới một nền hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com