Nâng cao chất lượng dân số

01:10, 20/10/2011

Dân số thế giới sẽ đạt đến con số bảy tỷ người vào ngày 31-10. Cả thế giới kỷ niệm sự kiện này với không ít suy tư. Trái đất không to lên, tài nguyên ngày càng giảm, ô nhiễm tăng và khí hậu biến đổi khó lường. Môi trường sống của con người ở nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng. Trên thế giới có khoảng 2,6 tỷ người có thu nhập dưới hai USD/ngày, 925 triệu người bị đói, 850 triệu người mù chữ và 1,5 tỷ người đang phải sống ở các nước có chiến tranh.

Theo Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, dân số nước ta hiện nay hơn 87 triệu người, xếp thứ 13 thế giới. Tốc độ tăng dân số được kiềm chế một bước. Mức sinh đã giảm mạnh từ năm 2003 đến nay, số con trung bình của một bà mẹ tính đến hết tuổi sinh đẻ đã giảm từ 3,5 con năm 1993 xuống còn 2,11 con từ năm 2005, đạt mức sinh thay thế. Tuổi thọ bình quân chung tăng lên 72,8 tuổi.

Nhưng công tác dân số nước ta đang phải đối mặt với một số nguy cơ, đó là vẫn còn 28 tỉnh miền núi có mức sinh cao, không đạt mức sinh thay thế, khả năng tái bùng phát mức sinh cao là rất lớn. Nước ta có quy mô dân số và mật độ dân số cao bậc nhất thế giới, hiện nay mật độ trung bình là 260 người/km2, ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trai nhiều, gái ít sẽ làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp trong tương lai gần. Tình trạng già hóa dân số cũng đặt ra yêu cầu giải quyết an sinh xã hội cho người già. Chất lượng dân số nhìn chung còn thấp, chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta đứng thứ 113 trong số 135 quốc gia được đánh giá (Báo cáo phát triển con người năm 2010 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

 Thực tế chứng minh, một quốc gia mạnh hay yếu phụ thuộc vào chất lượng dân số. Điều đáng lưu tâm là người dân nước ta chưa thật sự có một đời sống khỏe mạnh như mong muốn, tuy tuổi thọ tăng nhưng thời gian sống khỏe mạnh còn thấp. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em còn cao. Có đến 7,8% dân số bị khuyết tật, 1,5% dân số thiểu năng về thể lực và trí lực...

Những nguy cơ trên đem lại tác động xấu đến chất lượng dân số của nước ta. Để hạn chế tiêu cực từ các nguy cơ này cũng như để nâng cao chất lượng dân số, các ngành chức năng, các địa phương cần duy trì bằng được mức sinh thay thế, tăng cường phổ biến, áp dụng kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình, xử lý nghiêm những vi phạm Luật Bình đẳng giới, bảo đảm an sinh xã hội cho người già. Mỗi cộng đồng, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức về chất lượng sống, chất lượng dân số, thực hiện nuôi, dạy con cái khỏe mạnh, có giáo dục. Cần chú trọng tuyên truyền về lối sống văn minh, hiện đại, chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm lý cho sự chuyển đổi từ gia đình theo lối gia trưởng sang mô hình gia đình hiện đại, dân chủ, bình đẳng. Ngành dân số cần mở rộng địa bàn triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dân số như "Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân", "Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh", "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh", đồng thời, tăng cường can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngành thể dục - thể thao cần tích cực triển khai Chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam...

Theo: nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com