Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

06:12, 28/12/2020

* Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Sáng 28-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố triển khai Nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Dự, chỉ đạo hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo MTTQ Việt Nam, các bộ, ban, ngành Trung ương dự hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Ðoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Ðoàn ÐBQH của tỉnh; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh; Phạm Ðình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị.

Ảnh: Thống Nhất

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao công tác chuẩn bị hội nghị công phu, chu đáo, nghiêm túc; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề có tính chất gợi mở, tổng quát liên quan đến các điểm mới vượt trội và các dấu ấn nổi bật nước ta đã đạt được trong năm 2020 để hội nghị tập trung trao đổi, bàn luận. Chỉ đạo các giải pháp, nhiệm vụ lớn trong năm 2021 và thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải đạt nhiều thành tích, tiến bộ hơn năm 2020. Ðặc biệt, lưu ý đội ngũ cán bộ cả nước phải luôn tự soi, tự sửa để không mắc vào những cám dỗ vật chất, không xảy ra những điều không mong muốn. Yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn vì dưới tác động của đại dịch COVID-19, năm 2021 Việt Nam và thế giới sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, phức tạp, khó đoán định. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng, với khí thế mới, niềm tin mới, Chính phủ, các địa phương tiếp tục đoàn kết, năng động sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2021 và cả nhiệm kỳ, góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong đợi.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định. Ảnh: Thanh Thúy

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.

Ảnh: Thanh Thúy

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng năm 2020 được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua bởi: tinh thần, ý chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách; dịch bệnh được kiểm soát; công tác bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt; là quốc gia hiếm hoi duy trì kinh tế tăng trưởng dương. Giai đoạn 2016-2020, nước ta đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế và khu vực, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng; đạt mức tăng trưởng kinh tế cao. Nhiều địa phương mới nổi có sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng; mức tăng trưởng cũng không phụ thuộc nhiều vào riêng thành phần kinh tế nào. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong “top” 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm. Tạp chí The Economist tháng 8-2020 đã xếp Việt Nam trong “top” 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Bên cạnh đó, nước ta còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội; đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm với mức thu nhập và điều kiện sống người dân ngày càng tăng lên; niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố, nâng cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được cân đối, tính toán trên nhiều yếu tố. Dù xác định sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, song Chính phủ quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2021.

Trong 1,5 ngày, hội nghị tập trung thực hiện các nội dung: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt về  tình hình thực hiện kế  hoạch phát triển kinh tế  -  xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Trong đó, về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Ðại hội đại biểu toàn  quốc lần thứ XIII của Ðảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm  (2021-2030). Năm 2021, nước ta đặt ra 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: tổng sản  phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng  khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng  25,5%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%... Thế và lực của nước ta sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều với nền  tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính trị - xã hội ổn định, vị thế uy tín quốc tế cao. Tuy nhiên, trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột thương mại gia tăng và những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài đặt ra cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam, nhiều thách thức lớn về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và các vấn đề xã hội. Vì vậy, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực  hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hoá khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Ðảng, Quốc hội, thời gian tới, các cấp, các  ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành  động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội. Phải tận  dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp trên toàn cầu…

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016-2020. Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam trình bày dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Hội nghị cũng xem xét các Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Báo cáo kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng năm 2020; Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2020; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử 2019-2021, định hướng 2025…

Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cũng tập trung thảo luận về những thành quả nổi bật và những khó khăn, vướng mắc; những vấn đề lớn có tính liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay; tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2021 cũng như các năm tiếp theo. Hội nghị cũng thảo luận, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2021, qua đó xác định những trọng tâm chỉ đạo điều hành như tại nội dung dự thảo các Nghị quyết cho năm 2021.

Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện các văn bản, báo cáo, nhất là dự thảo Nghị quyết 01 để ban hành và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm 2021 với quyết tâm đạt kết quả cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở, nền tảng cho cả giai đoạn 5 năm tới (2021-2025)./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com