Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020

12:06, 06/06/2020

Sáng 5-6, tại Hà Nội, Bộ GD và ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu trên cả nước về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Tại đầu cầu tỉnh ta có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD và ĐT và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nam Định
Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nam Định.

Theo Bộ GD và ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức với nhiều điểm mới, đó là: Tăng cường tự chủ của các địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi. Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT, Thanh tra cấp tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh. Ngoài việc kết quả kỳ thi là căn cứ để công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 và là căn cứ quan trọng để các địa phương đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông của mình trên mặt bằng chung cả nước, năm nay, kỳ thi còn là căn cứ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Với tầm quan trọng đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phải đáp ứng yêu cầu chất lượng và công khai, minh bạch. Với nhiều điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT và quy chế thi, ngoài nhiệm vụ chỉ đạo chung, Bộ GD và ĐT phải làm tốt công tác đảm bảo kỳ thi an toàn, trước tiên là về chất lượng đề thi, vấn đề bảo mật, công tác thanh tra, giám sát và cung cấp phần mềm quản lý thi và chấm trắc nghiệm…

Tại hội nghị, Bộ GD và ĐT cũng thông qua Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, khung thời gian kỳ thi và một số đổi mới về công tác thanh tra thi năm 2020. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chính thức thực hiện trong 2 ngày: 9 và 10-8-2020, công bố kết quả thi vào ngày 27-8. Theo tinh thần quy chế, kỳ thi THPT năm nay đặt mục tiêu chính là xét tốt nghiệp nhưng Bộ GD và ĐT vẫn chỉ đạo, ra đề thi; UBND tỉnh, thành phố chủ trì và chịu trách nhiệm tổ chức. Quy trình coi thi, chấm thi, bảo quản bài thi về cơ bản giữ như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Trong đó, sẽ tổ chức thi 5 bài, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn thi thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học); bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên). Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN, KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm. Bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận. Ngữ văn thi 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH. Năm nay, ngoài lực lượng thanh tra của địa phương, của các trường đại học, sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ cùng tham gia công tác thanh tra tuyến…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Để chuẩn bị tốt kỳ thi, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo việc dạy và học theo hướng dẫn của Bộ để đảm bảo chất lượng, việc ôn thi phải diễn ra bình thường, an toàn theo kiến thức căn bản để tránh bị áp lực. Kiểm soát việc dạy thêm, học thêm. Sau buổi họp này, Giám đốc các Sở GD và ĐT cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và các thành viên trong Ban chỉ đạo phải rõ việc, rõ trách nhiệm và thực chất. Trong quá trình thực hiện, phải chọn đúng người, đặc biệt là những người làm công tác thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng sao nhãng trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, các địa phương tổ chức kỳ thi phải chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi ở địa phương mình. Vì thế, trong quá trình triển khai, các địa phương cần quán triệt mục đích, yêu cầu thực hiện tổ chức kỳ thi này với nhiều nhiệm vụ cụ thể; cần lưu ý các điều kiện để làm tốt công tác in sao đề thi, bảo quản và chấm thi, công tác vận chuyển bàn giao bài thi. Khảo sát xác định đặt điểm thi phù hợp để đảm bảo sự tối đa thuận lợi cho thí sinh. Năm nay kỳ thi tổ chức vào tháng 8 nên cần có phương án dự phòng trường hợp thiên tai, bão lũ. Với lực lượng công an, cần có biện pháp phát hiện việc sử dụng công nghệ cao, chống gian lận. Bên cạnh đó, các Sở GD và ĐT cần chủ động cung cấp thông tin, quá trình thực hiện cho các cơ quan báo chí để đảm bảo việc đưa tin trung thực, chính xác, tránh gây hoang mang dư luận./.

Tin, ảnh: Minh Thuận

                                                                                          

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com