Hội nghị trực tuyến toàn quốc về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA

04:06, 05/06/2020

Sáng 5-6, Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thống nhất lộ trình, phương án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SMEs) tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện các doanh nghiệp SMEs của tỉnh. 

Đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cùng đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cùng đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

EVFTA đã được Hội đồng châu Âu thông qua ngày 30-3-2020; dự kiến sẽ được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định vào ngày 8-6-2020. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15 nghìn tỷ USD (chiếm 22% GDP toàn cầu). Dự kiến EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó). Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản; nhóm ngành chế biến, chế tạo; nhóm ngành dịch vụ. Trước mắt, việc thực thi EVFTA giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19 thời gian vừa qua. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Để tổ chức thực hiện, khai thác EVFTA hiệu quả nhất, hội nghị tập trung trao đổi 5 chủ đề: Các lợi ích chiến lược và những điểm cần lưu ý đối với SMEs để thực thi hiệu quả EVFTA; Các ngành hàng, các mặt hàng tiềm năng, và định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU; Vai trò của chính quyền các cấp ở địa phương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs trên địa bàn quán triệt, triển khai thực thi hiệu quả EVFTA; Định hướng hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ SMEs khai thác hiệu quả cơ hội mang lại từ EVFTA; Chia sẻ của các doanh nghiệp SMEs về việc tận dụng cơ hội và dự phòng thách thức từ EVFTA. Đại diện Bộ Công Thương tập trung bàn luận 3 vấn đề: Lợi ích chiến lược và những điểm cần lưu ý đối với SMEs để thực thi hiệu quả; Các ngành hàng, các mặt hàng tiềm năng, và định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU; Hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ SMEs khai thác hiệu quả cơ hội từ EVFTA. Chính quyền và doanh nghiệp các địa phương đã tập trung bàn luận các nội dung: vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs quán triệt, triển khai thực thi hiệu quả EVFTA cũng như nhu cầu hỗ trợ để tiếp cận và khai thác hiệu quả EVFTA.

Đánh giá buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định hội nghị nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định. Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác định hướng và có chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm có chất lượng, sẵn sàng tham gia thị trường; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, miền quảng bá hình ảnh của ngành hàng xuất khẩu ở thị trường EU; phát triển thị trường cho sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu; hướng dẫn về pháp lý để tận dụng lợi ích của Hiệp định... Ngoài nỗ lực hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu EVFTA và lưu ý: Trong vòng 7 năm đầu tiên, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được lựa chọn thuế suất ưu đãi nhất trong số các cơ chế ưu đãi thuế quan mà EU dành cho Việt Nam, tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ theo từng cơ chế. Doanh nghiệp phải chuẩn bị tốt nhất phương án đối mặt với áp lực cạnh tranh, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của Hiệp định và tiêu chuẩn cao của EU; chú ý đến vấn đề phát triển bền vững của Hiệp định với các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường; chủ động các biện pháp đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại./.

Tin, ảnh: Thanh Thúy

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com