Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu để phát triển giáo dục hiện đại (kỳ 1)

08:05, 06/02/2023

Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu và là một quá trình lâu dài, có tác động trực tiếp đến tư duy, thói quen người sử dụng, bắt đầu từ việc ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động của xã hội. Xác định rõ vai trò của CĐS trong việc nâng cao chất lượng quản lý, quản trị nhà trường, thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ giáo dục nên ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh quá trình CĐS. 

Một tiết Sinh học ứng dụng công nghệ thông tin đa phương tiện ở Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh).
Bài và ảnh: Minh Thuận
Một tiết Sinh học ứng dụng công nghệ thông tin đa phương tiện ở Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh). 

Kỳ I: Tích cực, tiên phong thực hiện chuyển đổi số

Việc ứng dụng CNTT, thực hiện CĐS trong dạy và học đã và đang trở thành một trong những hoạt động thiết yếu duy trì sự tương tác thường xuyên giữa Sở GD và ĐT và các đơn vị trực thuộc, giữa thầy và trò. 

Thầy Nguyễn Văn Đằng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh) cho biết: Thực hiện CĐS, với sự trợ giúp của các phần mềm do Viettel phát triển và cung cấp, trường có thể tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến, xây dựng học liệu, khai thác đa dạng các nguồn học liệu, tìm kiếm thông tin trên internet. Cán bộ, giáo viên đã thuần thục các kỹ năng sử dụng các ứng dụng phần mềm: trình chiếu, soạn bài giảng e-learning, soạn câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, mô phỏng, thí nghiệm ảo, dạy học, khai thác sử dụng các thiết bị công nghệ để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; các kỹ năng về quản lý, triển khai có hiệu quả các phần mềm quản trị trong nhà trường. 

Còn ở Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu), thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Trang chia sẻ: Nhà trường đã triển khai các ứng dụng hồ sơ, sổ sách điện tử, các ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên nền tảng số;... Cán bộ, giáo viên toàn trường cũng tích cực tham gia các cuộc họp, hội nghị trực tuyến mà ngành tổ chức. Việc tổ chức họp, hội nghị, hội thảo, dự giờ, tổ chức sinh hoạt chuyên môn, đặc biệt đối với sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến thời gian qua trong toàn ngành đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực trong việc chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục.

Đổi mới phương thức quản trị và quản lý Nhà nước về giáo dục là những nỗ lực mà Phòng GD và ĐT huyện Hải Hậu đang đẩy mạnh thực hiện. Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Hưng, Trưởng Phòng GD và ĐT huyện Hải Hậu cho biết: “Với các phần mềm ứng dụng của Viettel, chúng tôi đã cung cấp tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện các module bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên hệ thống LMS, đồng bộ với Hệ thống thông tin quản lý quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (TEMIS) của Bộ GD và ĐT. Các nhà trường cũng chủ động nhập cuộc để nâng cao hiệu quả quản lý và dạy - học”.

CĐS trong toàn ngành GD và ĐT tỉnh đang được tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, việc triển khai đồng bộ các dịch vụ về CNTT đang tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả nhất cho công tác quản lý, điều hành và quản trị các hoạt động cho các nhà trường qua việc sử dụng, cập nhật, báo cáo dữ liệu trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Bộ GD và ĐT và Sở GD và ĐT theo quy định; sử dụng hiệu quả hệ thống email công vụ, quản lý tài chính, tài sản, thư viện, xếp thời khoá biểu... Đối với cơ quan quản lý là Sở GD và ĐT và các đơn vị trực thuộc Sở, CĐS đang hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý, quản trị nhà trường, tổ chức các hoạt động kiểm tra đánh giá.

Nhà giáo Ưu tú Cao Xuân Hùng, TUV, Giám đốc Sở GD và ĐT cho biết: Toàn ngành GD và ĐT đã triển khai các nội dung như: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành để giúp các nhà quản lý khai thác, sử dụng nguồn dữ liệu tham mưu với chính quyền ban hành các chính sách, chương trình, chiến lược phát triển giáo dục. Ngành tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số. Thông qua phần mềm quản lý nhà trường hỗ trợ công tác quản trị, tích hợp không gian làm việc số, tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và hướng đến là người học; triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử liên thông trao đổi văn bản điện tử với tất cả các cơ sở giáo dục (CSGD) và cơ quan quản lý giáo dục; triển khai sử dụng, cập nhật, báo cáo dữ liệu trên Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và Hệ thống báo cáo tập trung của tỉnh theo quy định; triển khai và sử dụng hiệu quả các ứng dụng CNTT như: cổng thông tin điện tử; hệ thống mail điện tử; các ứng dụng quản lý tài chính, tài sản, thư viện, xếp thời khoá biểu; các ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên nền tảng số, hồ sơ, sổ sách điện tử; thực hiện thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt… Triển khai dịch vụ công thiết yếu liên quan theo Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) là đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng; 73/84 dịch vụ công trực tuyến của ngành đã triển khai ở mức độ 4.

Ở việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, trong 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, CĐS đã giúp các CSGD chủ động, linh hoạt, sáng tạo tổ chức các hình thức dạy học theo chỉ đạo của Sở GD và ĐT với phương châm “học sinh không đến trường nhưng không ngừng dạy - học”. Ngành đã triển khai thành công và hiệu quả nhiều cuộc thi trực tuyến như: Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh; Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh với giám khảo ở các nước tham gia chấm thi trực tuyến. Phát động giáo viên tham gia các cuộc thi, tham gia xây dựng, đóng góp học liệu số (bài giảng điện tử, sản phẩm thiết bị dạy học số) vào kho học liệu số của đơn vị, của ngành để chia sẻ dùng chung. Cũng nhờ CĐS mà một số CSGD đã tích cực tham gia tổ chức và thực hiện các tiết “Dạy học kết nối xuyên biên giới” mang lại những hiệu quả tích cực trong việc học ngoại ngữ (tiếng Anh). Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư mua sắm thiết bị dạy học trực tuyến phục vụ công tác chuyên môn, lựa chọn những giải pháp CNTT có chất lượng, đặc biệt đối với các phần mềm phục vụ công tác quản lý giáo dục và phần mềm dạy học trực tuyến... 

Nỗ lực, sáng tạo, tiên phong trong việc ứng dụng CNTT và CĐS trong quản lý, giảng dạy, học tập, bồi dưỡng chuyên môn; triển khai dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng kết nối toàn cầu, ngành GD và ĐT tỉnh đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ở các cơ quan quản lý giáo dục, các CSGD, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển GD và ĐT trong tình hình mới. 

(còn nữa)
Bài và ảnh: Minh Thuận
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com