Để học sinh có kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích

07:06, 05/06/2019

Kỳ nghỉ hè 2019 bắt đầu cũng là nỗi lo của các bậc cha mẹ. Làm thế nào để con em mình có kỳ nghỉ hè thực sự thiết thực, an toàn, bổ ích...? Thực tế có nhiều trường hợp trẻ em ở thành phố đến kỳ nghỉ hè bị bố mẹ nhốt trong nhà, không có nhiều cơ hội vận động, cả ngày chỉ xem ti vi, chơi game trên iPad, máy tính… Còn tại khu vực nông thôn, ngoài việc giúp bố mẹ việc nhà, các em thường rủ nhau tắm sông, ao, hồ… Đây là nguyên nhân làm gia tăng các vụ tai nạn thương tích, đuối nước. Thực trạng này tồn tại nhiều năm vì nhu cầu về chỗ vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em, nhất là trẻ em khu vực nông thôn còn rất hạn chế…

Lớp dạy kỹ năng sống cho các em ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao Thanh thiếu niên tỉnh. Ảnh: Viết Dư
Lớp dạy kỹ năng sống cho các em ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao Thanh thiếu niên tỉnh. Ảnh: Viết Dư

Để học sinh có một kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích, ngay sau khi kết thúc năm học, các ngành chức năng, các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Đội tổ chức triển khai các hoạt động hè 2019 cho học sinh bảo đảm các yêu cầu: Vui, an toàn, thiết thực, hấp dẫn, hiệu quả. Trong đó huyện Đoàn, thành Đoàn triển khai kế hoạch hoạt động hè tới 100% các đơn vị xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn phụ trách thiếu nhi ở địa bàn dân cư; chỉ đạo và phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động hè ở từng đơn vị. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo các trường tiểu học, trung học cơ sở phối hợp với Đoàn Thanh niên cùng cấp tổ chức bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương; phối hợp với các huyện Đoàn, thành Đoàn chỉ đạo các trường kiện toàn, tập huấn đội ngũ tổng phụ trách Đội; phối hợp với Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao, nhà văn hoá các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động thể thao, bơi lội, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật… cho thiếu nhi. Các hoạt động của thanh, thiếu nhi trong dịp hè được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, phù hợp tâm lý, nguyện vọng của thanh, thiếu nhi và điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị. Tiêu biểu như: các hoạt động tham quan, dã ngoại, đến với các di tích lịch sử văn hoá thông qua hoạt động “Hành trình đến với bảo tàng, đến với các địa danh lịch sử”, “Hành trình về nguồn”; chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử văn hoá; các hoạt động văn hoá văn nghệ - thể dục thể thao được tổ chức dưới các hình thức như múa hát, sinh hoạt tập thể, hội diễn tiếng hát tuổi thơ tại cơ sở, tập thể dục buổi sáng, bóng đá, đá cầu, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, bơi lội, kéo co, hướng dẫn thiếu nhi sử dụng các phương tiện thông tin giải trí hiệu quả... Bên cạnh đó, các địa phương duy trì và tổ chức tốt hoạt động của các đội “Thanh niên tình nguyện”, đội “Thiếu nhi tuyên truyền măng non” vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần trên các lĩnh vực: Ra quân làm vệ sinh môi trường, tuyên truyền phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn tuyến phố xanh - sạch - đẹp, trong đó tổ chức các buổi lao động phù hợp lứa tuổi thiếu nhi với tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” như: Vệ sinh môi trường; tổ chức các lớp rèn luyện kỹ năng sống, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu, kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; cung cấp kiến thức, tạo điều kiện cho các em thực hiện tốt các quyền tham gia, tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội, bày tỏ ý kiến phù hợp với lứa tuổi thông qua các diễn đàn: “Trẻ với trẻ”, “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”… Đẩy mạnh các hoạt động của Đội tuyên truyền măng non về phòng, chống suy dinh dưỡng; phòng, chống ma tuý; phòng, chống các tai tệ nạn xã hội; phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích, các chương trình “Thiếu nhi vui khoẻ”, “Trại thu”, “Trại hè”… Các tổ chức Đoàn - Hội - Đội duy trì nền nếp, đổi mới nội dung sinh hoạt chi đoàn, chi hội, chi đội; thành lập, duy trì và tổ chức tốt hoạt động của các câu lạc bộ theo sở thích… Các huyện Hải Hậu, Xuân Trường và Thành phố Nam Định đã duy trì các mô hình sân chơi cho các em gắn với dạy kiến thức, kỹ năng hiệu quả. Trong đó, tiêu biểu như: Câu lạc bộ “Tiếng hát Vàng Anh”, “Vệ sinh môi trường sống”, “Ra quân vệ sinh môi trường xây dựng tuyến phố sáng - xanh - sạch - đẹp” của Thành Đoàn Nam Định; các mô hình dạy bơi phòng, chống đuối nước; tuyên truyền phòng, chống ma tuý… của Huyện Đoàn Xuân Trường; mô hình “Về nguồn” thông qua việc tổ chức các hoạt động dã ngoại cho các em đến thăm các địa danh lịch sử, góp sức bảo tồn, tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hóa nhằm giáo dục trẻ về tình yêu quê hương, đất nước… của Huyện Đoàn Hải Hậu… Các mô hình trại hè hướng dẫn kỹ năng sống như: “Học kỳ quân đội”, “Học thành người có ích”, “Hòa mình với thiên nhiên”, “Khóa tu mùa hè”, “Trại hè công an”, “Trại hè kỹ năng sinh tồn”... cũng đang phát triển ở một số địa phương trong tỉnh, thu hút đông thiếu nhi. Tham gia mô hình, các em được hướng dẫn các kỹ năng mềm. Trong đó mô hình “Học kỳ quân đội” rèn luyện các em tính kỷ luật, sự ngăn nắp, gọn gàng, tinh thần đoàn kết, tập thể; “Khóa tu mùa hè” hướng đến tính nhân văn, lòng vị tha... Cũng ở đó, các em hoàn toàn sống tự lập và được học tập, vui chơi trong môi trường tập thể, từ đó thêm tự tin và mạnh dạn. Đặc biệt, các trại hè dạy kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy, kỹ năng bơi lội và kỹ năng tự vệ... giúp ích nhiều cho các em trong cuộc sống...

Với sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và các bậc phụ huynh, các em đang có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa với những hoạt động bổ ích, được thực sự nghỉ ngơi, chuẩn bị tâm lý thoải mái khi bước vào năm học mới./.

Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com