Đánh giá kết quả học tập, giảng dạy không nên chỉ dựa vào điểm số

04:05, 31/05/2019

Một năm học đã đi qua, cùng với niềm vui và thành quả học tập, giảng dạy của thầy cô và trò các nhà trường sau một năm học vất vả, vẫn còn đâu đó những lo lắng, băn khoăn khi bệnh thành tích vẫn còn len lỏi trong các nhà trường, các thầy cô và ngay cả ở các bậc phụ huynh. 42/43 học sinh một trường tiểu học ở Lạng Sơn đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh xuất sắc trong một lớp học đạt trên 80% không phải là chuyện hiếm. Điều đáng nói là trong số những học sinh giỏi ấy, có học sinh lớp 3 chưa đánh vần nổi tên mình, học sinh lớp 6 còn lung túng khi gặp một phép chia đơn giản, học sinh lớp 12 không biết tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn nào??? Hiện nay người ta thường nhìn vào tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh đạt giải trong các phong trào học tập, các cuộc thi đua... để khẳng định “đẳng cấp” từng trường. Nhà trường đánh giá giáo viên qua số lượng học sinh giỏi của từng lớp, cứ thế cuộc đua thành tích cứ nhân lên theo từng cấp. Căn bệnh thành tích trong các nhà trường còn len lỏi ra ngoài xã hội, đến với các bậc phụ huynh. Những ngày qua trên mạng xã hội tràn ngập các bảng điểm, giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi, học sinh xuất sắc... của các con được bố mẹ trưng lên, trong đó có không ít lời nhận xét có cánh của giáo viên dành cho các con. Dường như điểm số không chỉ còn là thang đo về khả năng học tập của các con mà còn là sự “cân đo đong đếm, hơn thua” của các bậc phụ huynh về giá trị của con em mình!

Những năm trước đây, mỗi khi tổng kết năm học, trung bình mỗi khối lớp cũng có vài học sinh quá yếu phải ở lại lớp, bị “đúp” nhưng những năm gần đây, hầu như không có trường hợp nào phải ở lại lớp, kể cả những học sinh diện ADE (chậm phát triển trí tuệ), cha mẹ cho đến lớp để hòa nhập cộng đồng cũng vẫn có học bạ “đẹp” đủ điều kiện lên lớp. Vì chỉ cần một học sinh bị đúp sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của lớp, của trường. Bởi thế nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá “nguyên nhân nền giáo dục của chúng ta ngày càng tụt hậu có nhiều, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là căn bệnh thành tích, nó tồn tại như căn bệnh trầm kha khó có thuốc chữa”. Tình trạng một lớp học có tới 90% học sinh giỏi đã khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang với suy nghĩ: liệu con cái chúng ta có thực sự học giỏi đến vậy hay không? Hãy dũng cảm để con không là học sinh giỏi, câu nói đó phần nào rất đúng trong giai đoạn hiện nay bởi với bảng điểm toàn 9, 10 cùng những lời nhận xét có cánh của giáo viên khiến các con dễ bị “lầm tưởng” về bản thân, còn phụ huynh nghĩ con mình thực sự xuất sắc. Điều đó khiến cho các con không còn muốn cố gắng nữa bởi thấy việc đạt được điểm 9, 10 là hết sức bình thường. Bên cạnh đó, hiện nay nền giáo dục hiện đại đang chuyển sang phát triển năng lực học sinh, công cụ thang đo bằng điểm số tuy vẫn được sử dụng nhưng không phải là tất cả. Chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá về năng lực học sinh ở các góc độ bao quát hơn chứ không chỉ nhìn vào điểm số và các danh hiệu.

Hãy dạy con biết tự tìm tòi, biết hướng đến những giá trị cốt lõi của sự học là để lấy kiến thức, sự hiểu biết chứ không phải vì điểm số. Không nên mắng con khi chúng không được điểm cao, quan trọng điểm số đó là trung thực, đúng với năng lực của chúng, có như vậy mới giúp con thấy được giá trị của sự nỗ lực, cố gắng. Điểm số không phải là tất cả nếu các con không có ý trí tự lực vươn lên bởi những điểm số đẹp, những lời nhận xét có cánh không giúp chúng đứng vững trong cuộc sống sau này./.

Phương Mai

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com