Phát triển vận động cho trẻ trong các trường mầm non

05:11, 04/11/2017

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD và ĐT; từ năm học 2013-2014, Sở GD và ĐT đã triển khai chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” đến 266 trường mầm non trong tỉnh. Đến nay chuyên đề đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Học sinh Trường Mầm non Hải Vân (Hải Hậu) trong giờ học vận động thể chất.
Học sinh Trường Mầm non Hải Vân (Hải Hậu) trong giờ học vận động thể chất.

Chúng tôi được chứng kiến giờ học phát triển vận động của lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Trực Thái (Trực Ninh). Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em thực hiện các vận động theo từng chủ đề khá tự tin, đồng thời biết khéo léo phối hợp vận động cùng nhau. Cô giáo Tạ Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trẻ rất hào hứng khi tham gia vào hoạt động phát triển thể lực. Thực tế, nhằm giúp các em tăng hiểu biết về lợi ích của việc luyện tập vận động đối với sự phát triển cơ thể và bảo vệ sức khoẻ, thời gian qua, nhà trường đã đa dạng hoá hình thức tổ chức hoạt động phát triển vận động. Cụ thể như: Tăng thời lượng vận động cho trẻ, đổi mới hệ thống bài tập vận động, thực hiện các hội thi lồng ghép trong từng năm học… Cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường đã mạnh dạn trong việc lựa chọn nội dung phát triển vận động cho trẻ, đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo nâng cấp sân chơi, trồng cỏ sân trường và tăng cường bổ sung mua sắm thêm đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị, sắp xếp, bố trí các khu vực vui chơi, khu vực hoạt động hợp lý, tạo nhiều không gian xanh cho trẻ hoạt động. Nhà trường còn khuyến khích giáo viên tìm tòi, sáng tạo nhiều đồ chơi mới làm bằng nguyên liệu tự nhiên, vừa để đa dạng hóa đồ chơi, vừa kích thích trẻ vận động. Trẻ được chú ý phát triển các tố chất vận động nhanh, mạnh, khéo, bền thông qua các trò chơi vận động”. Trên sân trường, với những chiếc cổng chui làm bằng lốp xe, các ván dốc được rải sỏi, trẻ được rèn các vận động như đi, bò, trườn, trèo và rèn cảm giác của đôi bàn chân... Bên cạnh đó, các vận động tinh cũng được tăng cường rèn luyện cho trẻ qua các hoạt động như: xâu hoa, luồn dây, buộc dây, cài cúc áo, xếp chồng, tháo nắp hộp, tập cầm bút tô vẽ… để tập trung các cử động của bàn tay, ngón tay và phối hợp mắt khi sử dụng đồ dùng, dụng cụ. Các trò chơi này giúp trẻ có những kỹ năng vận động cơ bản, là nền tảng để tiếp tục phát triển những kỹ năng vận động cao hơn ở các lứa tuổi tiếp theo. Nhà trường cũng xây dựng, phân bố nhiều khu vực chơi hợp lý dành cho các hoạt động của trẻ trên sân trường theo khả năng và sở thích. Bên cạnh việc tạo khu vực hoạt động ngoài sân chơi, việc giáo dục vận động cho trẻ cũng được chú ý trong các giờ thể dục hay giờ học hoạt động chung để trẻ củng cố những vận động cơ bản. Việc tạo ra môi trường học tập với không gian xanh và an toàn không chỉ kích thích trẻ hứng thú, đam mê với các môn thể thao mà còn giúp trẻ có tâm thế vận động nhanh, bền, dẻo dai và khéo léo, nâng cao kỹ năng và rèn luyện tính kỷ luật, tự tin cho trẻ khi tham gia các hoạt động tập thể. Thành công trong thực hiện chuyên đề là hầu hết trẻ đều khỏe mạnh, hiếu động, hưởng ứng khi tiếp xúc làm quen với các hoạt động mới, thích trải nghiệm, khám phá, tích cực tham gia luyện tập bằng phương pháp “chơi mà học” cùng cô, cùng bạn. Hằng năm sức khỏe của trẻ được tăng lên, trẻ được cải thiện tầm vóc, hạn chế trẻ nhút nhát, yếu thể lực, thừa cân, béo phì; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng và chiều cao chỉ còn 2,8%, 96,8% trẻ phát triển tốt, lĩnh vực phát triển thể chất trẻ đạt 99,1%, phát triển ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm đạt 100%, tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần hằng năm tăng lên...

Thực hiện chuyên đề “Phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”, ngành GD và ĐT tỉnh đã triển khai, áp dụng cho trẻ từ 24-36 tháng và  trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. Đối với trẻ 24-36 tháng sẽ tập các động tác phát triển nhóm cơ và hô hấp như các động tác thở, động tác tay, cơ, bả vai, chân…; các vận động cơ bản: bò, trườn, đi, chạy, ném, bắt... Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, ngoài tập vận động như trẻ 24-36 tháng còn tập các cử động bàn tay, ngón tay phát triển hoàn thiện, khéo léo. Cùng với các bài tập vận động thì vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể, vệ sinh thiết bị… cũng được chú trọng. Thực tế, từ nhiều năm qua hoạt động giáo dục phát triển vận động cho trẻ đã được thực hiện thường xuyên trong các trường mầm non. Tuy nhiên, từ năm học 2013-2014, chuyên đề đã được các trường triển khai một cách chuyên sâu và bài bản. Để nâng cao kiến thức trong tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển vận động, đội ngũ giáo viên các trường mầm non thường xuyên học hỏi, bồi dưỡng về nghiệp vụ để có phương pháp giảng dạy hiệu quả. Bên cạnh đó, các trường đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ. Nhiều trường đã sáng tạo, đa dạng hoá hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển vận động cho trẻ. Giáo viên tích cực làm đồ dùng, đồ chơi, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, gần gũi với trẻ để tạo các đồ chơi phục vụ cho các tiết học thể chất đạt hiệu quả cao. Hằng năm, các trường còn tổ chức các hội thi của cô và trẻ lồng ghép với chuyên đề giáo dục phát triển vận động, qua đó không chỉ đánh giá chất lượng giáo dục mà còn tuyên truyền sâu rộng trong phụ huynh ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển vận động cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Tuy nhiên, đến nay việc triển khai thực hiện chuyên đề vẫn gặp khó khăn; đặc biệt là trang thiết bị, đồ chơi giáo dục phát triển vận động cho trẻ còn thiếu, diện tích ở nhiều trường, lớp chật hẹp... Do vậy, các trường học thường phải tận dụng tối đa các khoảng trống, không gian quanh các lớp học để bố trí, tổ chức lắp đặt thiết bị, góc vận động. Năm học 2017-2018, Sở GD và ĐT tiếp tục khảo sát và hỗ trợ các đơn vị khó khăn trong triển khai thực hiện chuyên đề, tạo điều kiện để 100% trẻ đến trường được vận động, vui chơi và các hoạt động trải nghiệm, khám phá; từ đó, rút kinh nghiệm, tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ thông qua các hoạt động giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non. Đây cũng là cơ sở để các trường mầm non trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời và đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non hiện nay./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com