Nâng cao văn hóa đọc cho học sinh

08:11, 23/11/2017

 

Với mục đích để học sinh có được những thông tin tích cực phục vụ quá trình học tập, rèn luyện các phẩm chất năng lực và hình thành văn hóa đọc, góp phần hình thành kỹ năng sống cho các em, những năm qua, được sự chỉ đạo của Sở GD và ĐT, các nhà trường, đơn vị giáo dục trong tỉnh đã quan tâm đến việc nâng cao văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh. Trong đó tập trung khai thác hiệu quả thư viện nhà trường và xây dựng, phát huy hiệu quả của các thư viện lớp học.

Học sinh Trường Tiểu học Nam Đồng (Nam Trực) đọc sách trong giờ ra chơi.
Học sinh Trường Tiểu học Nam Đồng (Nam Trực) đọc sách trong giờ ra chơi.

 

Trường Tiểu học Nam Đồng (Nam Trực), đã có thư viện đạt chuẩn từ năm học 2012-2013 cùng sự hỗ trợ từ dự án xây dựng tủ sách lớp học của tỉnh, nhà trường đã xây dựng thư viện ở cả 10 lớp học. Mỗi thư viện lớp học bao gồm một tủ chứa khoảng hơn 100 đầu sách. Sách được chọn lọc kỹ với các danh mục gồm sách đạo đức, khoa học, văn học, lịch sử, danh nhân, kỹ năng sống và ngoại ngữ, kể truyện... Nhà trường có nhiều cách huy động sách trong các tủ sách lớp học như: vận động học sinh và cha mẹ học sinh của lớp góp sách, góp tiền, góp công tự xây dựng tủ sách cho con em mình; định kỳ mượn sách theo từng tháng của thư viện nhà trường; kêu gọi học sinh cũ của trường ủng hộ sách. Hội cựu học sinh đã ủng hộ mỗi tủ sách lớp học trị giá khoảng 1 triệu đồng; các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội cũng đã tài trợ sách cho nhà trường để các em có đa dạng các đầu sách để đọc, tích lũy kiến thức cho bản thân và phục vụ quá trình học tập. Các tủ sách đều đảm bảo được tính an toàn, thẩm mỹ và thuận tiện, có danh mục sách để học sinh dễ lựa chọn. Mỗi lớp học đều có sổ ghi chép mượn trả và quản lý tài liệu thư viện lớp học, do các em ban thư viện lớp học phụ trách, giáo viên chỉ đóng vai trò tham mưu, hướng dẫn. Các em trong ban thư viện đã biết tổ chức cho các bạn đọc sách vào giờ quy định của nhà trường, hướng dẫn các bạn viết cảm nhận sau khi đọc xong một cuốn sách, tổ chức thiệu sách và đánh giá, nhận xét, đề nghị cô giáo khen thưởng các bạn chăm chỉ đọc vào giờ sinh hoạt cuối tuần; quản lý mượn trả sách của các bạn trong lớp; hướng dẫn và nhắc nhở các bạn trong lớp sắp xếp sách sau khi đọc. Nhà trường chú trọng đến số đầu sách có giá trị hơn là số bản sách, đồng thời duy trì việc đổi sách trong các khối lớp. Trong xây dựng kế hoạch giáo dục, nhà trường rất quan tâm đến quỹ thời gian đọc sách của các em và có quy định cụ thể về thời gian đọc sách trong ngày để việc đọc sách ban đầu là việc thực hiện nền nếp quy định sau trở thành hoạt động tự giác. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động khuyến đọc trên cả quy mô trường và lớp như: tổ chức giới thiệu sách vào buổi sinh hoạt tập thể đầu tuần, sinh hoạt lớp; hướng dẫn và tổ chức cho các em viết cảm nhận mỗi khi đọc xong một cuốn sách, chia sẻ vào hòm thư điều em muốn nói; giáo viên đọc lựa chọn những bài viết hay giới thiệu và khen thưởng các em trước toàn lớp, toàn trường; cho các em giao lưu thông qua các trò chơi như “tôi giỏi, bạn giỏi”, “ai hiểu biết hơn”, “tìm nhà thông thái… Hiệu quả của các thư viện lớp học đã góp phần giúp học sinh trong trường rèn luyện được các phẩm chất tốt, hình thành và phát triển năng lực.

Hiện nay, những thư viện nhà trường, tủ sách lớp học đã góp phần định hướng văn hóa đọc cho học sinh trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Hiện nay toàn tỉnh đang có hàng trăm thư viện trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó riêng ở bậc tiểu học, theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 300 thư viện đạt chuẩn. Nhiều trường còn huy động được nguồn kinh phí từ địa phương và xã hội xây dựng thư viện khang trang với hàng nghìn đầu sách, báo, tạp chí và các tài liệu nâng cao phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên giỏi, học sinh giỏi, có giá trị thiết thực cho giáo viên và học sinh trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Một số trường còn có thư viện điện tử nối mạng giữa các tổ, phòng chuyên môn thường xuyên cập nhật thông tin, trở thành địa chỉ cần thiết và thân thuộc của giáo viên và học sinh. Bên cạnh những tác phẩm văn chương, sách khoa học thì việc tiếp cận với những hình ảnh minh họa về cuộc sống như truyện tranh, truyện thiếu nhi, truyện cổ tích… khơi dậy cho các em niềm đam mê sáng tạo, rèn luyện tư duy độc lập và tạo được thói quen tự học. Để định hướng văn hóa đọc cho học sinh, giúp các em có niềm say mê với việc đọc sách, một số trường tiểu học trong tỉnh đã triển khai mô hình thư viện vườn trường, thư viện “di động”. Với ý tưởng tạo cho các em một môi trường đọc thân thiện, những thư viện này thường được đặt tại sân trường, dưới những bóng cây xanh hay tại mỗi lớp học nhằm tạo cho các em dễ dàng lựa chọn sách và có thể đọc sách trong mọi thời gian rảnh rỗi. Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, nhiều trường đã tổ chức các cuộc thi kể chuyện, thi đọc và làm theo sách, tặng sách cho học sinh giỏi… và có những hình thức huy động sách khác nhau như kêu gọi các phụ huynh hoặc các tổ chức cá nhân tài trợ sách, xây dựng phong trào kế hoạch nhỏ lấy tiền bán giấy vụn hằng năm để mua sách hay vận động học sinh, phụ huynh ủng hộ những cuốn sách cũ… Việc tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho học sinh là yếu tố quan trọng trong việc định hướng các em tới thư viện. Để những cuốn sách đến gần với các em hơn, từ năm học 2015-2016, hưởng ứng phong trào xây dựng “tủ sách lớp học” tỉnh đã huy động được các Cty, các doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ xây dựng 12.662 tủ sách lớp học cho các cấp học trị giá khoảng 26 tỷ đồng. Đến nay, sau 1 năm triển khai, chương trình đã xây dựng được 6.356 tủ sách lớp học trên địa bàn toàn tỉnh với 131.969 đầu sách, 514.186 bản sách, tổng giá trị xấp xỉ 10 tỷ 366 triệu đồng.

Đọc sách không chỉ trau dồi kiến thức khoa học, xã hội cho học sinh mà còn rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực xây dựng thư viện đạt chuẩn, bổ sung nguồn sách, thời gian tới các nhà trường cần chú trọng xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, khơi gợi cho các em sở thích đọc sách để khi các em say mê đọc, chủ động tìm đến sách để phát huy hiệu quả thiết thực của thư viện trường học./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com