Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo

09:11, 20/11/2017

Thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Bộ GD và ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động, Sở GD và ĐT cùng với Công đoàn Giáo dục tỉnh đã triển khai gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó đã góp phần nâng cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo và đã xuất hiện thêm nhiều tấm gương nhà giáo tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi được học sinh tin yêu, kính trọng.

Cô giáo Phạm Thị Thủy, Trung tâm GDTX Trần Phú (TP Nam Định), giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong một giờ lên lớp. Bài và ảnh: Hồng Minh
Cô giáo Phạm Thị Thủy, Trung tâm GDTX Trần Phú (TP Nam Định), giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong một giờ lên lớp.

Sở GD và ĐT, Công đoàn Giáo dục tỉnh đã triển khai lồng ghép cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với cuộc vận động “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý”, các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Đặc biệt, thực hiện cuộc vận động “dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”, nhiều đơn vị đã xây dựng quy định chuẩn mực về phong cách nhà giáo. Điển hình là ngành GD và ĐT Thành phố Nam Định xây dựng tiêu chuẩn “Nhà giáo Ưu tú Thành Nam”, ngành GD và ĐT Nam Trực xây dựng 5 quy định phong cách nhà giáo: Phong cách sống - tình thương, danh dự; phong cách làm việc - kỷ cương - sáng tạo; phong cách học tập - tự học thường xuyên; phong cách gia đình - hòa thuận, hiếu đễ; phong cách ứng xử - tôn trọng, biết điều. Ngành GD và ĐT Giao Thủy phát động giáo viên thực hiện khẩu hiệu: “Sống yêu thương đức độ, nói văn minh lịch sự, làm kỷ cương trách nhiệm, học chăm chỉ siêng năng”, ngành GD và ĐT Xuân Trường với khẩu hiệu “Tâm huyết - trí tuệ - hiệu quả - nghĩa tình”… Do có sự gắn kết với các cuộc vận động, các phong trào thi đua, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, đội ngũ nhà giáo toàn tỉnh đã có chuyển biến rõ trong nhận thức và hành động, thấy rõ được trách nhiệm trong công việc hằng ngày, không chỉ ở trên lớp mà còn ở gia đình và xã hội. Sự cảm thông, sẻ chia trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt đã góp phần làm tăng tình đoàn kết, thân ái trong đội ngũ giáo viên. Không chỉ giúp nhau trong công tác chuyên môn, ở nhiều trường, nhiều địa phương, công đoàn giáo dục đã tổ chức vận động đội ngũ giáo viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống như lúc ốm đau nhận dạy thay, giúp nhau làm kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Quan hệ thầy và trò đã được thể hiện sự tôn trọng, bao dung. Các thầy, cô giáo ở các cấp học, nhất là cấp học mầm non, tiểu học có nuôi ăn bán trú, có học sinh ở tập thể đều dành cho học sinh tình cảm như trong gia đình. Lòng nhân ái còn thể hiện trong quá trình kiên trì giáo dục, chăm sóc học sinh cá biệt. Nhiều học sinh hư từ sự cảm hóa của thầy, cô đã trở thành những học sinh ngoan, có ý chí vươn lên trong học tập. Trong 5 năm qua, toàn ngành đã quyên góp được gần 9,3 tỷ đồng; đã chuyển hỗ trợ các tỉnh bạn trên 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ trong ngành GD và ĐT xây mới 3 nhà và sửa chữa 13 nhà công vụ giáo viên, xây tặng 15 Nhà Tình nghĩa giáo viên, tu sửa 6 nhà giáo viên, thăm tặng quà cho 3.273 nhà giáo và 409 học sinh… Bên cạnh đó, nhiều nhà giáo phấn đấu vào Đảng với động cơ để rèn luyện, trưởng thành. Mỗi năm, toàn ngành đã bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp gần 300 đảng viên mới, nâng tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành gần 50%. Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã thực sự chuyển biến trong tinh thần tự học của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động. Các đơn vị trong ngành đã có nhiều giải pháp, vận động, động viên cán bộ, nhà giáo và người lao động khắc phục khó khăn, tích cực tự học, tự bồi dưỡng và đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, lý luận chính trị, khoa học quản lý. Bên cạnh việc các đơn vị quan tâm và tạo điều kiện về thời gian nhiều nhà giáo đã tự lo kinh phí, tham gia học tập để trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục. Từ năm 2012 đến năm 2017, Sở GD và ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh ra quyết định cử 162 nhà giáo đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn sau đại học. Đến nay có 676 nhà giáo đã học xong và đang học đào tạo trình độ chuyên môn sau đại học, trong đó có 12 tiến sĩ, 644 thạc sĩ. Tỷ lệ nhà giáo có trình độ trên chuẩn ở bậc mầm non đạt 59,1%, bậc tiểu học đạt 88,6%, bậc THCS đạt 55%, bậc THPT và GDTX đạt 18,4%. Từ năm học 2016-2017, thực hiện chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cấp học triển khai đồng bộ các giải pháp: Đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; Đổi mới phương pháp dạy và học; Đổi mới không gian lớp học; Đổi mới mô hình, phương pháp, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá... nhằm tạo chuyển biến tích cực về chất lượng dạy, học trong các cơ sở giáo dục. Tổ chức các cuộc thi cho giáo viên và học sinh tham gia nhằm phát huy năng lực, sở trường, giao lưu học tập, đúc rút kinh nghiệm. Trong 5 năm qua, Sở GD và ĐT đã tổ chức 5 cuộc thi Giáo viên giỏi ở các cấp học với 4 nội dung: Thi sáng kiến kinh nghiệm, thi giảng, thi năng lực và thi thuyết trình và xử lý tình huống. Có 522 nhà giáo tham dự, trong đó có 437 nhà giáo đạt danh hiệu Giáo viên giỏi, đạt tỷ lệ 84%. Trong các cuộc thi: Vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn; Dạy học theo chủ đề tích hợp; Dạy học trên nền tảng công nghệ thông tin… do Bộ GD và ĐT tổ chức, các nhà giáo của tỉnh đều đạt giải cao. Phong trào tự làm đồ dùng dạy học được quan tâm chỉ đạo và trở thành một hoạt động sư phạm thường xuyên. Sở GD và ĐT tổ chức hội thi, triển lãm đồ dùng cấp mầm non, thi Sáng tạo kỹ thuật cấp THPT, nhiều ý tưởng, đồ dùng dạy học có giá trị thiết thực trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm đã phát triển đều khắp ở các cấp học, được đề cập ở các môn học, các hoạt động giáo dục. Trong 5 năm qua, toàn ngành đã có 2.336 sáng kiến kinh nghiệm dự thi cấp tỉnh, trong đó có 46 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải xuất sắc, 356 sáng kiến kinh nghiệm đạt loại tốt, 1.266 sáng kiến kinh nghiệm đạt loại khá và 668 sáng kiến kinh nghiệm đạt loại khuyến khích... Phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” đã tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” trong ngành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế từ năm học 2012-2013 đến năm học 2016-2017 tỉnh ta luôn đứng trong tốp đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng, trong đó có 376/443 em dự thi đạt giải, gồm 19 giải Nhất, 122 giải Nhì, 134 giải Ba và 105 giải Khuyến khích; 2 Huy chương Vàng môn Vật Lý và Tiếng Nga, 1 Huy chương Bạc môn Hóa và 2 Huy chương Đồng môn Vật lý và môn Toán tại các kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế. Kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia và số học sinh đỗ vào các trường đại học và cao đẳng nhiều năm qua luôn dẫn đầu toàn quốc.

 Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, năm học 2017-2018, ngành GD và ĐT đã đưa nội dung cuộc vận động vào chiều sâu với những nội dung cụ thể, thiết thực hơn nhằm nâng cao hơn nữa việc rèn luyện, giữ gìn trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, góp phần đưa GD và ĐT tỉnh nhà ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com