Góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

06:04, 28/04/2017

Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều huyện trong tỉnh đã xây dựng Đền Liệt sĩ để tỏ lòng thành kính đối với các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Các công trình Đền Liệt sĩ sau khi được hoàn thành xây dựng đã bước đầu phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Một buổi giáo dục truyền thống tại Đền Liệt sĩ huyện cho học sinh Trường THCS Giao Thủy.
Một buổi giáo dục truyền thống tại Đền Liệt sĩ huyện
cho học sinh Trường THCS Giao Thủy.

Toàn tỉnh hiện có 7 Đền Liệt sĩ ở các huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Ý Yên. Đền Liệt sĩ huyện Giao Thủy xây dựng năm 2009. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4, các trường học trên địa bàn huyện đều tổ chức cho học sinh tham quan kết hợp giáo dục truyền thống tại Đền Liệt sĩ. Dẫn đoàn học sinh lớp 6C, Trường THCS Giao Thủy vào tham quan Đền Liệt sĩ huyện, cô giáo Vũ Thị Thêm say sưa giảng cho các em về truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Giao Thủy có trên 24 nghìn người lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu; trong đó có 2.826 liệt sĩ, 235 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2.000 thương, bệnh binh. Em Đặng Phan Nhật Hoàng, học sinh lớp 6C cho biết: Được tham quan, dâng hương và tìm hiểu Đền Liệt sĩ của huyện, chúng em đã được bổ sung nhiều kiến thức lịch sử địa phương cũng như biết trân trọng sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ cho quê hương, đất nước. Sau buổi học ngoại khóa, các em đã sáng tạo những tác phẩm tranh, truyện ngắn, viết cảm tưởng về những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Bùi Hữu Nghị, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB và XH huyện Giao Thủy cho biết: Để đáp ứng tốt nhu cầu học tập, tham quan của học sinh các trường học, cán bộ, CNVC và nhân dân trong huyện, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã phối hợp cùng Trường THCS Thị trấn Ngô Đồng là đơn vị nhận chăm sóc Đền Liệt sĩ thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh môi trường quanh khu vực Đền. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), từ tối 25 đến 26-7, BCH Huyện Đoàn phối hợp với Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền Liệt sĩ huyện và Nghĩa trang Liệt sĩ 22 xã, thị trấn. Tham gia lễ thắp nến tri ân có đủ các tầng lớp nhân dân; qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và khuyến khích các hoạt động chăm lo gia đình chính sách.

Đền Liệt sĩ Nghĩa Hưng được xây dựng với kinh phí gần 4 tỷ đồng, trong đó hơn 2,3 tỷ đồng từ xã hội hóa. Bên cạnh đền là Đài Liệt sĩ. Ngôi đền và Đài Liệt sĩ huyện được bao bọc bởi một khuôn viên rộng với hàng trăm cây cảnh quý do nhân dân và các cơ quan tiến cúng. Tòa chính diện là nơi đặt tượng Bác Hồ đúc bằng đồng với cờ Đảng, cờ Tổ quốc, hai bên là hai câu đối: “Hiếu trung nhân nghĩa sơn hà tại/ Độc lập tự do nhật nguyệt trường”. Chính giữa của ngôi đền là bức hoành phi sơn son thiếp vàng, nổi lên 4 chữ “Tổ quốc ghi công”, xung quanh được viền bởi các hoa văn truyền thống, chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên tả hữu của tòa chính điện đặt 26 tấm bia đá ghi tên các liệt sĩ của từng xã, thị trấn và một bia ghi danh các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT… Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Nghĩa Hưng có 3.200 liệt sĩ, 1.159 thương binh và 1.085 bệnh binh. Để phát huy giá trị Đền Liệt sĩ, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã tạo điều kiện để người trông coi đền học các lớp bồi dưỡng về kỹ năng thuyết trình, hướng dẫn khách đến tham quan, thắp hương… Phòng GD và ĐT huyện khuyến khích các trường học đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống trong khuôn viên Đền Liệt sĩ. Hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), các trường học trên địa bàn huyện đều tổ chức các hoạt động dâng hương, giao lưu trò chuyện cùng các CCB, thân nhân gia đình liệt sĩ ngay tại Đền Liệt sĩ.

Đền Liệt sĩ Xuân Trường có kiến trúc uy nghi kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc truyền thống và hiện đại. Trước đền là vườn thông xanh ngắt. Cổng đền kiến trúc theo kiểu chồng diêm, tám mái cong, đầu đao cong vút. Trên trụ tiền khắc câu đối: “Hương khói ngàn năm Đền Liệt sĩ/Núi sông muôn dặm bóng anh hùng”. Qua cổng đền bước lên 18 bậc có câu đối: “Giãi với non sông bầu nhiệt huyết/Soi cùng nhật nguyệt tấm trung can”. Tòa chính Đền Liệt sĩ đặt tượng Bác Hồ bằng đồng cao 1,7m, nặng 1.400kg, ngự trên đài sen. Gian thờ có câu đối: “Nhân nghĩa hiếu trung tròn một dạ/Tự do độc lập đến muôn đời”. Hai bên tả hữu tòa chính dựng 22 tấm bia đá ghi danh các liệt sĩ của các xã, thị trấn trong huyện, 1 tấm bia ghi danh các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng LLVTND. Tòa chính nổi bật đôi câu đối như một lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay: “Hết dạ vì dân, tuổi chẳng thọ nhưng danh ấy thọ/Hiến thân cho nước, sống đã vinh mà thác cũng vinh”. Năm 2015, huyện Xuân Trường xây dựng Tháp trong khuôn viên Đền Liệt sĩ với kinh phí 6 tỷ đồng, tạo tổng thể hài hòa cho khu đền. Đền Liệt sĩ huyện Xuân Trường là nơi tổ chức nhiều hoạt động chính trị xã hội như: lễ báo công, lễ phát động thi đua, lễ kết nạp Đảng, sinh hoạt truyền thống… Trường THPT Xuân Trường B là một trong những trường học tiêu biểu trên địa bàn huyện trong tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống địa phương. Vào những ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, trường đều tổ chức dâng hương, vinh danh những học sinh có thành tích học tập xuất sắc tại Đền Liệt sĩ huyện. Việc quan tâm khai thác, phát huy giá trị Đền Liệt sĩ huyện đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa cách mạng của quê hương.

Đền Liệt sĩ huyện Nam Trực tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 3ha. Công trình xây dựng theo kiểu chữ “Đinh” khuôn viên khép kín trong 4 mặt tường bao với 80 cột trên đỉnh có búp sen hồng. Qua khu sân rộng là hai hàng tùng. Theo bậc đá bước lên, đôi rồng phủ phục uy nghiêm theo phong cách thời Nguyễn. Đền chính, trên cao là bức tượng đồng Bác Hồ tọa trên đài sen, tượng cao 1m70, nặng 2 tấn…, bên tả, hữu 2 gian tiền đường là 22 tấm bia bằng đá xẻ màu đen. Trán bia chạm rồng chầu mặt trời, diềm bia khắc hoa văn "cầm, kỳ, thi, họa" với nét chạm tinh xảo, uyển chuyển. Lòng bia khắc tên các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hơn 3.300 liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Những năm gần đây, Ban quản lý Đền Liệt sĩ đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều đợt cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu truyền thống, cách mạng của quê hương. Vào dịp 30-4 hằng năm, Trung tâm Chính trị huyện đều tổ chức cho lớp đảng viên mới tham quan, tìm hiểu về truyền thống của quê hương tại Đền Liệt sĩ. Trước ngày giao quân, các địa phương đều thăm hỏi, tặng quà động viên, đồng thời tổ chức cho thanh niên chuẩn bị nhập ngũ viếng Đền Liệt sĩ, kể chuyện truyền thống.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những chiến công oanh liệt, những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước sẽ không bao giờ phai nhạt trong trái tim các thế hệ hôm nay và mai sau. Đến viếng những ngôi Đền Liệt sĩ giúp mỗi người ghi nhớ những chiến công vang dội của thế hệ đi trước, tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, tạo động lực hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com