Tăng cường làm tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

08:04, 18/04/2017
Phân luồng học sinh sau THCS được xác định là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc học THPT và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. 
Học sinh Trung tâm GDTX Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) trong một buổi học nghề.
Học sinh Trung tâm GDTX Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) trong một buổi học nghề.
Hiện nay, việc phân luồng học sinh sau THCS chủ yếu theo các hướng: Học tiếp lên THPT, học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề, học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) hệ vừa học vừa làm và trực tiếp đi làm kiếm sống. Trước đây nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng nếu sau khi tốt nghiệp THCS, các em không trúng tuyển vào THPT thì trường nghề, học hệ GDTX có thể giúp con em họ vững bước vào đời? Tâm lý phụ huynh, hầu hết đều muốn con em mình học THPT rồi học đại học, cao đẳng. Nhiều người cho rằng ở độ tuổi 14, 15 khi vừa tốt nghiệp THCS, các em vẫn còn quá nhỏ để theo hướng học nghề và làm việc. Không chỉ phụ huynh mà nhiều học sinh cũng có tâm lý này, kể cả những em học lực yếu, trung bình... Bên cạnh đó, học sinh, phụ huynh cũng chưa tha thiết với phân luồng sau THCS bởi thực tế các trường nghề, dạy nghề, trung tâm dạy nghề, trường trung cấp… chương trình đào tạo chưa phù hợp, chưa thực tế. Nhiều em học nghề ra khó tìm việc hoặc chưa làm được việc từ nghề đã học… Sau thời gian triển khai công tác phân luồng học sinh với nhiều giải pháp, đặc biệt là cả quá trình đầu tư dài hơi về nhân lực, vật lực và quan trọng nhất là thay đổi suy nghĩ, đến nay phụ huynh, học sinh đã có phần yên tâm vì con đường sau THCS rất “thênh thang”. Hiện tại, các trung tâm GDTX, các trung tâm dạy nghề đã có ở khắp các huyện, thành phố; từ đó mở rộng con đường học tập sau THCS cho đối tượng học sinh có học lực yếu kém, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn… Hằng năm, tỉnh chỉ tuyển khoảng 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, GDTX, số còn lại sẽ học nghề hoặc vừa học văn hóa vừa học nghề… Ngành GD và ĐT đã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS tại các trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề. Sở GD và ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh thông qua hoạt động dạy nghề hướng nghiệp và qua tiết dạy hướng nghiệp theo chương trình quy định của Bộ GD và ĐT; tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp và phối hợp với trường nghề tuyên truyền, giới thiệu tuyển sinh cho học sinh THCS và THPT vào cuối năm học. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp và các môn học liên quan ở bậc THCS, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn; phát triển đầy đủ và tăng cường đầu tư cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và GDTX; chuyển mạnh mục tiêu từ phát triển theo số lượng sang đầu tư vào chất lượng đào tạo ở các trường THPT công lập và ngoài công lập... Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh qua hoạt động dạy nghề hướng nghiệp và qua tiết dạy hướng nghiệp theo chương trình quy định; hằng năm đã có 100% học sinh lớp 8 được học nghề hướng nghiệp. Các nhà trường, trung tâm GDTX trong tỉnh cũng tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp, nhiều trường còn phối hợp với trường nghề tuyên truyền, giới thiệu tuyển sinh cho học sinh, phụ huynh THCS vào cuối năm học... nhằm trang bị cho học sinh, phụ huynh kiến thức về lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn trường học cho phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp; phối hợp, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong tổ chức thực hành, thực tập nghề nghiệp, bảo đảm đào tạo sát thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tạo đầu ra ổn định, tin cậy cho người học, giúp mọi học sinh đều có thể lựa chọn cho mình một ngành học, một nghề nghiệp đúng với năng lực, sở trường và điều kiện của bản thân. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường làm tốt công tác phân luồng học sinh, trước hết là nâng cao chất lượng GD và ĐT và giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Với việc áp dụng thi tuyển sinh vào lớp 10 ở tất cả các trường THPT, những học sinh không đủ khả năng đỗ vào các trường THPT sẽ vào hệ GDTX, học nghề. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh huy động được 5.147 học sinh trong đó có 3.732 em học tại các trung tâm GDTX và 1.415 em học nghề - văn hóa. Riêng đối với lớp 10 năm học 2016-2017 toàn tỉnh huy động được 2.239 học viên trong đó có 1.535 học viên học tại các trung tâm GDTX và 778 học sinh học nghề - văn hóa. 
 
Mặc dù có chuyển biến tích cực trong công tác phân luồng nhưng tỷ lệ học sinh học lên trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề còn quá nhỏ. Năm học vừa qua, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt gần 100% nhưng chỉ có rất ít học sinh sau THCS được phân luồng vào học các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Trong số 20% học sinh được phân luồng này chỉ có khoảng 4% theo học nghề. Để công tác phân luồng thực sự đạt hiệu quả cần sự quan tâm, đồng thuận của xã hội, đặc biệt là từ phía học sinh và phụ huynh. Sở GD và ĐT, Sở LĐ-TB và XH cũng cần quan tâm, đầu tư hơn cho các trường trung cấp chuyên nghiệp và các trường nghề để học sinh được học nghề và làm nghề có hiệu quả./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com