Đổi mới hoạt động giáo dục bậc tiểu học ở Trực Ninh

08:04, 11/04/2017
Huyện Trực Ninh hiện có 28 trường tiểu học với gần 14 nghìn học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học những năm qua, Phòng GD và ĐT huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững kỷ cương nền nếp trường học, thực hiện đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, cách đánh giá, phân loại học sinh đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp... 
Thầy và trò Trường Tiểu học Trực Chính trong một giờ học.
Thầy và trò Trường Tiểu học Trực Chính trong một giờ học.
Trong các năm học, Phòng GD và ĐT huyện đã chỉ đạo các trường tiểu học tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, đổi mới không gian lớp học, đưa các tiết dạy ra ngoài lớp học, đồng thời tăng cường việc làm và sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học tự làm, tích cực tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn và sinh hoạt chuyên môn… Qua đó định hướng cho cán bộ quản lý và giáo viên trong việc dạy và học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học. Kỷ cương nề nếp, chất lượng dạy học và các hoạt động của bậc học ngày càng được nâng cao. Mô hình dạy học được đổi mới theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Phòng GD và ĐT huyện đã triển khai thực hiện đạt hiệu quả bước đầu mô hình trường học mới (VNEN) tại tất cả các trường tiểu học. Thực hiện mô hình này, các nhà trường đã tập trung đổi mới phương pháp sư phạm, bồi dưỡng giáo viên, giữ nguyên nội dung sách giáo khoa, chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình hiện hành, đồng thời tập trung chuyển đổi hình thức giảng dạy truyền thụ từ phía giáo viên sang học sinh theo hình thức tự học là chính. Mô hình mới này cũng đề cập tới việc phát huy vai trò giáo dục của gia đình, cộng đồng trong việc dạy dỗ con em mình. Bên cạnh đó, các nhà trường đã tích cực đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học. Năm học vừa qua, 100% học sinh khối tiểu học đã đạt yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD và ĐT quy định. Chất lượng các môn Toán, Tiếng Việt được nâng cao. Ngành học đã có 99,9% học sinh đạt mức độ hoàn thành và phát triển phẩm chất học sinh. Mức độ hoàn thành và phát triển năng lực đạt 99,6%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,16%. Tại cuộc thi Ô-lim-pích tiếng Anh trên internet cấp tỉnh, huyện có 20 học sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 5 giải ba và 14 giải khuyến khích; hội thi cấp toàn quốc đã có 1 em đoạt Huy chương Đồng. Tham dự hội thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh, huyện có 4 học sinh đoạt giải khuyến khích. Tham dự Liên hoan phát triển năng lực học sinh cấp tiểu học cấp tỉnh, học sinh của huyện tham gia đã có 5/5 nội dung đạt giải, trong đó có 1 giải xuất sắc, 1 giải nhất và 3 giải nhì... Để đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, Phòng GD và ĐT huyện đã triển khai việc dạy và học thông qua việc tăng cường tổ chức quản lý. Đối với việc đổi mới công tác quản lý, Phòng GD và ĐT huyện đã thực hiện hiệu quả chủ trương phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ cho cơ sở, xã hội hóa giáo dục, thực hiện “ba công khai”, kiểm định chất lượng trường tiểu học và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất. Sử dụng thiết bị dạy học có hiệu quả, thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường kiểm tra đánh giá và tổ chức khảo sát chất lượng học tập của học sinh. Tổ chức và tham gia các kỳ thi từ cấp trường đến cấp tỉnh như: hội thi ATGT, hát dân ca và các trò chơi dân gian, thi giao lưu học sinh giỏi… Vào đầu năm học, ngành học phát động đến tất cả các nhà trường đẩy mạnh việc tự bồi dưỡng và bồi dưỡng kiến thức tại chỗ, coi mỗi trường học là một đơn vị bồi dưỡng giáo viên; nhân rộng mô hình soạn và dạy học bằng giáo án điện tử và tích cực tham gia làm thiết bị giáo dục. Ngoài việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên tại trường, định kỳ ở cụm trường, huyện tổ chức các thầy cô giáo đi tham quan, học tập lẫn nhau ở những đơn vị đạt nhiều thành tích xuất sắc trong các mặt công tác; định kỳ tổ chức hội giảng giáo viên giỏi toàn huyện nhằm khơi dậy ý thức nghề nghiệp, lao động sáng tạo, tạo không khí chuyên môn sôi nổi. Qua các đợt hội giảng các cấp, hầu hết giáo viên đã nắm vững nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy và tích cực sử dụng đồ dùng dạy học tự làm và thiết bị dạy học, tạo ra giờ học nhẹ nhàng, hấp dẫn học sinh. Nhiều năm, đội ngũ giáo viên của huyện tham gia hội giảng cấp tỉnh đều đoạt giải cao, trong đó tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi năm học 2016-2017 vừa qua huyện đoạt giải nhì. Việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng được các nhà trường thực hiện đổi mới với các hoạt động theo chủ đề, chủ điểm, giao lưu…; qua đó giáo dục truyền thống dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước cho học sinh và tạo cơ hội cho các em tham gia tích cực, tự giác vào các hoạt động xã hội. Các trường đã tổ chức tốt các hoạt động tập thể dục, văn nghệ, múa hát tập thể và các trò chơi dân gian giữa giờ. Tăng cường chăm sóc sức khỏe, vệ sinh răng miệng. Tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc các di tích lịch sử, gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Nhiều trường đã tích cực hưởng ứng cuộc thi Giao thông thông minh trên internet do Uỷ ban ATGT quốc gia tổ chức, cuộc thi vẽ ý tưởng tuổi thơ, chiếc ô tô mơ ước do Bộ GD và ĐT tổ chức. 
 
Những kết quả bước đầu trong việc đổi mới các hoạt động giáo dục bậc tiểu học của huyện Trực Ninh đã góp phần tạo nền móng tốt cho các bậc học tiếp theo của huyện phát triển./. 
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com