Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản chất lượng

07:07, 08/07/2019

Một trong những mục tiêu cơ bản của chương trình xây dựng nông thôn mới là chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho người dân và xây dựng được những mô hình sản xuất hiện đại gắn với tiêu thụ sản phẩm. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức vận động, khuyến khích người dân khu vực nông thôn thực hiện nhiều giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Đến nay, nhiều loại nông sản của tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, tham gia vào các kênh tiêu thụ hiện đại và đáp ứng tốt những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Sản xuất hoa quy mô hàng hóa tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường).
Sản xuất hoa quy mô hàng hóa tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường).

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất trên 930 nghìn tấn lúa, 450 nghìn tấn rau, củ các loại; 140 nghìn tấn thịt lợn hơi, 4.000 tấn thịt trâu, bò; 16 nghìn tấn thịt gia cầm, trên 110 nghìn tấn thủy, hải sản. Toàn tỉnh hiện có hơn 300 cơ sở chế biến thủy, hải sản và hàng nghìn cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm với những sản phẩm đặc trưng như nước mắm và các sản phẩm dạng mắm của các làng nghề nước mắm Ngọc Lâm, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng); Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy), Thị trấn Cồn (Hải Hậu); sứa, cá khô ở Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), Giao Hải (Giao Thủy) và Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu)… Tuy nhiên, khi đưa vào thị trường hiện đại những nông sản này chưa đảm bảo các tiêu chí “mềm” như độ đồng đều của sản phẩm không cao, không có khả năng cung ứng số lượng lớn, bao bì chưa hấp dẫn và chưa đảm bảo điều kiện truy xuất nguồn gốc… đã làm hạn chế tính cạnh tranh của sản phẩm nên chủ yếu xuất bán ở dạng sản phẩm thô, giá trị kinh tế không cao. Mặt khác, không có nhiều doanh nghiệp xây dựng kênh thu mua hàng hóa ổn định cho nông dân, các cơ sở chế biến nông sản; việc liên kết với các doanh nghiệp phân phối, các siêu thị trong và ngoài tỉnh còn hạn chế khiến việc mở rộng thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Xác định những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ gồm nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các chỉ tiêu chất lượng, kỹ thuật và đẩy mạnh xúc tiến thương mại để hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ nông sản địa phương. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản với yêu cầu sản phẩm đạt chất lượng cao, được kiểm soát từ khâu nguyên liệu, trồng cấy, thu hái đến bảo quản, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh đã xây dựng 151 cánh đồng lớn với diện tích hơn 6.500ha để sản xuất nông sản hàng hóa tập trung và hình thành 25 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các nông sản, thực phẩm hàng hóa. Một số chuỗi điển hình như: liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân (Trực Ninh); liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy hải sản Hùng Vương (Giao Thủy); liên kết sản xuất, chế biến ngao sạch xuất khẩu của Công ty Thủy sản Lenger; sản xuất, chế biến nông sản sấy khô của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Dương (Thành phố Nam Định)... Những chuỗi liên kết khép kín quy trình sản xuất nông sản này đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, là “cú hích” quan trọng đưa thêm đối tượng nông sản của tỉnh tham gia vào thị trường xuất khẩu như cá bống bớp của Hiệp hội cá bống bớp Nghĩa Hưng xuất khẩu sang Trung Quốc, sản phẩm thịt lợn sữa, lợn mảnh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Danh (Thành phố Nam Định) và Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông được xuất khẩu sang một số thị trường triển vọng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Đặc biệt thời gian gần đây, các sản phẩm ngao sạch của Công ty Cổ phần Thủy sản Lenger Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu; muối biển nhạt Royal của Công ty Cổ phần Muối Nam Định đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; sản phẩm khoai lang, khoai tây, ngô sấy và khoai sọ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Dương được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc… mở ra hướng phát triển mới cho hàng nông sản địa phương. Cùng với việc đầu tư cho các chuỗi liên kết, các ngành chức năng còn tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất, làng nghề chế biến nông sản xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng sản phẩm. Hiện tại đã có 150 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm thực hiện công bố, tự công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 250 sản phẩm; 27 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: HACCP, GMP, SSOP, VietGAP, ISO; 35 doanh nghiệp đã sử dụng tem điện tử thông minh (mã QR code) đối với trên 130 dòng sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối sản xuất tại tỉnh để quản lý sản xuất, quản lý bán hàng, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả... Hoạt động quảng bá, kết nối thương mại tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh thông qua các hội chợ, hội thảo trong và ngoài tỉnh. Trong đó đã hỗ trợ trên 30 doanh nghiệp với 50 sản phẩm tham gia 6 hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp tại các tỉnh: Lào Cai, Hải Dương, Thành phố Hà Nội, Chương trình kết nối giao thương với hệ thống siêu thị Thanh Bình Jeune (Pháp), Hội chợ OCOP tại Thành phố Hồ Chí Minh... Tổ chức thành công 6 gian hàng tham gia “Hội chợ triển lãm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam” tại Quảng Ninh; lựa chọn, tư vấn, hướng dẫn 5 doanh nghiệp đăng ký tham gia “Giải thưởng chất lượng Quốc gia năm 2019”, “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”... Với việc tổ chức thành công Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh đã tạo thêm điểm giao thương, xúc tiến tiêu thụ nông sản sạch của tỉnh, là nơi tin cậy cho người tiêu dùng trong tỉnh mua được các sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường nông sản đã góp phần khơi thông đầu ra sản phẩm của tỉnh. Hiện tại trên địa bàn Thành phố Nam Định ngoài Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh còn có khoảng 20 cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch. Từ nay đến cuối năm 2019, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho các huyện phát triển tối thiểu 1 điểm bán sản phẩm nông nghiệp an toàn sản xuất theo liên kết chuỗi và sản phẩm OCOP, tạo kênh chính thống để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh có thể lựa chọn sản phẩm nông nghiệp an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ... Chương trình này còn góp phần hình thành lực lượng lao động nông nghiệp mới có tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị. Các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ phát triển nhanh các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh theo ngành hàng, nhằm tạo ra những mặt hàng có chất lượng cao, số lượng lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời tăng cường công tác thu thập, tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin trong và ngoài nước liên quan đến thương mại nông nghiệp, giúp người sản xuất, doanh nghiệp địa phương lựa chọn chính xác sản phẩm tiêu biểu để đầu tư phát triển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com