Tập trung biện pháp ngăn chặn sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất

07:07, 03/07/2019

Hiện nay, tình trạng đưa tạp chất vào tôm thương phẩm và chế biến, kinh doanh tôm có tạp chất vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Ðiều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng mà còn gây hại cho uy tín thương hiệu tôm Việt Nam trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Những năm gần đây, nghề nuôi tôm của tỉnh ta phát triển khá mạnh nên số hộ nuôi tôm và các cơ sở, đại lý kinh doanh tôm cũng gia tăng, nhất là ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Theo đồng chí Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng của tỉnh không phát hiện trường hợp nào vi phạm nhưng tình trạng tôm bị bơm tạp chất tiêu thụ tại địa bàn tỉnh ta không phải không có. Qua theo dõi nhiều năm, chúng tôi nhận thấy việc đưa tạp chất vào tôm thường diễn ra vào những tháng cuối năm là thời điểm đã qua vụ nuôi tôm chính nên lượng tôm thiếu hụt, trong khi nhu cầu tiêu thụ tôm thương phẩm lại tăng lên. Do đó, những cơ sở, đại lý kinh doanh tôm thường nhập tôm đông lạnh về và thực hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm. Việc đưa tạp chất vào tôm chủ yếu được thực hiện trên tôm sú thương phẩm và tôm đông lạnh. Thời điểm thực hiện thường làm vào ban đêm và liên tục thay đổi địa điểm nên gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý. Chất được dùng để đưa vào tôm thường là nước hay tinh bột agar hoặc có thể là hỗn hợp của các chất trên đưa vào tôm nhằm tăng trọng lượng khiến giá trị tôm thương phẩm tăng lên. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tỷ lệ tạp chất đưa vào tôm tối đa có thể lên tới 10-20% trọng lượng con tôm. Việc bơm tạp chất vào tôm không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà quá trình đưa tạp chất vào tôm được thực hiện bằng nhiều dụng cụ, phương tiện mất vệ sinh khiến chất lượng thịt tôm không đảm bảo; đồng thời là môi trường thuận lợi để các loại mầm bệnh, vi khuẩn nguy hiểm phát triển, ảnh hưởng và gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Về lâu dài còn làm thiệt hại nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành nuôi tôm. Tuy nhiên, do dễ làm, lợi nhuận lớn nên nhiều người kinh doanh vẫn bất chấp, lén lút đưa tạp chất vào tôm.

Mua bán hải sản tại Bến cá xã Giao Hải (Giao Thủy).
Mua bán hải sản tại Bến cá xã Giao Hải (Giao Thủy).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 13-7-2017 của UBND tỉnh, đảm bảo trong năm 2019 tất cả các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh tôm trên địa bàn tỉnh được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết không sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất và không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ. Tổ chức các đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở nuôi tôm, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh tôm thực hiện nghiêm những quy định của Nhà nước về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ kiểm tra, phương pháp phát hiện tạp chất trong tôm cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong ngành và lực lượng của các cơ quan, đơn vị cùng phối hợp. Chủ trì xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh tôm an toàn theo chuỗi liên kết giá trị; khuyến khích các cơ sở ứng dụng công nghệ tem điện tử QR Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chống đưa tạp chất vào tôm và các sản phẩm từ tôm. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên, định kỳ tổ chức các đợt thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về hành vi đưa tạp chất vào tôm và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất; phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, trinh sát phát hiện các hành vi bơm, chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và kinh doanh tôm có tạp chất. Ðiều tra triệt phá, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, lưu thông, sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng thủy sản. Sở Công thương kiểm soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị; tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh thủy sản tuân thủ quy định của pháp luật về kiểm soát tạp chất trong sản phẩm tôm, ký cam kết không thu mua, chế biến, kinh doanh tôm có tạp chất. Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, lưu thông và phân phối sản phẩm tôm có tạp chất. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Ðịnh, Ðài Phát thanh và Truyền hình Nam Ðịnh tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất; biện pháp nhận biết tôm có tạp chất; hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn sử dụng sản phẩm tôm không chứa tạp chất. Trong Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm từ 14-4 đến 15-5, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã phát 3.000 tờ rơi có nội dung tuyên truyền về chống đưa tạp chất vào tôm và hướng dẫn về cách phát hiện tôm có tạp chất để người tiêu dùng hiểu và tẩy chay đối với sản phẩm tôm có tạp chất. UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục về nguy cơ, tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê đầy đủ các cơ sở nuôi, thu mua, bảo quản, chế biến tôm trên địa bàn để lập dữ liệu quản lý. Lồng ghép khi kiểm tra yêu cầu ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm và không sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất. Bố trí lực lượng, kinh phí cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về đưa tạp chất vào tôm và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất theo quy định của pháp luật. Theo đó, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Chi cục Thủy sản đã chủ động phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức ký kết chấp hành không đưa tạp chất vào tôm đối với 60 cơ sở, đại lý kinh doanh tôm và người nuôi tôm các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Ðịnh. Tổ chức 2 lớp tập huấn, hướng dẫn cho các cơ sở thu mua tôm và chính quyền các địa phương biết cách kiểm tra, phát hiện tạp chất trong tôm. Tiếp tục phối hợp với các lực lượng chuyên ngành tăng cường kiểm tra các cơ sở thu mua, chế biến, các hộ nuôi về kết quả thực hiện các cam kết; vận động những cơ sở chưa ký cam kết thực hiện ký cam kết nhằm nâng cao trách nhiệm, ngăn chặn tình trạng đưa tạp chất vào tôm. Từ nay đến cuối năm sẽ tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra vào thời điểm thu hoạch tôm nuôi và hoạt động kinh doanh tôm trên thị trường tăng lên.

Theo quy định, hành vi đưa tạp chất vào tôm bị xử phạt 70 triệu đồng đối với cá nhân và 140 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Vì thế đã đến lúc phải có những biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn nhằm chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Ðại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com