Tăng cường kiểm soát giá dịch vụ, hàng hóa

07:05, 13/05/2019

Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh tháng 4-2019 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 3,85% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 3 nhóm hàng tăng giá mạnh là nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 1,15%; giao thông tăng 6,89%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,31%. Nguyên nhân chính dẫn đến việc các nhóm hàng tăng giá là do 3 đợt tăng giá xăng, dầu liên tiếp và giá bán điện sinh hoạt tăng trung bình 8,36%. Việc các đợt tăng giá điện, xăng trong thời gian ngắn đã tạo áp lực lớn lên nền kinh tế nói chung và cân đối chi tiêu của mỗi hộ gia đình, mỗi người dân nói riêng. Do vậy, việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát giá trong thời điểm hiện nay là cần thiết, góp phần ổn định thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu dùng, sản xuất.

Siêu thị Co.op Mart (Thành phố Nam Định) luôn niêm yết công khai giá hàng hóa.
Siêu thị Co.op Mart (Thành phố Nam Định) luôn niêm yết công khai giá hàng hóa.

Ngay sau khi giá điện tăng 8,36%, giá xăng, dầu tăng thêm 3.500 đồng/lít (16%) và giá nước sạch tăng, giá một số mặt hàng tiêu dùng trên thị trường bắt đầu tăng theo. Trong đó, cao nhất là giá dịch vụ vận tải hàng hóa với mức tăng thêm khoảng 50 nghìn đồng/tấn (khoảng 6%). Một số dịch vụ vận tải taxi, vận tải hành khách công cộng hiện đang trình phương án tăng giá với cơ quan chức năng. Tại các chợ đầu mối Phạm Ngũ Lão, chợ Mỹ Tho (Thành phố Nam Định), giá rau xanh, hoa quả và thực phẩm tươi sống cũng bắt đầu nhích lên từ 10-15% theo nhóm hàng với lý do, giá xăng tăng kéo theo tăng chi phí vận chuyển; điện tăng làm gia tăng chi phí sản xuất, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Đáng ghi nhận là tại các siêu thị giá bán hàng hóa vẫn giữ ổn định. Đại diện Siêu thị Co.op Mart Nam Định cho biết: Đến nay, chưa có bất kỳ mặt hàng nào tại Co.op Mart tăng giá và cam kết hoạt động phục vụ vẫn diễn ra bình thường do hệ thống đã hợp đồng chuẩn bị nguồn hàng dài hạn từ trước khi điện, xăng dầu tăng giá. Tuy nhiên, việc giữ bình ổn giá các sản phẩm cũng không duy trì được lâu bởi khi hết thời hạn hợp đồng cung ứng đợt hàng này, đợt hàng mới sẽ phải nhập theo giá mới thì việc siêu thị tăng giá bán hàng là không tránh khỏi. Hơn nữa, chi phí sử dụng điện cho việc chiếu sáng, làm mát bảo quản hàng hóa và vận hành các dịch vụ của hệ thống siêu thị tăng đáng kể. Cùng với Siêu thị Co.op Mart, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đều tận dụng lợi thế đã chuẩn bị nguồn hàng dài hạn để bình ổn thị trường và thu hút khách hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số tư thương lợi dụng để tăng giá hàng hóa, dịch vụ “dây chuyền”, không phù hợp. Trước tình hình đó, các ngành chức năng của tỉnh như Tài chính, Công thương, Quản lý thị trường, Thuế, Y tế thực hiện chỉ đạo của tỉnh… đã chủ động các biện pháp quản lý đảm bảo bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, các Sở: Tài chính, Công thương tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời tham mưu đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo quy định của pháp luật. Chủ động giám sát, rà soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp đối với các mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá. Trong quá trình kiểm tra, chú trọng rà soát chặt chẽ mức giá và yếu tố hình thành giá của kỳ kê khai liền kề trước và mặt bằng giá cả thị trường để hướng dẫn và yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện kê khai giá phù hợp. Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường. Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, như cước vận tải, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nam Định cho biết: Đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc, xi măng, sắt thép xây dựng… để ngăn chặn hiện tượng lợi dụng tăng giá điện, xăng thổi phồng chi phí. Đồng thời, sẽ rà soát chặt chẽ giá các mặt hàng chịu tác động trực tiếp của việc tăng giá điện, xăng, không để tình trạng tăng giá hàng hóa đột biến, bất hợp lý.

Theo các chuyên gia kinh tế, điện và xăng, dầu là hai yếu tố đầu vào thiết yếu của nhiều ngành kinh tế nên việc tăng giá dễ gây tác động dây chuyền; tuy nhiên thường sau 3 tháng, quá trình cân đối đầu vào và đầu ra của sản phẩm mới tác động đầy đủ. Do đó, sự biến động về giá hàng hóa tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Đây là một thách thức lớn đối với công tác quản lý giá và bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. Các biện pháp phát triển nguồn cung, tìm kiếm nguồn hàng giá rẻ, tiết kiệm tối đa các chi phí trung gian, chia sẻ lợi ích giữa người sản xuất và tiêu dùng, tăng cường quản lý ngăn chặn tăng giá trục lợi chỉ là những giải pháp trước mắt./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com