Đẩy mạnh phát triển kinh tế sinh vật cảnh

08:03, 08/03/2019

Năm 2018, thị trường sinh vật cảnh tỉnh có chuyển biến tích cực. Doanh thu từ việc buôn bán hoa, cây cảnh, đá cảnh, gỗ lũa nghệ thuật… duy trì ở mức cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.

Các cấp Hội Sinh vật cảnh trong tỉnh đã vận động hội viên phát huy sự sáng tạo, lựa chọn giống cây, tạo dáng thế phù hợp thị hiếu thị trường. Cùng với phát triển cây cảnh truyền thống, nhiều địa phương đã chuyển đổi trồng các cây bóng mát, cây ăn quả, cây trang trí, bonsai trong các công trình xây dựng để đưa giá trị sản xuất sinh vật cảnh tăng cao. Doanh thu từ bán hoa, cây cảnh, đá cảnh, gỗ lũa nghệ thuật... trong tỉnh đạt gần 180 tỷ đồng. Tiêu biểu như huyện Hải Hậu với diện tích trên 500ha đất trồng cây cảnh có tổng thu nhập 150 tỷ đồng, bình quân thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm, trong đó nhiều địa phương duy trì thu nhập cao như xã Hải Sơn, Thị trấn Cồn... Huyện Nam Trực doanh thu khoảng 50 tỷ đồng từ trồng cây xanh, cây bóng mát ở các khu công nghiệp, đường giao thông và hàng chục tỷ đồng từ bán cây cảnh nghệ thuật, cỏ Nhật... Huyện Trực Ninh có tổng doanh thu trên 4 tỷ 400 triệu đồng, chủ yếu từ các loại cây cảnh nghệ thuật trung thế và đại thế. Thành phố Nam Định có tổng thu khoảng 4 tỷ đồng; trong đó doanh thu từ cây cảnh nghệ thuật, cây phôi, cây bóng mát đạt trên 2 tỷ đồng, từ chim, gà, cá cảnh khoảng 1 tỷ đồng và từ các loại hoa lan trên 1 tỷ đồng. Huyện Nghĩa Hưng có doanh thu khoảng 6 tỷ 800 triệu đồng, chủ yếu đến từ hoạt động bán cây cảnh nghệ thuật cho thị trường miền Nam. Trong năm 2018, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã bình xét, đề nghị phong tặng 10 nghệ nhân cấp tỉnh, 3 nghệ nhân quốc gia; qua đó, nâng tổng số nghệ nhân sinh vật cảnh 267 thành viên, gồm 233 nghệ nhân cấp tỉnh, 34 nghệ nhân quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 194 xã, phường, thị trấn thành lập Hội Sinh vật cảnh; khoảng 800 Chi hội Sinh vật cảnh ở các thôn, xóm, làng nghề; trên 10 nghìn hội viên với tổng số 14.500 tác phẩm nghệ thuật trưng bày; khoảng 54 nghìn tác phẩm đang hoàn thiện. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 35 câu lạc bộ sinh vật cảnh, 178 nhà vườn, 22 làng nghề.

Du khách tham quan “Triển lãm sinh vật cảnh tỉnh Nam Định” lần thứ III năm 2018.
Du khách tham quan “Triển lãm sinh vật cảnh tỉnh Nam Định” lần thứ III năm 2018.

Năm 2018, Hội Sinh vật cảnh tỉnh phối hợp với Trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố trong tỉnh mở 15 lớp dạy nghề chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh nghệ thuật, kỹ thuật chăm bón địa lan... cho hàng trăm hội viên. Hội Sinh vật cảnh Nghĩa Hưng phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức 4 lớp học trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh cho 140 hội viên. Hội Sinh vật cảnh Hải Hậu mở 5 lớp dạy nghề sinh vật cảnh cho 250 hội viên; tổ chức hội thảo, tham quan học tập các mô hình sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh cho các học viên trao đổi kinh nghiệm. Hội Sinh vật cảnh Giao Thủy tổ chức lớp dạy nghề cho 35 học viên, thời gian học trong 3 tháng; duy trì 2 đội cắt tỉa cây cảnh đến từng xã để hỗ trợ kỹ thuật cho hội viên. Hội Sinh vật cảnh Trực Ninh phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện, Câu lạc bộ nghệ nhân sinh vật cảnh tỉnh tổ chức lớp dạy nghề chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh cho 35 hội viên với sự hướng dẫn của các nghệ nhân sinh vật cảnh theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, các học viên nhanh chóng tiếp thu kiến thức, kỹ năng chế tác, chăm sóc hoa, cây cảnh. Nhiều học viên mạnh dạn thay đổi phương pháp sản xuất các tác phẩm sinh vật cảnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để thúc đẩy quá trình giao thương, các cấp Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã tích cực tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh vào dịp Tết, các sự kiện chính trị - xã hội của tỉnh. Trong năm, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã tổ chức thành công “Triển lãm sinh vật cảnh tỉnh Nam Định” lần thứ III tại Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (Thành phố Nam Định) với sự tham gia của 10 Hội Sinh vật cảnh huyện, thành phố, Hội Sinh vật cảnh thôn Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật Thiên Trường và 35 Hội Sinh vật cảnh các tỉnh, thành phố trong cả nước với trên 300 doanh nghiệp, cá nhân tham gia. Triển lãm thu hút 5.000 tác phẩm nghệ thuật dự thi và 17 nghìn tác phẩm thương mại có tính thẩm mỹ cao, giá trị kinh tế lớn. Ngoài ra, Hội Sinh vật cảnh tỉnh tham gia “Triển lãm sinh vật cảnh Việt Nam năm 2018” tại Hà Nội với 56 tác phẩm dự thi. Trong đó, nhiều tác phẩm đạt trình độ cao về kỹ thuật, mỹ thuật được các chuyên gia sinh vật cảnh trong nước đánh giá cao; tiêu biểu như các tác phẩm: “Đại thế vân tùng”, “Long thăng thời Lý”… của các nghệ nhân Cao Văn Phú, Nguyễn Minh Thống (Hải Hậu). Kết thúc triển lãm, Hội Sinh vật cảnh tỉnh giành 1 giải đặc biệt, 7 giải vàng, 8 giải bạc, 9 giải đồng. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, các cấp Hội Sinh vật cảnh, các câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật trong tỉnh đã tổ chức cho hội viên đem cây cảnh tham gia triển lãm sinh vật cảnh các tỉnh; tăng cường giao lưu, tham quan các mô hình trồng cây cảnh nghệ thuật ở tỉnh bạn. Huyện Hải Hậu tham gia 3 triển lãm sinh vật cảnh tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình với tổng số 250 tác phẩm; qua đó đã bán hàng chục cây cảnh nghệ thuật. Hội Sinh vật cảnh Nghĩa Hưng tham gia triển lãm sinh vật cảnh ở Thanh Hoá và Hải Phòng với hàng trăm tác phẩm. Huyện Nam Trực cũng tuyển chọn hàng trăm tác phẩm cây cảnh đủ kích cỡ tiểu, trung, đại tham gia triển lãm sinh vật cảnh ở các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá... Bên cạnh phát triển kinh tế, Hội Sinh vật cảnh tỉnh cũng chỉ đạo Hội Sinh vật cảnh các cấp tổ chức tặng, trồng cây cảnh khuôn viên công sở, nhà văn hóa, các trường học, nghĩa trang liệt sĩ, đường giao thông, đình, chùa, nhà thờ... làm đẹp môi trường, xây dựng cảnh quan “xanh - sạch - đẹp”, góp phần thay đổi diện mạo quê hương trong xây dựng nông thôn mới. Hội Sinh vật cảnh các cấp tiến hành khảo sát, bình chọn 400 cây cổ thụ; trong đó, huyện Hải Hậu có 130 cây, huyện Mỹ Lộc có 25 cây, huyện Trực Ninh có 73 cây trên 100 năm; huyện Nam Trực có 9 cây trên 300 năm. Đến nay, toàn tỉnh có 20 cây cổ thụ được công nhận là cây di tích lịch sử - văn hóa Việt Nam. Hội viên sinh vật cảnh các huyện, thành phố tích cực tham gia tôn tạo, trồng mới khoảng 3.000 cây bóng mát, trên 1.000 cây cảnh nghệ thuật tại các di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ, nhà văn hóa, công trình tôn giáo. Phong trào xanh hóa trường học với hơn 50 trường được hội viên sinh vật cảnh các huyện, thành phố trồng, chăm sóc cây bóng mát, cây cảnh, góp phần giáo dục tính nhân văn, ý thức văn hóa, bảo vệ môi trường cho học sinh.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về phát triển sinh vật cảnh tới cán bộ, hội viên. Củng cố tổ chức Hội Sinh vật cảnh các cấp; động viên các đơn vị năng động, sáng tạo đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ; tổ chức nhiều lớp dạy nghề chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh, đưa phong trào sinh vật cảnh ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào nền kinh tế của tỉnh./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com