Hệ thống lại kênh phân phối hàng hóa để phát triển thương mại bền vững

07:09, 03/09/2016

Phân ngành dịch vụ bán lẻ giữ vị trí trung gian và đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự phát triển của cả hai đầu là sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển không ngừng của toàn bộ quá trình tái sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng lớn trong chuỗi giá trị của hàng hóa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, phát triển tiêu dùng và cải thiện đời sống vật chất của người dân. Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong hoàn thiện hạ tầng thương mại cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên với một thị trường có trên 2 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng lớn, nhưng đến thời điểm hiện tại hệ thống phân phối hàng hóa vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Để khắc phục hạn chế này, các ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực hệ thống lại kênh phân phối tiêu thụ hàng hóa hướng đến mục tiêu phát triển thương mại bền vững.

Trung tâm thương mại huyện Nghĩa Hưng được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Trung tâm thương mại huyện Nghĩa Hưng được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Hệ thống thương mại của tỉnh ta bao gồm các loại hình chủ yếu là chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ và các loại hình bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại; siêu thị (tổng hợp và chuyên doanh) và các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh. Trong đó có 200 chợ truyền thống, 10 siêu thị (1 siêu thị hạng I và 6 siêu thị hạng III); có 5 siêu thị chuyên doanh (Sách Ngọc Bình, Đồ gỗ Tùng Lâm, Đồ gỗ Hoa Phương, điện máy MediaMart, điện tử Trần Anh) và 4 siêu thị tổng hợp (Big C, Micom, Country mart (Hải Hậu), Thời trang (Nghĩa Hưng). Các cửa hàng thương mại của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hình thành và chủ yếu tập trung ở dọc các đường quốc lộ, tỉnh lộ và đặc biệt ở các đường phố trung tâm trên địa bàn Thành phố Nam Định và ở trung tâm các huyện. So với quy định và mức bình quân chung của toàn quốc trung bình cứ 100 nghìn dân thì cần có một đại siêu thị, một trung tâm thương mại, cứ 10 nghìn dân thì cần một siêu thị trung bình, còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi… thì hệ thống thương mại của tỉnh ta còn thiếu về số lượng, cơ sở vật chất các chợ còn kém, bên cạnh đó sự phân bố còn chưa phù hợp, hạn chế khả năng khai thác các lợi thế về thương mại của tỉnh. Lực lượng tham gia kinh doanh chủ yếu đều thuộc thành phần kinh tế tư nhân kinh doanh bán buôn, bán lẻ và người sản xuất nhỏ trực tiếp bán sản phẩm. Hơn thế nữa, nhà phân phối hàng hóa lớn nhất trên địa bàn tỉnh ta hiện nay là Trung tâm thương mại BigC - của nhà đầu tư nước ngoài. Sự mất cân đối trong hệ thống bán lẻ này gây bất lợi cho tiêu thụ hàng nội. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã phê duyệt các dự án xây dựng mới quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn; Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2025 và các cơ chế, chính sách liên quan… Theo quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng thương mại đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ xây dựng 7 trung tâm thương mại, 25 siêu thị và 245 chợ (5 chợ đầu mối, 6 chợ hạng I, 33 chợ hạng II, 201 chợ hạng III; xây mới 34 chợ, nâng cấp 26 chợ, di dời 9 chợ), bổ sung 69 cửa hàng xăng dầu tại địa bàn nông thôn. Trong đó đến năm 2015 có 100% chợ trung tâm huyện được kiên cố hóa, 30% thị trấn có loại hình tổ chức phân phối hiện đại. Năm 2020, sẽ có 80% số thị trấn trung tâm huyện có hình thức tổ chức phân phối hiện đại ở quy mô nhỏ và vừa. Các mô hình tổ chức thương mại gồm các hình thức kinh doanh cá nhân, hộ kinh doanh, mạng lưới kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất - chế biến, các HTX thương mại dịch vụ và mạng lưới kinh doanh theo ngành hàng với quy mô phân phối phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và mức thu nhập của nông dân; phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương. Với quy hoạch này, hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh được phát triển theo hướng hiện đại, tương xứng với vai trò trung tâm của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2020, thương mại tỉnh ta đạt trình độ phát triển tiên tiến trong vùng, nâng khả năng thu hút và phát luồng hàng hoá trong vùng; bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, người sản xuất trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hợp tác phát triển kinh tế trong vùng, trong nước và nước ngoài. Trên cơ sở quy hoạch thương mại nông thôn, Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố thông báo công khai danh mục các dự án chợ được tỉnh hỗ trợ ưu tiên đầu tư xây dựng để các địa phương cân đối; thống kê, điều chỉnh theo quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại của địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt. Song song với quy hoạch cụ thể, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực thương mại như: cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng chính sách giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các chủ thể sản xuất, kinh doanh đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại và miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các công trình hạ tầng thương mại... Cùng với chính sách chung của tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống thương mại, đặc biệt là ưu tiên các doanh nghiệp trong nước như: Hỗ trợ vốn vay, dành vị trí thuận lợi kèm chính sách giá thuê hợp lý, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ chuyên ngành thương mại. Khuyến khích và tạo hành lang pháp lý cho việc liên kết giữa các siêu thị, trung tâm thương mại với các cá nhân, tổ chức trong việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại địa phương… Yêu cầu các đơn vị kinh doanh thực hiện đúng quy định phân cấp trong quản lý, đảm bảo cơ cấu hàng hóa do các doanh nghiệp trong tỉnh và trong nước sản xuất trong giỏ hàng hóa chung của các siêu thị, trung tâm thương mại… Với định hướng rõ ràng, cơ chế chính sách linh hoạt và sẵn sàng tạo mọi điều kiện về đất đai, thủ tục hành chính, tỉnh ta đã thu hút hàng chục dự án đầu tư phát triển thương mại, phân phối, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và phát triển sản xuất của nhân dân. Ngay trong năm 2016, tỉnh ta đã được các bộ, ngành chức năng đưa vào quy hoạch xây dựng một trung tâm hội chợ triển lãm quy mô cấp vùng; phát triển khu thương mại dịch vụ bám theo trục đường dẫn lên cầu Tân Phong. Đặc biệt trong Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển thương mại đã bổ sung Đề án phát triển thương mại dịch vụ khu vực Thành phố Nam Định và các vùng phụ cận. Đồng thời UBND tỉnh cũng chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho gần 20 dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn như: dự án trung tâm thương mại rộng 3ha tại xã Nghĩa An (Nam Trực) do Cty TNHH Xuất nhập khẩu Quảng Phát đầu tư; 3 dự án Trung tâm thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng và tổ chức sự kiện cùng được xây dựng tại phường Lộc Vượng (TP Nam Định) do các Cty CP Thương mại và sinh thái Lộc Vượng, Cty CP Đầu tư và phát triển Đại Nam, Cty TNHH Thương mại tổng hợp Liên Hùng đầu tư… Những dự án thương mại do các doanh nghiệp trong nước đầu tư đã cho thấy sự năng động, lớn mạnh của doanh nghiệp nội. Đồng thời đây là những tín hiệu vui, đánh dấu bước khởi đầu thành công của kế hoạch phát triển thương mại giai đoạn 2016-2020. Khẳng định định hướng đúng đắn trong chiến lược phát triển thương mại trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển phù hợp với yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy quá trình mở rộng các mối quan hệ thương mại giữa tỉnh ta với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo chuyển biến nhanh từ nền thương mại nhỏ, lạc hậu sang nền thương mại văn minh, hiện đại, chú trọng bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, các hộ kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp thương mại trong tỉnh, trong nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh ta.

Để tiếp tục hệ thống lại kênh phân phối sản phẩm, tạo lợi thế cho các nhà đầu tư trong nước, cũng như tạo đòn bẩy cho sản xuất phát triển, bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ cũng cần nghiên cứu sâu những lợi thế mình có được cũng như những thách thức để chủ động kế hoạch đầu tư như: Tận dụng khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường có lợi thế, như loại hình siêu thị chuyên doanh (Trần Anh, Thế giới di động, FPT…), khai thác tốt tiềm năng của chợ truyền thống để bán lẻ. Tập trung nghiên cứu kinh doanh theo phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích, tiện lợi phục vụ từng khu dân cư, từng khu vực thị trường. Liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng thật chắc chắn trên thị trường nội địa để chớp cơ hội phát triển trên thị trường bán lẻ và cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Cần tạo ra các liên kết đan xen cho các sản phẩm như: liên kết vùng, liên kết sản xuất - phân phối, phân phối - phân phối, bán buôn - bán lẻ… Nâng cao chất lượng hàng hóa, nâng cao uy tín và nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com