Tăng cường giám sát an toàn thực phẩm trong nông nghiệp

07:08, 25/08/2016

Hiện nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, hóa chất và chất bảo quản trong nông sản, thủy sản đang diễn ra khá phổ biến và đáng lo ngại. Là tỉnh nông nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường giám sát ATTP nông sản, thủy sản song hiện nay công tác giám sát vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Năm 2016 được xác định là năm cao điểm bảo đảm ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Sở NN và PTNT, trực tiếp là Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản (QLCLNLTS) đã tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP theo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của UBND tỉnh. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2016, Chi cục sẽ tăng cường triển khai các chương trình giám sát ATTP nhằm đánh giá mức độ an toàn của một số thực phẩm và hiệu quả công tác kiểm soát ATTP nông sản, thủy sản; đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, giảm thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh. Cơ quan chuyên môn sẽ tập trung giám sát các sản phẩm; trong đó với thịt lợn giám sát chỉ tiêu Salmonella, dư lượng nhóm Beta agonist, dư lượng nhóm Sulfonamide; đối với thịt gà giám sát chỉ tiêu Salmonella, dư lượng nhóm Tetracyclinse, dư lượng nhóm Chloramphenicol; đối với rau ăn lá, rau ăn quả, gạo chỉ tiêu giám sát là dư lượng thuốc BVTV; đối với thực phẩm chế biến (giò, chả, xúc xích, lạp xưởng, ruốc…) giám sát chất bảo quản Benzoat, Kali Nitrat, Natri Nitrit, hàn the với tùy từng loại sản phẩm chế biến; thủy sản nuôi giám sát kháng sinh, kim loại nặng; thủy sản sau thu hoạch giám sát chất bảo quản, kháng sinh, kim loại nặng… Tập trung lấy mẫu tại các vùng trọng điểm như: các cơ sở sản xuất cung ứng cho bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, vùng sản xuất tập trung, các cơ sở phân phối tham gia xác nhận sản phẩm an toàn; đảm bảo có thể truy xuất được nguồn gốc để xử lý khi phát hiện mẫu không đảm bảo an toàn. Từ đầu năm đến nay, Chi cục QLCLNLTS lấy 28 mẫu ngao, 56 mẫu nước vùng nuôi và khai thác ngao ở 2 huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy; từ  tháng 5 đến tháng 7 lấy 23 mẫu thủy sản nuôi tại 3 huyện ven biển là Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; trong tháng 6 và tháng 7 lấy 8 mẫu thịt lợn, 5 mẫu thịt gà, 1 mẫu giò, 10 mẫu rau ăn lá, 6 mẫu rau ăn quả, 1 mẫu gạo tại tất cả các huyện, thành phố gửi Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản vùng 1 (Hải Phòng) để phân tích các chỉ tiêu ATTP. Đến thời điểm này, đa số các mẫu nông sản, thủy sản trên địa bàn qua giám sát đều không phát hiện chất cấm và dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép, chỉ có 1 mẫu tôm thẻ chân trắng lấy tại xã Giao Phong (Giao Thủy) có dư lượng kháng sinh vượt mức giới hạn hiện đang được điều tra nguyên nhân và thông báo cho các cơ sở có biện pháp khắc phục. Ngày 16-8-2016, Chi cục tiếp tục lấy 3 mẫu thịt gà, 2 mẫu thịt lợn, 2 mẫu rau ăn lá, 3 mẫu rau ăn quả và 1 mẫu gạo tại 2 huyện Ý Yên, Trực Ninh gửi đi và chờ kết quả phân tích.

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản lấy mẫu rau để giám sát dư lượng thuốc BVTV tại một cửa hàng kinh doanh rau sạch trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản lấy mẫu rau để giám sát dư lượng thuốc BVTV tại một cửa hàng kinh doanh rau sạch trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Nhìn chung công tác giám sát ATTP trong nông nghiệp của tỉnh ta thời gian qua được Bộ NN và PTNT đánh giá cao. Tuy nhiên, trên thực tế, người sản xuất, đặc biệt là nông dân còn nhiều hạn chế trong kỹ thuật sản xuất, thiếu kiến thức về bảo đảm ATTP, quy mô sản xuất phần lớn vẫn đang ở dạng manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn trong công tác quản lý; tình trạng mất vệ sinh, không bảo đảm ATTP trong khâu giết mổ, đặc biệt là các cơ sở sơ chế, giết mổ nhỏ lẻ đang tiếp tục là vấn đề bức xúc, chưa có biện pháp hữu hiệu để hạn chế, khắc phục. Một số cơ sở chế biến thực phẩm vẫn vi phạm các quy định về điều kiện chung bảo đảm ATTP, sử dụng các dụng cụ, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, công tác giám sát ATVSTP nông sản, thủy sản của ngành hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo hướng dẫn của Bộ NN và PTNT, để đánh giá chính xác chất lượng ATTP các loại nông sản, thực phẩm thì số lượng lấy mẫu đối tượng giám sát phải từ 100-300 mẫu/năm. Tuy nhiên, do kinh phí của tỉnh bổ sung còn ít so với yêu cầu nên dự kiến Chi cục QLCLNLTS chỉ lấy 103 mẫu, tập trung vào những vùng trọng điểm để giám sát. Cùng với kinh phí, nhiều trang thiết bị chuyên môn phục vụ công tác giám sát như: thùng chứa mẫu, kho dự trữ, thiết bị lấy mẫu ngao ở tầng sâu... còn thiếu. Đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP còn thiếu, hạn chế năng lực so với khối lượng và yêu cầu công việc đòi hỏi đáp ứng ngày càng cao. Công tác lấy mẫu gặp nhiều khó khăn, đơn cử như việc lấy mẫu giám sát ở các cơ sở giết mổ gia súc cần phải đi vào ban đêm; lấy mẫu ngao phải đi biển theo con nước, bố trí 1 người lấy mẫu thì không an toàn, 2 người đi thì lại không đủ nhân lực… Bên cạnh nguyên nhân về kinh phí, nhân lực, trang thiết bị còn thiếu, hạn chế, hiện nay ở tỉnh chưa có phòng, trung tâm kiểm nghiệm được Bộ NN và PTNT chỉ định nên các mẫu nông sản, thủy sản của tỉnh thường phải gửi đi Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản vùng 1 (Hải Phòng) để phân tích các chỉ tiêu ATTP. Do vậy thời gian có kết quả xét nghiệm rất lâu và trong thời gian đó thì các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, cá, tôm… đã cung cấp đến người tiêu dùng. Nếu sản phẩm không an toàn thì cũng chưa kịp thời cảnh báo đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, không có tác dụng ngăn chặn tiêu thụ sản phẩm, chỉ có thể yêu cầu cơ sở nơi lấy mẫu điều tra nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục và thông báo tới các địa phương để có biện pháp kiểm soát.

Đồng chí Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLTS cho biết: Để đảm bảo ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN và PTNT cần phải đưa việc thực hiện giám sát ATTP nông sản, thủy sản vào chương trình mục tiêu quốc gia ATVSTP để có sự thống nhất từ bộ đến các địa phương trong công tác đánh giá và kiểm soát sản phẩm an toàn, giống như các chương trình: “Giám sát thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ”, “Giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi dùng làm thực phẩm”… Cần tiếp tục tăng cường đầu tư về nhân lực, trang thiết bị và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, địa phương với người dân trong việc giám sát ATTP trong nông nghiệp. Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, kiểm soát xác nhận sản phẩm an toàn nông sản, thủy sản và phát triển hệ thống phân phối đảm bảo an toàn để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc kiểm tra, ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản an toàn đối với các hộ nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên lựa chọn các sản phẩm an toàn có nguồn gốc, xuất xứ; các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm của mình. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh, thời gian tới, Chi cục tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng và kiến thức ATVSTP cho người dân. Hướng dẫn, vận động người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng; thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất bảo quản, phụ gia trong bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com