Khắc phục bất cập thị trường thực phẩm an toàn

07:08, 11/08/2016
Vừa đáp ứng tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng thực phẩm sạch để bảo đảm sức khoẻ, lại được tỉnh chủ trương khuyến khích, ưu tiên phát triển nên các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại tỉnh ta gần đây đã xuất hiện nhiều hơn tại các chợ, siêu thị… Tuy nhiên qua thực tế sử dụng sản phẩm tại các địa chỉ này, nhiều người tiêu dùng vẫn dè dặt, băn khoăn về chất lượng sản phẩm.
 
Thực trạng kinh doanh thực phẩm an toàn
 
Theo quy định của ngành chức năng, thực phẩm an toàn là sản phẩm không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, không bao gồm vi sinh vật biến đổi gen trong quá trình nuôi trồng; người lao động tham gia sản xuất, nuôi trồng cũng phải được tập huấn kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn và phải chấp nhận một hệ thống kiểm tra và giám sát ATTP xuyên suốt từ lúc chuẩn bị chuồng trại, đất, giống, dụng cụ… cho đến lúc thu hoạch, sơ chế và đóng gói… đến tay người tiêu dùng.
 
Các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch phải đảm bảo đủ các điều kiện về địa điểm, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có hợp đồng cung ứng với cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định... Tuy nhiên, quan sát thực tế ở nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh cho thấy khá đơn sơ, không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về điểm kinh doanh thực phẩm an toàn, thậm chí nhiều chủ hàng còn không phân biệt được sự khác nhau giữa thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn và thực phẩm hữu cơ nhưng vẫn tuyên bố bán thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ. Nhiều cửa hàng kinh doanh đăng ký xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu theo tiêu chuẩn an toàn để được chứng nhận cơ sở cung ứng thực phẩm an toàn lấy “tiếng” cho việc kinh doanh nhưng trên thực tế chỉ duy trì sản xuất một, hai vụ rồi thôi, nhập hàng hoá từ các nguồn sản xuất về bán với giá thực phẩm an toàn(?!). Có nơi giới thiệu thực phẩm sạch, được chăn nuôi, giết mổ, nuôi trồng theo quy trình khép kín, an toàn nhưng sản phẩm không có nhãn mác thể hiện xuất xứ nguồn gốc. Một người từng rất tâm huyết và trải qua nhiều thăng trầm trong kinh doanh thực phẩm an toàn bộc bạch: Kinh doanh thực phẩm sạch lúc này quá khó, bởi thực phẩm an toàn đã kén người bán, lại kén cả người mua. Người bán ngoài tư duy kinh tế kỹ năng kinh doanh còn đòi hỏi phải thực sự có kiến thức, có tâm và vốn mới trụ được; người mua vừa phải có khả năng kinh tế để chi trả cho sản phẩm có giá cao, vừa phải có đủ kiến thức để phân biệt, đánh giá và lựa chọn sản phẩm gắn mác “sạch, an toàn”. Chẳng hạn tại cơ sở này, một mớ rau muống giá 4.000 đồng, thịt lợn có giá từ 95-160 nghìn đồng/kg tùy từng loại... mà người sản xuất, người bán cũng chưa có lãi mấy bởi số lượng tiêu thụ còn khá “khiêm tốn”. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn nếu không “trường vốn”, sốt ruột vì lợi nhuận, người kinh doanh coi nhẹ chữ “tâm” dễ tìm đến những chiêu trò: trà trộn thực phẩm an toàn với những sản phẩm trôi nổi trên thị trường; ăn bớt quy trình bảo quản thực phẩm an toàn theo quy định của Nhà nước; thậm chí nhập thực phẩm an toàn nhưng để tăng thời gian lưu lại tại cửa hàng nên đã sử dụng hóa chất bảo quản làm tươi mới sản phẩm… hòng tăng lợi nhuận. Việc làm gian dối này của không ít người kinh doanh thực phẩm sạch đã bị phát giác, gây mất niềm tin, khiến người tiêu dùng quay lưng lại với các cửa hàng cung ứng sản phẩm an toàn, họa lây cho những địa chỉ làm ăn nghiêm túc.
Rau an toàn được sản xuất tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh.
Rau an toàn được sản xuất tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh.
Giải pháp nào cho thị trường thực phẩm sạch?
 
Chủ trương xây dựng nền nông nghiệp sạch đã được các ngành, các địa phương triển khai tích cực với sự vào cuộc của cả đơn vị sự nghiệp cũng như các doanh nghiệp tham gia. Hiện tại ở tỉnh ta đã có một số nông sản thực phẩm được chứng nhận là thực phẩm sạch, đảm bảo ATVSTP như: cá bống bớp, ba ba của Nghĩa Hưng; ngao, tôm thẻ chân trắng của Giao Thủy; cua biển, tôm sú của Hải Hậu và một số cơ sở sản xuất rau xanh, trứng, thịt lợn, thịt gà ở các doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra hằng năm, Sở NN và PTNT đều chỉ đạo xây dựng hàng chục mô hình trồng rau màu vụ đông sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt tích cực triển khai chương trình hợp tác với Nhật Bản khởi động cuối năm 2014, ngày từ vụ xuân hè 2016, nhiều đơn vị đã triển khai mô hình trồng rau màu hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản. Vụ xuân hè năm 2016, Trung tâm Giống cây trồng Nam Định (Sở NN và PTNT) trồng hơn 2ha rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản. Đất sản xuất tại đây cũng được kiểm nghiệm và được chứng nhận trong vùng sản xuất an toàn. Khu sản xuất thực hiện trong nhà lưới để ngăn chặn côn trùng, sâu bệnh; sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động. Trong quá trình canh tác chỉ sử dụng phân hữu cơ, tăng cường bón lót và hạn chế tối đa dùng hóa chất bảo vệ thực vật và kiểm soát chặt nguồn nước tưới. Cơ cấu cây trồng chủ yếu là rau ăn lá theo mùa và một số loại rau trái vụ khó canh tác như: nhóm cải chịu nhiệt (cải bó xôi, cải mơ, cải đắng). Sau 4 tháng sản xuất, cả vùng cho thu hoạch 15 tấn rau các loại, trong đó có 50% rau ăn lá, 50% rau ăn quả (dưa chuột, dưa lê, mướp, bí). Đây là đơn vị thực hiện việc sản xuất rau an toàn bài bản và quy mô lớn, chất lượng sản phẩm được đánh giá tốt. Tuy nhiên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Hiện tại rau của Trung tâm mới chỉ đến được một vài bếp ăn tập thể thông qua các đầu mối thu mua; phần còn lại tiêu thụ nhỏ lẻ cho các gia đình nên lượng bán không đáng kể so với sản lượng thu hoạch, chưa đứng độc lập trên thị trường tự do. Rau quả là sản phẩm khó bảo quản và công nghệ bảo quản rau sạch chưa được quan tâm nên hiện tại rau quả thu hoạch không bán kịp có khi phải đổ bỏ “cho cá ăn”! Điều này đã khiến cho thu nhập của người trồng rau không hiệu quả như phương pháp sản xuất thông thường khiến họ dễ nản, không mặn mà với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, muốn quay lại cách sản xuất truyền thống.
 
Thực tế thị trường thực phẩm an toàn vẫn đang tồn tại tình trạng người tiêu dùng cần nhưng khó mua, trong khi người sản xuất làm ra sản phẩm nhưng lại khó bán, gây thiệt thòi cho cả người tiêu dùng và người sản xuất và hệ lụy lớn nhất là mục tiêu sản xuất nông sản sạch của ngành Nông nghiệp khó trở thành hiện thực nếu nút thắt giữa sản xuất, tiêu dùng, cung ứng sản phẩm an toàn không được giải quyết. Để khắc phục những hạn chế này, các ngành chức năng đã tập trung tuyên truyền về tác dụng của sản phẩm an toàn đối với sức khỏe; cách nhận biết, lựa chọn sản phẩm sạch và công khai điều kiện sản xuất, lưu thông và kinh doanh sản phẩm an toàn. Quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển các vùng sản xuất an toàn tập trung và ổn định, đảm bảo đủ sản lượng cung ứng cho nhu cầu của thị trường cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất; hỗ trợ người dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, SSOP trong cả nuôi trồng và chế biến thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, nhất là xây dựng được chuỗi liên kết “các nhà” (sản xuất, quản lý, kinh doanh…) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng sản xuất, cơ sở kinh doanh nông sản an toàn, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện những sai phạm, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định về kinh doanh thực phẩm an toàn để đảm bảo quyền, lợi ích cho các doanh nghiệp thực hiện đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Công khai những cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết. Các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn cần được tổ chức đồng bộ với công tác chế biến, kinh doanh, làm tốt công tác thị trường xây dựng mạng lưới cửa hàng chuyên doanh giới thiệu và cung ứng sản phẩm sạch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thực phẩm sạch, an toàn, hữu cơ theo các hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết cho người tiêu dùng. Tăng cường đấu tranh phát hiện, công khai các địa chỉ, thủ đoạn gian dối trong kinh doanh thực phẩm sạch để người tiêu dùng biết, tạo dựng các trào lưu tiêu dùng sạch, an toàn, thông thái, kiên quyết tẩy chay, nói “không” với thực phẩm bẩn và kinh doanh gian dối, đánh lừa khách hàng./.
 
Bài và ảnh:  Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com