Tiêu dùng hàng ngoại thông minh

04:08, 19/08/2016

Những vụ việc thực phẩm bẩn, sự yếu kém, lỏng lẻo trong quản lý chất lượng hàng hóa, thậm chí sự vô trách nhiệm, tiếp tay của cán bộ chức năng cho hàng giả, hàng nhái xâm nhập thị trường... bị phát giác và đưa lên công luận gần đây càng khiến người tiêu dùng có xu hướng tìm đến hàng ngoại. Mặt khác với các chính sách cởi mở trong giao thương và đời sống kinh tế của người dân được nâng lên khiến hàng ngoại càng có nhiều cơ hội xuất hiện trên thị trường nội địa.

Lựa chọn thực phẩm tại cửa hàng chuyên doanh hàng Hàn Quốc, phố Hàng Cấp (TP Nam Định).
Lựa chọn thực phẩm tại cửa hàng chuyên doanh hàng Hàn Quốc, phố Hàng Cấp (TP Nam Định).

Trên các tuyến phố chính của Thành phố Nam Định, người tiêu dùng không khó để tìm những cửa hàng chuyên doanh hàng ngoại nhập từ các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… với hầu hết những sản phẩm từ thực phẩm tươi sống, đồ ăn, gia vị, bánh kẹo, nước giải khát, rượu… Trong đó nhóm hàng gia dụng chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản; đồ ăn, gia vị của Hàn Quốc; mỹ phẩm, rượu ngoại từ các nước Nga, Đức, EU… Sự xuất hiện ngày càng nhiều hàng ngoại nhập đang làm phong phú thêm thị trường bán lẻ, tăng cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, phường Trường Thi (TP Nam Định) cho biết: “Cửa hàng chuyên doanh hàng Thái Lan mở ngay gần nhà nên tôi thường đến xem và chọn hàng dùng thử, quả thật mặc dù giá cả có cao hơn khoảng 10-20% so với sản phẩm cùng loại của Việt Nam nhưng tôi cảm nhận rõ sự khác biệt về chất lượng”. Khác với chị Oanh, Chị Nguyễn Hải Hà, Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) cho biết: Mình làm việc trong Cty liên doanh với nước ngoài nên đã được thưởng thức một số món ăn của Hàn Quốc, Nhật Bản và thấy ngon, cách chế biến không khó, vì thế mình rất muốn tìm đến các cửa hàng chuyên doanh thực phẩm nhập ngoại mua về chế biến cho người thân trong gia đình cùng thưởng thức. Tại các cửa hàng chuyên doanh, mọi gia vị, nguyên liệu chế biến đều có cả. Người bán hàng còn tận tình hướng dẫn cách sử dụng nguyên liệu và chế biến món ăn nên mình thấy thú vị. Với những lý do khá đơn giản như vậy, hàng ngoại đang nhanh chóng chiếm sân hàng nội, chiếm được lòng tin của bộ phận khách hàng có thu nhập khá. Tuy nhiên theo cảnh báo của cơ quan chức năng, hàng hóa ngoại lưu thông trên địa bàn tỉnh được du nhập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả hàng nhập lậu; hàng giả, hàng nhái sản xuất ngay trong nước hoặc tại nước thứ ba do những người đi du lịch, công tác nước ngoài mang về… nên không loại trừ nguy cơ hàng kém chất lượng, hàng vi phạm điều kiện đảm bảo ATVSTP. Trong khi đó điểm yếu của người tiêu dùng là quá choáng ngợp trước hàng ngoại, thiếu thông tin và thiếu kỹ năng tiêu dùng cần thiết, mua hàng hoàn toàn bằng niềm tin(?!). Đây là cơ hội để những người kinh doanh thiếu ý thức, làm ăn chộp giật trà trộn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng khó kiểm soát chất lượng, gây nhầm lẫn, thiệt thòi cho khách hàng. Bên cạnh đó, tình trạng các cửa hàng kinh doanh lẫn lộn nhiều mặt hàng khác nhau, trong đó có cả các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như thuốc, thực phẩm chức năng, rượu, thuốc lá… và không có chế độ bảo quản hàng hóa đúng quy định với đặc tính của từng nhóm sản phẩm khá phổ biến. Hơn nữa chuyên doanh hàng ngoại là mô hình kinh doanh mới, người bán hàng chỉ có liên hệ với tổ chức, cá nhân trung gian cung ứng hàng hóa theo đơn hàng mà ít có liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất nên mọi chế độ chăm sóc dành cho khách hàng của nhà sản xuất người mua trong tỉnh không được hưởng. Đặc biệt sự cố xảy ra sau bán hàng đều không được giải quyết, hoặc chỉ xuê xoa cho qua chuyện, bao gồm cả lỗi kỹ thuật từ phía nhà sản xuất; lỗi vận chuyển, bảo quản do đơn vị cung ứng và đặc biệt là hàng quá hạn sử dụng... người tiêu dùng phải bấm bụng chịu nếu người bán hàng không chấp nhận chia sẻ thiệt hại.

Tại cửa hàng chuyên doanh hàng tiêu dùng Thái Lan trên đường Giải Phóng (TP Nam Định) được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm bởi giá cả phải chăng, quê hương của chủ hàng là địa phương gần cửa khẩu Lao Bảo nên được tin tưởng là có nguồn hàng Thái “xịn”. Tuy nhiên diện tích kinh doanh quá nhỏ, chừng vài ba m2, hàng hóa trưng bày đơn giản trên các loại kệ sắt với hàng trăm mặt hàng khác nhau từ đồ gia dụng, chất tẩy rửa đến mỹ phẩm… Riêng các loại mỹ phẩm như phấn, son, kem dưỡng da, nước hoa… được ưu tiên bày trong tủ kính, kê sát vỉa hè để thu hút sự chú ý của khách hàng trong cái nắng chói trang của mùa hè chiếu rọi suốt từ sáng tới chiều với nhiệt độ lên đến 36-37 độ. Trong khi mỹ phẩm được hướng dẫn bảo quản mát không quá 25-27 độ. Nhiệt độ quá cao, chiếu sáng trực tiếp sẽ làm biến đổi chất lượng sản phẩm. Vì không phải hàng nhập khẩu chính ngạch nên sản phẩm bày bán trong cửa hàng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật, người tiêu dùng chỉ biết nhìn “hình” đoán chất lượng và cách sử dụng, ngoài ra có sự hỗ trợ miệng của người bán hàng. Lý giải điều này, chủ hàng cho biết: Sản phẩm này là hàng “xách tay”, miễn thuế nhập khẩu, không qua đơn vị trung gian nên không có nhãn phụ tiếng Việt. Vào thị trường Việt Nam bằng cách này nên hàng ngoại có giá “khá mềm” so với hàng cùng loại và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hàng hóa sản xuất trong nước, gây thiệt hại kinh tế, quyền lợi người tiêu dùng.

Để ổn định thị trường hàng ngoại nhập và hạn chế những thiệt hại không đáng có cho người tiêu dùng, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái ngoại đội lốt hàng “xách tay”, kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm những quy định trong lĩnh vực thương mại. Tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức hữu hiệu giúp định hướng tiêu dùng hợp lý cho người dân; phổ biến các kỹ năng nhận biết đánh giá chất lượng hàng hóa ngoại; các quy định về quản lý hàng nhập ngoại, nhãn mác hàng hóa... Người tiêu dùng cần chú ý một số nguyên tắc khi mua hàng ngoại nhập đó là: Lựa chọn mua hàng ở địa chỉ uy tín; nắm rõ nguyên tắc đọc mã vạch khi mua hàng hóa; chỉ nên chọn hàng đã được xác nhận chính hãng, có tem nhập khẩu của cơ quan hải quan; sản phẩm phải có tem phụ bằng tiếng Việt, ghi đầy đủ thông tin chi tiết về các thành phần và hướng dẫn, hạn sử dụng… Đừng vì trào lưu tâm lý “sính hàng ngoại”, sành điệu, mà coi nhẹ lợi ích, an toàn sức khỏe của chính mình./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com