Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Giao Thủy

07:09, 04/09/2019

Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Giao Thủy đã từng bước xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tăng cường đầu tư, nâng cấp theo chuẩn nông thôn mới; diện mạo nông thôn được đổi mới toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Mô hình nuôi ngao mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao tại xã Giao Xuân.
Mô hình nuôi ngao mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao tại xã Giao Xuân.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy) hoạt động trong lĩnh vực khai thác, thu mua chế biến hải sản. Do tập trung đầu tư phương tiện, máy móc, thiết bị hiện đại nên sản xuất, chế biến các sản phẩm của Công ty đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng và xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu được Công ty thu mua ngay tại Cảng cá Giao Hải theo hợp đồng khai thác giữa công ty với các ngư dân. Để chủ động nguồn nguyên liệu, Công ty mạnh dạn “tiếp vốn” cho ngư dân địa phương, nhằm tạo chuỗi giá trị khép kín từ khâu khai thác đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Hùng Vương, Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, Công ty có 8 sản phẩm chính đã được công bố chất lượng, đăng ký nhãn hiệu độc quyền và tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm sạch trên thị trường là: Chả cá, Tép moi, Chả mực, Tôm nõn khô, Tôm nõn hấp, Tôm nõn tươi, Cá tẩm gia vị, Nõn bề bề. Riêng Chả cá và Tép moi là 2 sản phẩm chủ lực của Công ty được sản xuất với số lượng lớn, cung cấp thường xuyên cho thị trường tiêu thụ với thị phần chính là các khu, cụm công nghiệp, bếp ăn nhà trường và một số tỉnh, thành phố phía Bắc. Do đảm bảo được các yếu tố về tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểm soát chất lượng nên tất cả những sản phẩm chính của Công ty đều được lựa chọn đăng ký tham gia chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm huyện Giao Thủy năm 2019. Trong đó, sản phẩm Chả cá Hùng Vương không sử dụng chất bảo quản nằm ngoài danh mục tiêu chuẩn đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận “Thương hiệu Vàng thực phẩm Việt Nam”.

 Thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, huyện Giao Thủy tập trung vào các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng miền trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức, công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm của địa phương. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 10 sản phẩm OCOP, trong số đó có từ 5% trở lên số sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 30% số sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 65% số sản phẩm OCOP đạt 1-3 sao. Toàn huyện có 5 doanh nghiệp và 46 cơ sở chuyên cấp đông lạnh, sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản. Các cơ sở sơ chế, chế biến ngày càng mở rộng quy mô, năng lực sản xuất; nhiều cơ sở đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường cả nước, được người tiêu dùng tin dùng, tiêu biểu như: Công ty Hải sản Hùng Vương, Doanh nghiệp Cửu Dung, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Liên Phong… Cơ giới hóa sản xuất phát triển nhanh, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất. Toàn huyện hiện nay có 393 máy làm đất, 105 máy gặt đập liên hợp; tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất đạt 100% diện tích; thu hoạch đạt 95% diện tích, tăng 56% so với năm 2014. Đặc biệt huyện đã thu hút được các doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị khép kín các mặt hàng nông sản, dược liệu. Trong đó Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, Tập đoàn Thái Bình Seed, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương liên kết với các hộ nông dân và hợp tác xã trong huyện sản xuất lúa giống và gạo chất lượng cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, huyện đã tạo điều kiện về đất đai, thủ tục để thu hút các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản đầu tư vào địa bàn. Hiện có một số công ty, doanh nghiệp lớn đầu tư vào huyện như: Công ty Cổ phần Agri vina CJ đầu tư xây dựng trại nuôi lợn tại xã Bạch Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Danh đầu tư xây dựng trại nuôi lợn sữa tại xã Giao Hà, Trại nuôi lợn của ông Phạm Ngọc Hoan đầu tư xây dựng trại nuôi lợn nái, lợn thịt tại xã Giao Thịnh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong đầu tư chế biến và nuôi trồng thủy sản tại xã Giao Phong; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại tổng hợp Hà Trung đầu tư nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại xã Bạch Long.

Trong 5 năm qua, toàn huyện đã chuyển đổi 155ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: cà chua, bí xanh, cây dược liệu, trồng lúa kết hợp nuôi cá... Hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi phổ biến cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thâm canh tăng vụ nên diện tích gieo trồng cây ngô đạt 420 ha/năm tăng 65ha so với năm 2014; năng suất 46,1 tạ/ha, sản lượng 1.895 tấn, tăng 300 tấn so với năm 2014. Chương trình phát triển giống cây trồng được triển khai tích cực và bước đầu cho kết quả tốt. Các công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến như công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất chăn nuôi, 9 trang trại và 425 gia trại chăn nuôi theo tiêu chí mới. Tất cả các trang trại và 65% số gia trại chăn nuôi nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung. Đối tượng nuôi chủ yếu của các trang trại là lợn thịt, lợn nái sinh sản + lợn thịt, gà công nghiệp + vịt. Trung bình mỗi trang trại nuôi khoảng 250-350 con lợn thịt, 1.000-2.500 con gà, vịt… Giá trị sản lượng hàng hoá ước đạt 80-90 tỷ đồng/năm, lãi bình quân đạt 250 triệu đồng/trang trại/năm.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện còn khó khăn, hạn chế. Việc sản xuất theo hướng chất lượng, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... chưa được người nông dân thật sự quan tâm bởi giá bán sản phẩm sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm không cao hơn so với giá bán sản phẩm khác, trong khi giá thành sản xuất cao. Chưa nhân rộng và áp dụng tốt các biện pháp giảm giá thành trong sản xuất lúa gạo, làm cho chi phí đầu vào còn cao, sản phẩm bán ra lợi nhuận thấp chưa đủ sức cạnh tranh thị trường. Các hộ nông dân chưa nhận thức đầy đủ về mục đích yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp, chưa thay đổi tập quán trong sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất, chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ làm cản trở quá trình cơ giới hóa, hiện đại hóa; tổ chức sản xuất chưa đồng bộ nên khó khăn cho việc triển khai tái cơ cấu. Vai trò hoạt động của hợp tác xã chưa đủ mạnh để vận động thành viên tham gia tổ chức sản xuất đáp ứng theo yêu cầu của thị trường, thực hiện liên kết chuỗi giá trị chưa chặt chẽ và bền vững, chưa tin tưởng nhau trong liên kết. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn còn thấp, thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế so với vị trí, vai trò và yêu cầu phát triển, hiệu quả đầu tư chưa cao. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa mạnh dạn, khả năng nhân rộng mô hình có hiệu quả vào sản xuất đại trà hạn chế…

Đồng chí Nguyễn Thành Mạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để nâng cao hiệu quả các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện khuyến khích, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để hình thành nhiều cánh đồng lớn hoặc các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phát triển quy mô các chuỗi liên kết hiện có: Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giống lúa; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa Bắc thơm 7; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn. Tập trung phát triển các sản phẩm lúa giống, lúa đặc sản (tám, nếp), lúa CLC; rau quả sạch, rau hữu cơ, rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản. Nhân rộng các mô hình chăn nuôi tiên tiến, xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, gà, trứng theo tiêu chuẩn OCOP. Hình thành các trang trại chuyên sản xuất, cung ứng con giống lợn, gia cầm, có chất lượng cao; quản lý chặt chẽ chất lượng con giống; cải tạo con giống lợn có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường; quản lý tốt thức ăn, thuốc thú y và chất phụ gia trong chăn nuôi, chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tập trung phát triển các đối tượng nuôi có lợi thế của địa phương như: Tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao…; chú trọng phát triển các mô hình nuôi an toàn, bền vững, hướng tới xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com