Trực Ninh phát triển kinh tế sinh vật cảnh

08:08, 27/08/2019

Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, những năm qua phong trào sinh vật cảnh ở huyện Trực Ninh có bước phát triển mới; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động, góp phần tạo cảnh quan môi trường, xây dựng nông thôn mới. Nhiều gia đình có thu nhập cao, cuộc sống khá giả nhờ kinh tế sinh vật cảnh.

Hội viên Hội Sinh vật cảnh thị trấn Cổ Lễ trao đổi kinh nghiệm cắt, tỉa cây cảnh.
Hội viên Hội Sinh vật cảnh thị trấn Cổ Lễ trao đổi kinh nghiệm cắt, tỉa cây cảnh.

Hội Sinh vật cảnh huyện Trực Ninh hiện có gần 1.000 hội viên, trong đó có 30 người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân sinh vật cảnh cấp Trung ương và cấp tỉnh. Ở cả 21 xã, thị trấn trong huyện đều thành lập Hội Sinh vật cảnh và một số câu lạc bộ sinh vật cảnh như: Ban nghệ nhân, Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật Trực Ninh, Câu lạc bộ bonsai, Câu lạc bộ hoa cây cảnh Trực Thắng… Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 700ha đất trồng cây cảnh, cây thế, cây bóng mát, cây công trình. Tổng giá trị thu nhập từ cây cảnh trong toàn huyện ước đạt trên 50 tỷ đồng. Nhiều địa phương có phong trào sinh vật cảnh phát triển, có doanh thu cao từ kinh tế sinh vật cảnh như các xã: Liêm Hải, Việt Hùng, Trực Thắng, thị trấn Cổ Lễ, thị trấn Cát Thành… Thị trấn Cổ Lễ từ lâu luôn dẫn đầu phong trào sinh vật cảnh của huyện. Hội Sinh vật cảnh thị trấn thành lập từ năm 1993, hiện có 10 chi hội ở 10 tổ dân phố với 75 hội viên tham gia. Tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh của thị trấn hiện đạt 43,5ha; chủ yếu là trồng quất, đào thế, các loại hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán chiếm 75%; ngoài ra, có 20 hộ trồng cây cảnh nghệ thuật; 3 mô hình nhà vườn kiểu mẫu. Những năm gần đây bình quân tổng giá trị thu nhập từ cây cảnh đạt 5 tỷ đồng/năm. Nghề trồng đào thế đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Tiêu biểu như hộ các ông Vũ Ngọc Nhạ (tổ dân phố Nam Hà), Nguyễn Duy Chiến (tổ dân phố Thượng Đền) mỗi hộ sở hữu vườn đào thế rộng trên 1.000m2 với nhiều dáng đào cổ độc đáo, mỗi năm bán hàng trăm triệu đồng. Trước tình hình thay đổi của thị trường sinh vật cảnh, để thích ứng, duy trì và phát triển sản xuất nhiều hội viên đã chuyển đổi sang trồng, kinh doanh cây hoa trang trí, cây bóng mát. Mặc dù giá trị thu nhập từ các loại cây hoa trang trí, cây bóng mát, cây công trình không cao nhưng sức tiêu thụ tốt, đảm bảo cho người sản xuất “lấy ngắn nuôi dài”, duy trì thu nhập. Từ năm 2011, nhận thấy thị trường cây cảnh nghệ thuật có nhiều biến động, nghệ nhân Trần Văn Bẩy ở tổ dân phố Song Khê chuyển sang sản xuất, kinh doanh các loại cây hoa trang trí, cây bóng mát. Với kinh nghiệm của một nghệ nhân nên uy tín của ông ở loại sản phẩm mới nhanh chóng được khẳng định, nhiều khách hàng mua cây hoa trang trí, cây bóng mát ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Đài Loan, Trung Quốc tìm đến với ông. Hiện ông Bẩy sở hữu 2 vườn cây với tổng diện tích 5.000m2 trồng các loại như: mẫu đơn, tường vi, cây công trình, cây bóng mát. Tại xã Trực Thắng hiện có trên 90% hộ trồng hoa, cây cảnh; trong đó có 40 gia đình có vườn cây cảnh đẹp với khoảng 3.000 cây cảnh nghệ thuật, có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao. Tiêu biểu như gia đình ông Hoàng Sơn Kế sở hữu một vườn cây cảnh diện tích trên 1.200m2 với gần 700 cây sanh, tùng la hán, tùng lá kim; trong đó có khoảng 80 cây hoàn thiện, 15 cây sanh cổ có tuổi đời trên 40 năm, giá trị trên 500 triệu đồng/cây. Gia đình nghệ nhân sinh vật cảnh Hoàng Văn Riêm hiện sở hữu 3 vườn cây cảnh, mỗi năm doanh thu từ cây cảnh đạt 200-300 triệu đồng. Những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại, nhà vườn kiểu mẫu được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp với hệ thống chăm sóc cây tự động hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dày công tạo tác những cây cảnh nghệ thuật đẹp, độc, lạ để thu hút khách và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhà vườn Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam Trần Văn Hải ở xã Việt Hùng có vườn cây cảnh nghệ thuật rộng 1ha; khoảng 300 cây thế hàng chục năm tuổi và hàng trăm cây phôi. Trong đó nhiều cây có giá trị kinh tế cao từ 1-5 tỷ đồng, hội tụ đủ 3 yếu tố “cổ - kỳ - mĩ”.

Ông Ninh Tất Thuấn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Trực Ninh cho biết: Hàng năm, Hội Sinh vật cảnh huyện đều chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên và người dân địa phương chuyển đổi sản xuất linh hoạt theo hướng đa dạng các loại hình cây cảnh nghệ thuật phù hợp với xu thế thị trường; tích cực giao lưu học hỏi, tìm tòi, sáng tạo trong việc uốn tỉa, tạo hình, chăm sóc cây cảnh để có nhiều tác phẩm đẹp, có giá trị kinh tế; mở rộng trồng cây ăn quả, cây bóng mát phù hợp với nhu cầu thị trường; cải tạo vườn tạp để trồng cây cảnh, cây thế cho thu nhập cao. Hội có tổ kỹ thuật cây cảnh gồm những người có tay nghề cao tích cực hoạt động tư vấn, trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc, uốn tỉa cây thế cho các hội viên. Từ năm 2015 đến nay, Hội Sinh vật cảnh huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Giới thiệu việc làm huyện mở các lớp dạy nghề trồng, chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh nghệ thuật, chăm sóc lan, phòng trừ sâu bệnh. Năm 2019, Hội Sinh vật cảnh huyện đã phối hợp tổ chức 3 lớp dạy nghề kỹ thuật trồng cây cảnh nghệ thuật cho hơn 100 hội viên và các buổi trao đổi kinh nghiệm nhà vườn, góp phần nâng cao tay nghề cho hội viên; tổ chức cho hội viên tham quan các nhà vườn, tham dự các cuộc triển lãm, trưng bày sinh vât cảnh trong và ngoài tỉnh để giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, Hội Sinh vật cảnh huyện duy trì tổ chức trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh chợ xuân tại trung tâm huyện vào trung tuần tháng Giêng hàng năm; một số chi hội sinh vật cảnh các xã, thị trấn tổ chức trưng bày cây cảnh nghệ thuật gắn với Ngày hội Văn hóa - Thể thao địa phương. Bên cạnh phát triển kinh tế, hội viên Hội Sinh vật cảnh huyện tích cực tham gia tôn tạo, chăm sóc và trồng mới hàng trăm cây cảnh nghệ thuật đại thế, chăm sóc cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, các di tích lịch sử - văn hoá, góp phần tạo cảnh quan môi trường quê hương “xanh - sạch - đẹp”.

Thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh Trực Ninh tiếp tục vận động hội viên phát triển đa dạng hóa cơ cấu cây cảnh, gắn sản xuất với thị trường; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào uốn tỉa, chăm sóc, sản xuất các loại cây phôi; mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức tập huấn truyền nghề, dạy nghề, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên và nhân dân tham gia; chủ động tìm thị trường tiêu thụ, tạo thu nhập ổn định cho các hộ làm kinh tế sinh vật cảnh./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com