Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

08:08, 16/08/2019

Năm 2019, chỉ số thương mại điện tử của tỉnh ta đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng toàn quốc do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đánh giá, giảm 3 bậc so với năm 2018. Trong bốn nhóm tiêu chí thành phần thì chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin đứng thứ 10, tăng 7 bậc so với cùng kỳ năm trước; giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) giữ nguyên ở vị trí thứ 14; hai chỉ số giảm là: giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) giảm 3 bậc và chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước tới doanh nghiệp (G2B) giảm 1 bậc. Điều này cho thấy hiệu quả công tác lãnh đạo chỉ đạo của UBND tỉnh trong đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và ứng dụng thương mại điện tử, góp phần thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền điện tử; đồng thời cũng chỉ rõ những vướng mắc mà địa phương cần tháo gỡ trong việc ứng dụng thương mại điện tử trong thời gian tới.

Cửa hàng giới thiệu nông sản sạch của Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh Nam Định thực hiện thanh toán điện tử cho khách hàng.
Cửa hàng giới thiệu nông sản sạch của Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh Nam Định thực hiện thanh toán điện tử cho khách hàng.

Thương mại điện tử là xu thế mới trong kinh doanh thay thế dần phương thức cũ với nhiều ưu thế nổi bật như nhanh, rẻ, tiện dụng, hiệu quả và không bị giới hạn bởi không gian, thời gian… Phương thức kinh doanh này có hiệu quả tích cực với tất cả các ngành hàng, các loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh. Nhằm giúp các doanh nghiệp ứng dụng khai thác lợi thế, hiệu quả từ thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đến nay, doanh nghiệp đã có thể giao dịch trực tuyến với các ngành chức năng trong các lĩnh vực hành chính liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; quản lý thuế, sử dụng hóa đơn điện tử; bảo hiểm xã hội và các thủ tục thông quan xuất nhập khẩu. Sở Công thương đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) xây dựng hệ thống thông tin xuất nhập khẩu trực tuyến và hỗ trợ 15 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh xây dựng trang web bán hàng trực tuyến; tổ chức tập huấn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử cho các cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trực tuyến, hướng dẫn mua sắm an toàn; quy trình thông báo đăng ký website với Bộ Công thương; phân biệt các loại hình kinh doanh trên mạng xã hội. Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành, đầu tư các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng website để giới thiệu, quảng bá, giao dịch bán hàng, trao đổi thông tin tìm kiếm mở rộng thị trường. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, gần 100% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cung ứng hàng hóa có máy vi tính và được kết nối internet; 90,4% số doanh nghiệp đã trang bị phần mềm kế toán; phần mềm kê khai thuế và phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội; 46% số doanh nghiệp đã từng sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để tra cứu thông tin, quy trình, thủ tục hành chính; 11,2% số doanh nghiệp có website, trong đó (100% website có tính năng giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ; 42% website có tính năng đặt hàng trực tuyến; 24% website có tính năng thanh toán trực tuyến). Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn ít, nguồn nhân lực chưa đủ mạnh để đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại điện tử; nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu và yếu về trình độ chuyên môn nên các doanh nghiệp chỉ đơn thuần sử dụng ứng dụng điện tử với mục đích là để giải quyết các công việc bắt buộc như khai báo tờ khai xuất nhập khẩu thông quan hàng hóa (hải quan điện tử), hay sử dụng các phần mềm kế toán, quản trị doanh nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng hay quản lý khách hàng trong nội bộ công ty. Các loại hình giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng mặc dù chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại điện tử song được ứng dụng rất hạn chế. Một số doanh nghiệp có website nhưng việc xây dựng nội dung cũng như duy trì hoạt động còn hạn chế, chủ yếu mới dừng ở cung cấp thông tin doanh nghiệp, giới thiệu quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tương tác với khách hàng, còn các tính năng khác như giao dịch mua hàng hay thanh toán trực tuyến vẫn chưa thực sự phát triển. Siêu thị BigC Nam Định rất coi trọng việc sử dụng phương tiện điện tử để phục vụ kinh doanh cũng như quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện được các giao dịch thương mại điện tử, đặc biệt là thanh toán điện tử còn rất hạn chế do thị trường nhỏ, sức tiêu thụ không lớn, do vậy phát triển bán hàng trực tuyến không khả thi. Năm 2018, siêu thị thương mại điện tử Josivn.com, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đi vào hoạt động theo mô hình bán hàng trực tuyến. Đây là cơ sở kinh doanh trực tuyến đầu tiên trên địa bàn tỉnh, chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng thông qua hình thức giao dịch thương mại điện tử với cách thức giới thiệu sản phẩm trên website riêng, có tích hợp các chức năng chốt đơn hàng, cách thức thanh toán và niêm yết cụ thể thời gian giao hàng, thanh toán cũng như những điều khoản đổi, trả hàng hóa, chế độ bảo hành, hậu mãi… Tuy nhiên cũng không có nhiều giao dịch điện tử như kỳ vọng của doanh nghiệp. Do đó siêu thị phải duy trì cả hai phương thức bán hàng truyền thống (trực tiếp) và điện tử. Qua tìm hiểu thực tế, sở dĩ thương mại điện tử chưa thể hấp dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là bởi thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân, doanh nghiệp vẫn còn muốn trực tiếp nhìn nhận sản phẩm, tự trao tay hợp đồng, tiền và sản phẩm theo cách “tiền trao cháo múc” nên ngại sử dụng tiện ích từ thương mại điện tử; việc xử lý vấn đề chứng từ giao dịch khi có điều chỉnh phát sinh hay khi có tranh chấp xảy ra rất phức tạp. Nhiều “sự cố” trong các thương vụ mua bán trực tuyến như hàng giao không đúng hàng đặt… đã xảy ra khiến người mua mất lòng tin vào mua bán trực tuyến.

Thương mại điện tử được xem là một công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử nhanh hơn, không bị giới hạn bởi không gian địa lý và doanh nghiệp có thể tìm hiểu các thông tin cần thiết trước khi thực hiện giao dịch với đối tác. Điều này cho phép các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đi lại và thời gian trong khi giao dịch... Trong thời gian tới mục tiêu ứng dụng thương mại điện tử của tỉnh có 100% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các cơ sở cung ứng điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, áp dụng phổ biến chữ ký số và chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử; phấn đấu doanh số thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ… các sở, ngành chức năng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai từng bước thúc đẩy thương mại điện tử thông qua hàng loạt các đề án khác nhau như: hỗ trợ tích hợp phần mềm thanh toán trực tuyến, ứng dụng chữ ký số ở một số doanh nghiệp, quảng bá xây dựng thương hiệu, đặt baner doanh nghiệp trên các website uy tín như: www.tuhaoviet.vn, www.vncharm.com, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh… Đồng thời tích cực phối hợp giải quyết tốt các vấn đề khó khăn trong giao dịch thương mại điện tử để giúp người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp tin tưởng khi mua bán, trao đổi hàng hóa trực tuyến./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com